Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 72 ngày 6/5/2023 về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT). Theo đó, Chính phủ nhất trí với đề xuất của Bộ Tài chính về giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, sau đó trình Quốc hội thông qua. Thời gian áp dụng từ ngày 1/7 đến hết 31/12. Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng cần kéo dài thời gian giảm thuế VAT để mang lại hiệu quả thiết thực là hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất. Ngày 1/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT – VAT) 2%. Trước đó, nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng ủng hộ việc mở rộng giảm thuế GTGT cho tất cả hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế 10% xuống còn 8% để tăng hiệu quả của chính sách, nhất là trong bối cảnh sức mua giảm sút hiện nay.
Trợ lực hiệu quả
Kết thúc năm 2022, chính sách giảm thuế VAT theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ hết hiệu lực cũng là thời điểm nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng có kiến nghị tiếp tục thực hiện giảm thuế đến hết năm 2023. Ảnh hưởng của kinh tế thế giới, doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục đối mặt với khó khăn khi nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng trong nước đều có dấu hiệu giảm.
Đặt lên bàn cân những mặt được và chưa được nếu tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế VAT trong bối cảnh trên, câu trả lời nhận được là khá rõ ràng. Giảm thuế VAT, cả doanh nghiệp và người dân giảm bớt nỗi tăng giá hàng hóa, giảm áp lực đầu vào kích thích tiêu dùng hiệu quả và thúc đẩy sản xuất. Đặc biệt, với doanh nghiệp, năm 2023 khi “cơ thể” đang hồi phục sau đại dịch COVID-19 lại được dự báo chịu tiếp tác động của “cơn gió nghịch” thì chính sách tài khóa hỗ trợ, trong đó chủ đạo là trợ lực từ chính sách thuế được xem là liều thuốc giúp doanh nghiệp tăng sức đề kháng trong thời gian tới. Doanh nghiệp qua đận khó khăn, sức khỏe tốt hơn, có doanh thu ổn định sẽ duy trì việc làm, thu nhập cho lao động và đóng góp cho nguồn thu ngân sách từ các loại thuế gián thu khác. Nền kinh tế cũng khỏe hơn.
Năm 2022, đánh giá tác động của việc giảm thuế VAT tới thu ngân sách ở thời điểm ban hành chính sách, Bộ Tài chính đã dự kiến ngân sách có thể giảm thu khoảng 49.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế con số thấp hơn nhiều lần do Chính phủ sử dụng tốt và hiệu quả các công cụ quản lý thuế hiệu quả; đồng thời thu ngân sách tăng trưởng tốt. Điều này cho thấy, giảm thuế cũng là cách để nuôi dưỡng nguồn thu, tăng thu ngân sách.
Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại tờ trình mới nhất, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) 2% quy định tại điểm a khoản 1.1 Điều 3 Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội (Nghị quyết số 43) trong thời gian từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/12/2023, với mức giảm 2% thuế suất thuế VAT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%).
Như vậy, việc giảm thuế VAT 2% sẽ giữ nguyên như đã triển khai năm vừa qua và sẽ không áp dụng với nhóm hàng hoá như: viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất và các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo Chính phủ, thực hiện theo phương án này nhằm đảm bảo đúng mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế.
Trước đó, tại phiên họp cho ý kiến về dự thảo nghị quyết giảm thuế VAT vào ngày 13/5, do lo ngại việc mở rộng chính sách giảm thuế sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thu ngân sách trong khi tình hình thu ngân sách năm 2023 đang khó khăn, tổng cầu yếu, sức khoẻ doanh nghiệp sụt giảm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2% theo như chính sách đã quy định tại Nghị quyết số 43, thay vì mở rộng áp dụng đối với mọi loại hàng hóa, dịch vụ như đề xuất của Chính phủ. Bởi trong hoàn cảnh khó khăn vì dịch bệnh COVID-19 vào đầu năm 2022 khi ban hành Nghị quyết số 43, Quốc hội đã cân nhắc và loại trừ một số lĩnh vực không thật sự cần thiết ra khỏi diện áp dụng giảm thuế VAT. Hơn nữa, vào thời điểm hiện nay, dự kiến thu ngân sách nhà nước năm 2023 sẽ còn gặp nhiều khó khăn.
Cập nhật số liệu cho thấy, tăng trưởng GDP quý 1 tăng 3,32%, thấp hơn nhiều mục tiêu và kịch bản đề ra (5,6%). Đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng là khu vực dịch vụ và nông lâm thuỷ sản (nông nghiệp), trong khi đó, công nghiệp vốn là động lực dẫn dắt tăng trưởng lại suy giảm. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp sa thải hoặc giãn việc số lượng lớn công nhân do bị giảm hoặc không có đơn hàng, đời sống người lao động càng thêm khó khăn.
Trong bối cảnh dự báo tình hình thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, khó khăn với nền kinh tế và doanh nghiệp tăng, tạo sức ép lớn tới ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi và phát triển nhiều ngành, lĩnh vực, Chính phủ khẳng định việc tiếp tục giảm thuế VAT 2% bên cạnh các giải pháp đã và đang thực hiện năm 2023 là cần thiết, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; qua đó, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế.
Tính riêng số thu ngân sách nhà nước năm 2023, dự kiến giảm 20.000 tỷ đồng do số thu VAT phải nộp của tháng 12/2023 sẽ nộp trong tháng 1/2024.
Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu không được làm giảm thu ngân sách theo dự toán đã được duyệt và không được tăng bội chi ngân sách của 2023.
Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán ngân sách nhà nước, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các luật thuế.
Đồng thời, tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế. Cùng với đó, quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.
Cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế GTGT đối với tất cả các nhóm hàng
Giảm thuế VAT là một trong những chính sách tài khoá thiết thực và hiệu quả trong hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và duy trì tăng trưởng.
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách, có ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế GTGT đối với tất cả các nhóm hàng hóa đang áp dụng mức thuế suất 10% vì hiện nay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đều đang gặp khó khăn. Cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc nâng tỷ lệ giảm thuế GTGT đến 4% để “khoan” sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu.
Ủy ban Tài chính – Ngân sách thẩm tra về tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết 43/2022/QH15. Ủy viên Thường trực Ủy ban Lê Thanh Vân cho rằng, việc giảm thuế dẫn đến giảm giá sản phẩm sẽ làm tăng doanh số bán hàng, cho nên dù số thu từ thuế GTGT giảm nhưng số thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp, xuất nhập khẩu, thu nhập cá nhân, phí và lệ phí… có thể tăng lên. Cùng với đó là tăng cường kiểm tra giám sát chống thất thu thuế. Những khoản này sẽ bảo đảm cho cân đối ngân sách.
Theo GS.TS Trần Hoàng Ngân – Đại biểu Quốc hội TP.HCM, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đà tăng trưởng suy giảm, chúng ta cần chính sách tài khóa mở rộng. Các ngành nghề, lĩnh vực đều kết nối nhau. Vì vậy, chọn cái gì dễ quản lý, dễ làm mới hiệu quả. Cần giảm thuế VAT cho đại trà chứ không nên khoanh vùng, thậm chí có thể kéo giảm thuế này sâu hơn. Ông Ngân phân tích, ba năm qua, doanh nghiệp khó khăn liên tiếp. Giờ chính sách cần phải bình tĩnh để giải quyết “căn cơ” các thách thức và giải bài toán một cách tổng thể. Vì vậy, “không thể giải quyết theo kiểu chữa cháy, vì đám cháy này sẽ lan sang đám cháy khác”, ông Ngân ví von.
Kích thích hiệu ứng lan tỏa
Từ góc độ thực thi, doanh nghiệp đánh giá, trong các chính sách tài khoá, giảm thuế VAT tạo tác động trực tiếp cho nền kinh tế, có tính lan toả và dễ triển khai. Khi chính sách có hiệu lực, doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi ngay từ việc giảm thuế. Doanh nghiệp giảm chi phí thực thi, không cần qua các khâu xét duyệt thủ tục hồ sơ hay các điều kiện ngặt nghèo. Không chỉ các doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp sản xuất thương mại dịch vụ được hưởng lợi trực tiếp, việc giảm thuế còn hiệu lực lan toả tới doanh nghiệp ở những lĩnh vực liên quan tính thuế VAT theo phương pháp khấu trừ có cung cấp hàng hoá dịch vụ đang áp thuế VAT 10% nếu hàng hoá, dịch vụ không thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ được quy định. Hơn nữa, khi nền kinh tế khởi sắc, người dân có tích luỹ sẽ tăng tiêu dùng và đầu tư, mở ra cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác, có thể không hoặc ít được hưởng lợi hơn từ việc giảm thuế VAT.
Trong quá trình thực thi tại doanh nghiệp, ban đầu có một số khó khăn trong kê khai, tính thuế hay vướng mắc trong quản lý, theo dõi nộp thuế do còn lúng túng trong việc xác định sản phẩm, hàng hoá được thụ hưởng giảm thuế. Những bất cập này sau đó đã được tháo gỡ, việc thực thi chính sách giảm thuế VAT ổn định hơn. Đây là tiền đề, kinh nghiệm tốt để triển khai nhanh chóng, hiệu quả hơn chính sách giảm thuế trong doanh nghiệp, tránh những tác động không mong muốn gây mất thời gian, công sức do các thủ tục hành chính liên quan đến thuế.
Vấn đề doanh nghiệp mong muốn, trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng, các cơ quan chức năng có phương án giảm thuế đồng bộ ở các ngành nghề, lĩnh vực liên quan đến chuỗi cung ứng để thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện. Bởi lẽ trong chuỗi, có những mặt hàng không được giảm thuế nhưng lại sử dụng hàng hóa đầu vào được giảm thuế khiến cho doanh nghiệp bán hàng được giảm thuế nhưng doanh nghiệp mua hàng bị tăng thuế… Ngoài ra, trong trường hợp chỉ áp dụng giảm thuế với một số hàng hoá, dịch vụ, cần có hướng dẫn, phân loại cụ thể để doanh nghiệp dễ thực hiện, không gây nhầm lẫn vì thời gian thực hiện giảm thuế không quá dài, kéo dài trong nửa cuối năm nay.
Khánh An