Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, phường của TP. Pleiku đã vận động nguồn lực xã hội hóa với tổng kinh phí hơn 3,2 tỷ đồng để tặng quà cho người dân. Nhiều phần quà do cơ quan, đơn vị dành tặng cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở các làng kết nghĩa theo Đề án 01 của Ban Thường vụ Thành ủy Pleiku về công tác kết nghĩa với các làng đồng bào DTTS.
Trong 10 năm qua, bám sát nội dung đề án, các cơ quan, đơn vị của thành phố cùng các xã, phường được phân công kết nghĩa đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, huy động nguồn lực, triển khai nhiều hoạt động thiết thực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, củng cố hệ thống chính trị, đảm bảo an ninh trật tự tại các thôn, làng.
Chi bộ Phòng Tài chính-Kế hoạch và Chi cục Thống kê TP. Pleiku tặng quà cho người dân làng Ngó (phường Trà Bá)-đơn vị kết nghĩa. Ảnh: P.D |
Từ năm 2013 đến năm 2023, các cơ quan, đơn vị của thành phố đã vận động các tổ chức, doanh nghiệp, Mạnh Thường Quân xây dựng, sửa chữa nhà cho 98 hộ nghèo, cận nghèo; thăm hỏi, tặng quà bằng hiện vật và tiền mặt với tổng trị giá hơn 4,5 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 179 triệu đồng mua thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Bà Hồ Thị Ngọc Huyền-Bí thư Đảng ủy phường Chi Lăng-cho biết: Trên địa bàn phường có 3 làng kết nghĩa với các cơ quan, đơn vị của thành phố. Đó là làng Châm ANẻh kết nghĩa với Phòng Tư pháp; làng Ngol Tả kết nghĩa với Trung tâm Y tế thành phố; làng Ia Lang kết nghĩa với Cụm Công nghiệp Diên Phú.
Hàng năm, các cơ quan, đơn vị kết nghĩa phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể của phường đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về thực hiện nếp sống mới và tích cực hưởng ứng tham gia các phong trào, cuộc vận động.
Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị kết nghĩa tích cực hỗ trợ các hộ khó khăn về nhà ở theo chương trình mục tiêu quốc gia, tặng quà, trao sinh kế… qua đó củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc thêm bền chặt.
Nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng phân công cơ quan, đơn vị, phòng, ban chuyên môn kết nghĩa, phụ trách, giúp đỡ các làng đồng bào DTTS. Các cơ quan, đơn vị được phân công kết nghĩa thường xuyên cử cán bộ, đảng viên xuống làng phối hợp nắm bắt tình hình, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và tham mưu giải quyết các vấn đề phức tạp phát sinh; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các đoàn thể kiện toàn, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, vận động, hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ xây dựng nhà ở, tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí…
Cùng với đó, các hoạt động hỗ trợ, thăm hỏi, động viên được thực hiện chu đáo, kịp thời, tác động tích cực đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Thành đoàn Pleiku phối hợp với CLB Tiếng Anh vì cộng đồng tỉnh Bình Dương khởi công xây dựng nhà khăn quàng đỏ cho 2 em học sinh thuộc hộ nghèo (làng Têng 2, xã Tân Sơn). Ảnh: P.D |
Những việc làm thiết thực, kịp thời trong hoạt động kết nghĩa đã góp phần mang lại những kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh còn 31.502 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 8,11%), trong đó 28.173 hộ nghèo đồng bào DTTS (chiếm 17,05% tổng số hộ đồng bào DTTS toàn tỉnh); 3 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 91 xã và 131 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó 110 thôn, làng vùng đồng bào DTTS).
Mặt khác, qua công tác kết nghĩa, mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa cơ quan, đơn vị với cơ sở và giữa cán bộ, công chức, viên chức với người dân ngày càng củng cố.
Để công tác kết nghĩa ngày càng thiết thực và phù hợp với tình hình mới, ngày 5-12-2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU về tăng cường công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với thôn, làng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
Chỉ thị nêu rõ, cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài; tập trung huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để công tác kết nghĩa trở thành phong trào sâu rộng trong toàn xã hội; tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng nhằm giúp đỡ thôn, làng, hộ dân vùng đồng bào DTTS cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trên địa bàn.
Công tác kết nghĩa phải đảm bảo thực chất, hiệu quả, phù hợp thực tiễn, tránh hình thức, chạy theo thành tích. Đến nay, UBND tỉnh đã phân công 20 sở, ban, ngành tiến hành kết nghĩa với 17 thôn, làng đồng bào DTTS. Những chương trình, kế hoạch cụ thể tiếp tục được bàn bạc, thống nhất và triển khai trên cơ sở bám sát nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân.
Với những giải pháp quyết liệt cùng với quyết tâm bứt phá ngay từ những ngày đầu năm, các địa phương trong tỉnh sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trong năm 2024. Trong đó có mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) toàn tỉnh giảm còn 6,11%; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo là 2% và mức giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS là 3%.