Xuất phát từ niềm đam mê và ý thức bảo tồn nghề truyền thống, anh Đinh Ngái (SN 1999, làng Krak, xã Đak Song) đã chủ động tìm đến những nghệ nhân trong làng học cách tạc tượng gỗ dân gian.
Ban đầu, anh Ngái học cách cầm rìu, cầm dao, phân biệt các loại gỗ để tạc tượng, các bước tạo tác và tìm hiểu ý nghĩa của từng bức tượng. Được các nghệ nhân tận tình chỉ bảo, cùng với đôi bàn tay khéo léo và óc sáng tạo, năm 20 tuổi, anh Ngái đã có thể tạc được những bức tượng sinh động, độc đáo.
Từ đó, anh được dân làng tin tưởng cử tham gia các buổi giao lưu, hội thi văn hóa do địa phương tổ chức và gia nhập nhóm tạc tượng của làng.
Anh Đinh Ngái (bên trái, làng Krak, xã Đak Song) bên những bức tượng sinh động, có hồn do mình tạc ra. Ảnh: Ngọc Minh |
Anh Ngái cho biết: Trước đây, mỗi khi làng có lễ bỏ mả, đông đảo người già, nghệ nhân tập trung tại nhà rông cùng nhau tạc những bức tượng với đủ hình thù như tượng người đứng ôm mặt khóc, tượng người ngồi chống cằm, ôm nhau chia sẻ nỗi buồn hoặc tượng con chó, con mèo, con khỉ… Khoảng 10 năm gần đây, số người biết tạc tượng trong làng thưa dần.
Qua các buổi tuyên truyền, vận động, anh và một số đoàn viên, thanh niên đã nhận thức sâu sắc hơn về việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
“Từ lâu, nghề tạc tượng gỗ đã trở thành nét văn hóa đặc trưng và chứa đựng tín ngưỡng dân gian, đồng thời phản ánh đời sống tâm linh của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên vùng đất Tây Nguyên nói chung và người Bahnar ở huyện Kông Chro nói riêng.
Tôi rất tự hào về nét văn hóa độc đáo này và cố gắng học hỏi, nâng cao tay nghề, chia sẻ kinh nghiệm với các đoàn viên, thanh niên để cùng chung tay gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của cha ông”-anh Ngái chia sẻ.
Thừa hưởng gen từ bố và có tinh thần ham học hỏi, năm 12 tuổi, anh Đinh Văn Hốt (SN 1996, làng Tpôn, xã Chơ Long) đã biết đan gùi. Những chiếc gùi anh đan không chỉ bền chắc mà còn được trang trí hoa văn truyền thống sinh động, đẹp mắt. Tại Liên hoan Văn hóa cồng chiêng huyện Kông Chro năm 2022, anh Hốt đăng ký thi đan gùi và xuất sắc giành giải nhất.
“Tôi thấy mình thật may mắn, bởi trong cuộc thi có nhiều người lớn tuổi tham gia. Có được kết quả này là nhờ công chỉ bảo của bố tôi. Ông ấy đan gùi rất đẹp và thường bảo rằng: Đan gùi và đan gùi đẹp là thể hiện sự cần cù, chăm chỉ, sáng dạ và giỏi giang của người đàn ông.
Vì thế, ngoài duy trì đan gùi, tôi còn đan rổ, rá, nong, nia để bán cho dân làng, kiếm thêm thu nhập và bảo tồn nghề truyền thống”-anh Hốt cho hay.
Nhờ được các bà, các mẹ hướng dẫn, năm 10 tuổi, chị Đinh Thị Hyat-thành viên tổ dệt vải của tổ dân phố Plei Nghe (thị trấn Kông Chro) đã làm được dây cột đầu từ sợi chỉ bông. Năm 18 tuổi, chị biết nhuộm vải, phối màu, dệt thành thạo họa tiết hoa văn khó, làm đẹp thêm và nâng tầm giá trị của những váy áo truyền thống.
“Vì mong muốn con gái tiếp bước theo nghề dệt, mẹ đã truyền dạy cho tôi bằng tất cả tình yêu nghề của mình. Bên cạnh đó, trong quá trình dệt, khi gặp họa tiết hoa văn khó, tôi hỏi thêm các thành viên trong tổ dệt vải”-chị Hyat bộc bạch.
Chị Hyat cho biết thêm, tổ dệt vải hiện có gần 100 thành viên. Nhờ sự chia sẻ kinh nghiệm từ người già, nghệ nhân đi trước mà các thành viên trong tổ duy trì, phát huy nghề dệt nhiều năm nay.
Được các bà, các mẹ chỉ dạy, chị Đinh Thị Hyat-thành viên tổ dệt vải của tổ dân phố Plei Nghe (thị trấn Kông Chro) đã biết dệt váy áo với họa tiết hoa văn khó. Ảnh: N.M |
Theo bà Đinh Thị Toại-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Kông Chro: Toàn huyện có hơn 6.000 phụ nữ biết dệt thổ cẩm, trong đó, độ tuổi 12-20 chiếm gần 50%. Đến nay, Hội đã thành lập được 83 tổ dệt với 1.609 thành viên.
“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động chị em truyền dạy nghề dệt thổ cẩm nói riêng, các nghề truyền thống nói chung; tiếp tục phối hợp với ngành chức năng, nghệ nhân mở các lớp tập huấn truyền dạy dệt thổ cẩm cho hội viên phụ nữ; phối hợp với các hội, đoàn thể tổ chức các cuộc thi như dệt thổ cẩm, nữ công gia chánh, cồng chiêng nữ.
Đồng thời, khuyến khích chị em tham gia các cuộc thi do các cấp, ngành tổ chức, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”-bà Toại thông tin.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Đát-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện-cho hay: “Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, hàng năm, Phòng phối hợp với các cơ quan, ban ngành và 14 xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống; mở các lớp tập huấn cồng chiêng, kỹ thuật đan lát, tạc tượng cho nghệ nhân, người dân có nhu cầu.
Đồng thời, huyện cũng quan tâm đến việc truyền nghề, dạy nghề cho những người trong độ tuổi lao động, thanh-thiếu niên để nghề truyền thống không bị mai một”.