Ông Blach nói như khoe: Mọi năm, cà phê thu hoạch xong đều bán hết để trả nợ tiền làm nhà mới, tiền nuôi các con ăn học. Con mình đứa tốt nghiệp đại học, trung cấp, có đứa theo học nghề xây dựng. Năm nay, mình thu hơn 3 tấn cà phê nhân. Mình bán bớt 2 tấn khi cà phê đang có giá 60 ngàn đồng/1 kg để sửa lại hàng rào bao quanh nhà. Mình còn để lại 1 tấn, nhờ vậy mà trúng hơn mọi năm!
Ông Blach bên vườn cà phê của gia đình. Ảnh: P.D |
Với 4 ha đất sản xuất, ông Blach từng loay hoay với đủ loại cây trồng. Từ cây mì, cây bắp, ông chuyển sang trồng cao su tiểu điền, rồi măng tre điền trúc. Tuy nhiên, do giá cả các mặt hàng bấp bênh lại thêm diện tích đất đồi dốc nên năng suất cây trồng đạt thấp. Vì vậy, cuối năm 2014, ông quyết định chuyển sang trồng cây cà phê. Khi cà phê vừa cho thu hoạch bói, ông chia đều cho 3/5 người con đã lập gia đình ra ở riêng, mỗi người 8 sào đất rẫy và đất ở để tự chăm sóc, thu hoạch. Diện tích còn lại, ông cùng 2 con chăm sóc; đồng thời thay thế một số cây cà phê già cỗi bằng 100 cây sầu riêng.
Để cây trồng phát triển, cho năng suất ổn định, ông Blach cũng lựa chọn ủ phân chuồng bón cho cây thay vì sử dụng hoàn toàn phân hóa học. Ông nuôi nhốt 4 con bò sau vườn nhà, hàng ngày cắt cỏ, bỏ rơm khô vào chuồng cho bò ăn. “Bò nuôi nhốt lợi ở chỗ tập trung nguồn phân bón nhưng nhốt lâu quá bò sẽ bị tê chân. Vì vậy, thỉnh thoảng mình dắt chúng ra bãi đất trống đầu làng để chăn thả. Phân bò mình đem ủ với vỏ quả cà phê, rơm khô chờ hoai rồi bón cho cây cà phê, nhờ đó mà mỗi năm tiết kiệm hàng chục triệu đồng, cây cà phê nhờ thế cũng phát triển xanh tốt”-ông Blach thông tin.
Ngoài trồng cà phê, chăn nuôi bò, ông còn chăm sóc 1 sào lúa nước và trồng 1 sào chanh dây. “Làm nông thì phải trồng mỗi thứ một ít kiểu “lấy ngắn nuôi dài”. Một sào lúa nước, mỗi vụ thu trên 20 bao, đủ ăn quanh năm. Chanh dây thì thu lai rai, có tiền đi chợ, mua đồ ăn, thức uống hàng ngày. Riêng cà phê là khoản thu lớn, mình để dành mua sắm các vật dụng cần thiết phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất”-ông Blach nói thêm.
Năng nổ, nhiệt tình
Tính đến nay, ông Blach đã có 21 năm làm trưởng thôn. Để không phụ sự tin tưởng, tín nhiệm của dân làng, ông luôn nhắc bản thân phải nghĩ đúng, làm đúng và làm gương cho mọi người. “Mình khuyến khích, động viên 5 người con học đến nơi đến chốn. Con trai hay con gái khi lập gia đình ở riêng mình đều cho đất ở, đất rẫy như nhau để tạo công bằng. Với dân làng, mỗi khi ai đó cần hỗ trợ, mình đều có mặt để lắng nghe và giải quyết mâu thuẫn sao cho hài hòa. Khi làng cần huy động ngày công lao động hay đóng góp kinh phí, mình đều gương mẫu đi trước, làm trước để bà con theo”-ông Blach chia sẻ về tinh thần, trách nhiệm nêu ương của người đứng đầu Ban Nhân dân làng. Đặc biệt, với tinh thần cầu thị, ông luôn lắng nghe ý kiến góp ý từ người làng về bản thân, gia đình và công việc đang phụ trách để ngày một hoàn thiện. Cứ thế, ông luôn được dân làng quý mến, yêu thương và kính trọng.
Anh Tưnh-người dân làng Ngol Tảl-chia sẻ: “Ở chú Blach có rất nhiều điều mà gia đình trẻ như mình cần phải học hỏi. Trước hết là học trong phát triển kinh tế để có cuộc sống đầy đủ; nuôi dạy con cái làm sao cho anh em luôn đoàn kết, không xảy ra xích mích, tranh cãi,… Nhiều người trong làng nghe theo chú, học theo chú đã chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; tiết kiệm chi tiêu, có tiền đầu tư, mua sắm các vật dụng, rồi xây dựng nhà cửa khang trang”.
Làng Ngol Tảl có 48 hộ dân với trên 200 nhân khẩu, trong đó 100% là dân tộc Jrai. Phần đông người dân trong làng theo đạo tin lành Việt Nam-miền Nam, bản thân ông lại là chấp sự điểm nhóm Tin lành Ngok Tảl, vậy nên vào các ngày cuối tuần, ông đều dành thời gian gặp gỡ trò chuyện, động viên bà con sống “tốt đời đẹp đạo”, tích cực lao động sản xuất, thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đời sống hàng ngày, nhất là trong ma chay, cưới hỏi và tiết kiệm chi tiêu,…
Ông Blach (bên trái) trò chuyện với người dân trong làng. Ảnh: P.D |
Ông Blach cho biết, trước đây, mỗi khi trong làng có đám tang thường kéo dài 4-5 ngày. Anh em, họ hàng từ xa về, rồi dân làng đến chia buồn; gia chủ phải mổ heo, mổ bò, mua rượu để mời mọi người ăn uống. Vừa lãng phí thời gian lẫn tiền bạc. Bây giờ, bà con đã thay đổi rồi! Người chết chỉ 1 ngày là đem đi chôn; cũng không mổ heo, bò tốn kém. Bà con cũng ý thức hơn trong việc tiết kiệm chi tiêu. Nếu như trước kia, nhiều nhà đi làm có tiền, tiêu hết mới làm tiếp. Có tiền thì tụ tập uống rượu, dẫn đến mâu thuẫn, xích mích lẫn nhau. Tình trạng này đã không còn nữa. Thay vào đó, các hộ dân đã tập trung lao động; 50% hộ dân trong làng có mức thu nhập từ 100 triệu đồng/năm; khoảng 10 hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên. “Hiện, làng còn 1 hộ nghèo do thiếu đất sản xuất. Trong các cuộc họp, mình cũng đề xuất ý kiến với chính quyền địa phương hỗ trợ gia đình về nhà ở, phương tiện sinh kế để sớm thoát nghèo”-Trưởng làng Blach nêu ý kiến.
Bà Trần Thị Thanh Tuyền-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Chi Lăng-nhận xét: Ông Blach là trưởng làng năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm, luôn sâu sát với từng người dân trong làng. Với uy tín của mình, ông đã tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kịp thời nắm bắt và tham mưu, đề xuất những giải pháp phù hợp, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương.