Trong thời gian qua, thành phố Pleiku luôn chú trọng công tác điều tra thông tin về cồng chiêng. Những thông tin về cồng chiêng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần phát triển kinh tế, văn hoá và du lịch của thành phố.
Ông Nguyễn Xuân Hà – Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin cho biết: “Việc điều tra, thống kê các thông tin liên quan đến cồng chiêng: Nghệ nhân trình diễn cồng chiêng, nghệ nhân chỉnh chiêng, bài chiêng truyền thống, câu lạc bộ/ đội văn nghệ có sử dụng cồng chiêng,… được tiến hành trên 13/22 xã, phường có làng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc thành phố Pleiku. Việc thực hiện điều tra thông tin về cồng chiêng và đội văn nghệ có sử dụng cồng chiêng được tiến hành thuận lợi, già làng, thôn trưởng, các nghệ nhân hỗ trợ nhiệt tình trong quá trình điều tra”.
Thành phố Pleiku hiện có 22 xã, phường, 37 làng đồng bào dân tộc thiểu số và 27 dân tộc sinh sống, trong đó người đồng bào DTTS chiếm khoảng 12,6%, phần lớn người đồng bào DTTS là dân tộc Jrai, Bahnar sinh sống. Mỗi dân tộc có một bản sắc văn hóa phong phú và độc đáo riêng, góp phần tạo nên bức tranh sắc thái văn hóa đa dạng.
Qua điều tra, hiện trên địa bàn thành phố có 157 bộ cồng chiêng, 682 nghệ nhân trình diễn cồng chiêng, múa Xoang, 04 nghệ nhân chỉnh chiêng và 27 đội văn nghệ có sử dụng cồng chiêng. Trong đó có 02 đội cồng chiêng nữ của làng Chuet Ngol, xã Chư Á và đội cồng chiêng nữ của làng Kép, phường Đống Đa. Việc thành lập 02 đội cồng chiêng nữ có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện tình yêu với cồng chiêng và nhạc cụ truyền thống của chị em, đồng thời thể hiện vai trò, trách nhiệm của phụ nữ trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Các nghệ nhân thường xuyên tham gia các lễ hội, sự kiện của thành phố, xã, phường, thôn, làng với những bài chiêng truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc của người Jrai như: Mừng lúa mới, mừng chiến thắng, chàng trai dũng cảm, lễ Pơ thi,… những điệu múa, bài chiêng của người dân tộc Jrai khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước; cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố tích cực thi đua lao động sản xuất, công tác và học tập, góp phần phát triển du lịch, xây dựng thành phố ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Tuy nhiên, việc điều tra thông tin về cồng chiêng vẫn còn một số khó khăn. Chị Nguyễn Thị Hồng Trinh – Công chức Văn hoá Xã hội phường Yên Đỗ chia sẻ “Công tác điều tra thông tin về cồng chiêng chủ yếu được thực hiện ở các nghệ nhân thường xuyên tham gia biểu diễn trong các sự kiện của phường nên chưa điều tra hết những nghệ nhân trong cộng đồng dân cư”.
Để phát huy hơn nữa những giá trị của việc điều tra thông tin về cồng chiêng, trong thời gian tới cần có chính sách, chế độ đãi ngộ cho các nghệ nhân và những cá nhân, tập thể có công bảo tồn, lưu giữ văn hóa cồng chiêng. Đồng thời có chính sách khuyến khích người dân thực hành văn hóa cồng chiêng một cách thường xuyên. Bố trí nguồn kinh phí mở các lớp truyền dạy cồng chiêng, trình diễn những bài chiêng mới và công tác chỉnh chiêng nhằm góp phần bảo tồn và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, góp phần phát triển du lịch của thành phố.
Hồng Trang