Đã nhiều năm rồi, làng Bông La (xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) mới lại vui đón chiêng mới về làng. Bộ chiêng gồm 9 chiếc có núm, 9 chiêng bằng và 1 chiếc trống do Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện trao tặng từ nguồn vốn sự nghiệp văn hóa. Ông Rah Lal Lang-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Bông La không giấu được niềm vui, tự hào trong ngày đón nhận chiêng mới. Ông cho biết, trong khi hầu hết các thôn, làng trên địa bàn xã vắng bóng cồng chiêng thì làng Bông La vẫn còn lưu giữ được 4 bộ chiêng truyền thống gắn với các nghi lễ được cộng đồng duy trì hàng năm như cúng giọt nước, mừng lúa mới. Từ khi nhận chiêng vào tháng 6-2023 tới nay, bộ chiêng được làng mang ra sử dụng 5 lần trong các lễ nghi, lễ cúng của làng.
Năm 2023, Dự án 6 đã tặng nhiều bộ chiêng cho các đội văn nghệ truyền thống các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Ảnh: H.N |
Ông Nguyễn Thanh Hà-công chức Văn hóa-Xã hội xã Ia Băng-cho hay: “Làng Bông La là điểm sáng trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Đội chiêng của làng thường xuyên đại diện cho xã tham gia trình diễn tại các sự kiện văn hóa, ngày hội đại đoàn kết và nhiều hoạt động khác. Được cấp thêm 1 bộ cồng chiêng, dân làng rất phấn khởi. Đây là nguồn động lực để bà con tiếp tục giữ gìn, khôi phục, phát huy các giá trị của di sản cồng chiêng”.
Làng Groi Wet (xã Glar, huyện Đak Đoa) cũng được tặng 1 bộ chiêng từ Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Nghệ nhân Ưu tú Alip-người được giao nhiệm vụ gìn giữ, phát huy giá trị bộ chiêng mới cấp-chia sẻ: “Có thêm bộ chiêng mới, làng mình vui vẻ hơn hẳn. Từ lúc đón bộ chiêng mới về nhà, chưa ngày nào vắng lũ trẻ trong làng và các làng khác đến học cả buổi sáng và chiều tối. Con trai thì mình dạy học đánh chiêng đồng và chiêng tre, con gái dạy các điệu xoang gắn với từng loại chiêng”.
Tuy nhiên, theo Nghệ nhân Ưu tú Alip, bộ chiêng mới cấp là loại chiêng dập theo khuôn, mỏng và không vang rền như loại chiêng đúc truyền thống nên rất dễ bị sai âm, lạc tiếng. “Bộ chiêng mới mình sử dụng để tập luyện cho thanh-thiếu niên. Nhưng chỉ 1-2 buổi tập là chiêng sai tiếng nên phải chỉnh liên tục”-ông nói.
Vẫn còn trăn trở
Năm 2023, Dự án 6 đã tặng 18 bộ cồng chiêng cho các đội văn nghệ truyền thống của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Trong đó có 13 bộ chiêng Jrai (chiêng truyền thống và chiêng cải tiến), 5 bộ chiêng truyền thống Bahnar. Làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang) cũng nằm trong số được đón chiêng mới về làng. Đây là nguồn động viên, khích lệ tinh thần các nghệ nhân, các đội cồng chiêng, đội văn nghệ tập luyện, sinh hoạt văn hóa, bảo vệ và phát huy di sản cồng chiêng Tây Nguyên. Tuy vậy, niềm vui đón chiêng mới sẽ trọn vẹn hơn nếu cộng đồng được tặng những bộ cồng chiêng giá trị thực sự.
Cồng chiêng là một giá trị đặc trưng của văn hóa Tây Nguyên. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Anh Đinh Mỡi-công chức Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Kbang-cho biết: “Bà con làng Stơr vui mừng, phấn khởi khi có bộ chiêng mới. Bà con sử dụng trong nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa-văn nghệ. Nhưng chiêng mới là chiêng đúc hàng loạt rất mỏng, đánh 3-4 bài liên tục là có chiếc sai âm, lạc tiếng. Tiếng chiêng sai thì phải chỉnh lại mới tiếp tục chơi được, nhất là với những bài nhạc truyền thống với hệ thống thang âm phức tạp. Trong khi đó, cả xã Tơ Tung hiện chỉ có 1 người biết chỉnh chiêng là ông Đinh Pêch nhưng nay già yếu, đi lại rất khó khăn. Chúng tôi rất mong có thêm các lớp truyền dạy chỉnh chiêng cho những người trẻ, tâm huyết với văn hóa truyền thống theo học để giúp bà con vừa bảo tồn cồng chiêng, vừa giữ được những bài nhạc chiêng cổ”.
Đây cũng là nỗi niềm của nhiều làng khi được tặng cồng chiêng. Như bộ chiêng trống làng Bông La mới vừa được tặng, bà con chỉ sử dụng được chiêng, còn trống thì gần như chưa đả động. Trưởng thôn Rah Lal Lang cho biết, trống được tặng kèm là loại trống trường, không phải trống chiêng nên không thể sử dụng được với chiêng.
Theo ông Lang, chiêng nào cũng quý, cũng được cộng đồng gìn giữ như tài sản chung. Nhưng nếu kinh phí giao cho làng để hội đồng già làng và các nghệ nhân tìm mua, thẩm định thì sẽ chọn được những bộ chiêng đảm bảo chất lượng, thực sự cần thiết.
Cồng chiêng là một giá trị đặc trưng của văn hóa Tây Nguyên. Những bộ cồng chiêng là phương tiện biểu đạt đời sống văn hóa sâu thẳm của cộng đồng Bahnar, Jrai. Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) nhiều lần bày tỏ sự lo ngại trước những bộ cồng chiêng cấp cho đồng bào chỉ để cất vào kho vì chất lượng không đảm bảo. Ông cho rằng, cồng chiêng của người Bahnar, Jrai là những dàn nhạc kỳ vĩ nhất của Trường Sơn-Tây Nguyên. Đây cũng là 2 nhóm dân tộc còn lưu giữ được nhiều cồng chiêng nhất khu vực Tây Nguyên. Chính thang âm cổ đã làm nên sự đặc sắc, riêng có của những bản nhạc chiêng làm say đắm lòng người. Nhưng, thang âm cổ ấy, những bản nhạc chiêng đầy mê hoặc ấy, không gian nghệ thuật đặc sắc ấy chỉ có thể được gìn giữ và bảo tồn khi có được những dàn cồng chiêng thực sự chất lượng, những chiếc chiêng, chiếc cồng làm thủ công với độ dày, âm thanh rền xa “9 suối 10 đồi”.