Hội Liên hiệp phụ nữ phường Thống Nhất (TP. Pleiku ) ra mắt mô hình phụ nữ chuyển đổi số. Ảnh: M.K |
Sau khi mô hình “Phụ nữ chuyển đổi số phường Thống Nhất” ra mắt, 70 thành viên đã được tuyên truyền về chủ trương, chính sách cũng như triển khai phong trào thi đua, các giải pháp giải quyết vấn đề cấp thiết của phụ nữ trên không gian mạng; hướng dẫn áp dụng và thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4… Mô hình cũng đã lập Fanpage, nhóm Zalo để cung cấp, trao đổi thông tin kịp thời tới hội viên phụ nữ. Đồng thời, triển khai các hoạt động góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng cho hội viên trong tham gia chuyển đổi số…
Chị Nguyễn Thị Minh Khuê-Chủ nhiệm mô hình-chia sẻ: “Qua nhóm Zalo, chúng tôi cập nhật nhanh chóng các văn bản chỉ đạo, điều hành của thành phố và các cấp Hội về những nội dung như: phân loại rác thải, không lấn chiếm lòng lề đường, hỗ trợ hội viên khó khăn…
Chúng tôi cũng hướng dẫn hội viên phụ nữ cài đặt và sử dụng các ứng dụng số để thực hiện thủ tục hành chính, thanh toán không dùng tiền mặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Đặc biệt, chị em hội viên được hướng dẫn về kỹ năng ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh và tham gia thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm”.
Bà Trần Thị Mỹ Lệ-Chủ tịch Hội LHPN phường Thống Nhất-cho biết: Chúng tôi xác định việc ứng dụng CNTT trong hoạt động Hội là một trong những khâu đột phá của nhiệm kỳ với chỉ tiêu cụ thể là hàng năm có 100% cán bộ Hội các cấp được bồi dưỡng ứng dụng CNTT. Cán bộ Hội đẩy mạnh sử dụng hiệu quả các phần mềm quản lý cán bộ, hội viên và quản lý văn bản điều hành, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các trang thông tin điện tử, Fanpage, Zalo, Facebook…
“Trong công tác tuyên truyền, Hội LHPN phường đã khai thác các nền tảng trực tuyến một cách sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả. Cùng với đó, Hội cũng đã lồng ghép việc ứng dụng CNTT trong sinh hoạt Hội bằng cách tổ chức trò chơi mini game, các chuyên đề thông qua quét mã QR trên điện thoại thông minh”-bà Lệ chia sẻ.
Với đặc thù là địa phương có trên 60% hội viên phụ nữ là người dân tộc thiểu số, Hội LHPN xã Chư Á chú trọng tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của chị em về ứng dụng CNTT trong đời sống và sản xuất.
Chị HMlê-Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Chư Á-cho hay: “Năm 2024, Hội phấn đấu đạt 4 chỉ tiêu gồm: xây dựng ít nhất 1 mô hình ứng dụng CNTT trong hoạt động Hội tại chi hội; ít nhất 1 chi hội thôn, làng được trang bị máy tính làm việc; 100% chi hội thôn, làng phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể địa phương tổ chức ít nhất 1 hoạt động nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng dụng CNTT cho hội viên phụ nữ”.
Hội LHPN phường Thống Nhất (TP. Pleiku ) tổ chức các gian hàng nông sản thanh toán bằng hình thức quét mã QR không dùng tiền mặt. Ảnh: Nhật Hào |
Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Hồng Vân-Chủ tịch Hội LHPN TP. Pleiku-thông tin: Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội trong tham gia quá trình chuyển đổi số quốc gia, Hội LHPN thành phố đã triển khai thực hiện chủ đề năm 2024 “Tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động Hội” gắn với thực hiện khâu đột phá “Ứng dụng CNTT, kết nối mạng xã hội an toàn trong hoạt động Hội” giai đoạn 2021-2026.
Để nâng cao năng lực cho cán bộ, hội viên phụ nữ về ứng dụng CNTT và kết nối, hỗ trợ an toàn cho hội viên phụ nữ sử dụng công nghệ thông minh để tiếp cận thông tin, Hội đã thành lập và duy trì các trang Facebook, nhóm Zalo để đăng tải, chia sẻ các tin, bài, hình ảnh, video thông tin chính thống… Đồng thời, định hướng và hỗ trợ hội viên phụ nữ tiếp cận các dịch vụ công trên nền tảng CNTT.
“Chúng tôi thành lập thí điểm mô hình ứng dụng CNTT trong hoạt động Hội như: “Tổ phụ nữ chuyển đổi số”, “Tổ phụ nữ ứng dụng công nghệ 4.0”. Giới thiệu cán bộ, hội viên phát triển kinh tế thông qua các sàn thương mại điện tử Postmart, Lazada, Tiki…
Tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tích cực tham gia cuộc thi “Ứng dụng CNTT trong tổ chức sinh hoạt Hội” cấp thành phố; mỗi cơ sở Hội lựa chọn ít nhất 1 sản phẩm/giải pháp ứng dụng CNTT thúc đẩy nâng cao chất lượng sinh hoạt Hội”-Chủ tịch Hội LHPN TP. Pleiku thông tin thêm.