Nhà lưu niệm Anh hùng Núp nằm tại làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, quê hương của Anh hùng Núp.
Công trình Nhà lưu niệm Anh hùng Núp được khởi công xây dựng ngày 26/03/2010. Ngày 06/05/2011 Nhà lưu niệm được khánh thành nhân kỷ niệm 97 năm ngày Sinh Anh hùng Núp nằm trong cụm Làng kháng chiến Stơr thuộc xã Tơ Tung, huyện Kbang, được Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích Lịch sử – Văn hóa theo Quyết định số 281/QĐ/BT ngày 24/3/1993.
Công trình được xây dựng trên cơ sở trùng tu Khu di tích cũ có diện tích xây dựng 450 m2, diện tích sàn 832m2 nằm ngay trung tâm làng Stơr, xã Tơ Tung. Nhà lưu niệm được mô phỏng theo kiến trúc nhà sàn truyền thống Banah với qui mô nhà cấp bốn 2 tầng, có cổng, tường rào, cây xanh cùng các công trình phụ trợ khác.
Bên trong Nhà lưu niệm được trưng bày thành 04 khu vực: Khu vực tưởng nhớ và tượng của Anh hùng Núp, nơi để khách thăm viếng, dâng hoa và thắp nhang tưởng nhớ đến người Anh hùng vĩ đại; khu vực trưng bày trên 400 hình ảnh, những tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp Anh hùng Núp gắn với làng kháng chiến Stơr và những kỉ vật của Anh hùng Núp còn lưu lại; mô hình mô phỏng cách đánh giặt thời kháng chiến chống thực dân Pháp của dân làng Stơr; khu trưng bày những hiện vật đặc trưng cho văn hóa người Bahnar (trang phục, dụng cụ, vật dụng hàng ngày, nhạc cụ truyền thống … ).
* Cuộc đời và sự nghiệp của Anh hùng Núp:
Ông tên thật là Đinh Núp, người dân tộc Bahnar, ông còn có tên là Sar, sinh ngày 02/5/1914 tại làng Stơr, xã Nam, huyện An Khê nay thuộc xã Tơ Tung huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, ông mất năm 1999. Cuộc đời Anh hùng Núp đã đi vào văn học với tác phẩm “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc.
Anh hùng Núp mồ côi cha từ nhỏ, năm 15 tuổi đã phải đi phu cho Pháp bị đánh đập dã man nên ông sớm căm thù giặc. Chính ông là người đã phát động và lãnh đạo dân làng Stơr đứng lên chống Pháp xâm lược. Trước Cách mạng tháng Tám, ông đã chỉ huy dân làng chiến đấu chống Pháp xâm lược gìn giữ núi rừng buôn làng. Tháng 3 năm 1945 khi Nhật đảo chính Pháp, lính Pháp tháo chạy qua làng ông mưu trí báo Nhật về vây bắt bọn Pháp rồi thu được một khẩu súng và 10 hòm đạn dùng để đánh Pháp. Trong thời gian từ năm 1943 đến năm 1954, Đinh Núp là Chỉ huy trưởng du kích làng Stơr, Bí thư Chi bộ xã Nam.
Suốt ba năm 1947, 1948, 1949 là những năm đầu chiến đấu cam go, gian khổ nhất, Đinh Núp tuy mất liên lạc với cấp trên nhưng vẫn tin tưởng vào đường lối của Đảng, tin tưởng ở thắng lợi, lãnh đạo Nhân dân nhiều lần thay đổi chổ ở để bảo toàn lực lượng chiến đấu và sản xuất.
Tháng 9/1950 đến tháng 12 năm 1951, quân Pháp tổ chức nhiều cuộc hành quân đánh lên Stơr, có lần tháng 12 năm 1950 chúng đã huy động một lực lượng gồm 400 quân tiến hành vây quét, suốt lúa, phá rẫy, đốt làng quyết phá cho được dấu tích làng Stơr. Nhưng dưới sự chỉ đạo của chi bộ, Thôn đội trưởng Núp lãnh đạo dân làng Stơr đã dựa vào núi rừng hiểm trở cùng những vũ khí thô sơ như bẩy đá, chông treo, mang cung.. tổ chức đánh bại nhiều cuộc càn quét của địch.
Đinh Núp luôn được bà con dân làng và đồng đội yêu mến, tin cậy, là lá cờ đầu xứng đáng với phong trào thi đua giết giặc cứu nước của đồng bào Tây Nguyên. Năm 1954 Đinh Núp tập kết ra Bắc, được Đảng phân công làm Ủy viên Ban lãnh đạo Trường Dân tộc Trung ương, Bí thư Chi bộ khối dân tộc Bahnar. Năm 1955 ông được cử đi dự Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc, ngày 31/8/1955 được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Từ năm 1959 đến năm 1963 ông học văn hóa tại Trường phổ thông lao động Hà Nội, học Lý luận Mác- Lê Nin tại Trường Đảng Hoàng Văn Thụ khu Việt Bắc.
Năm 1964 ông về Nam chiến đấu, trong giai đoạn từ tháng 10 năm 1964 đến tháng 10 năm 1975 ông giữ rất nhiều chức vụ khác nhau. Là cán bộ Ủy ban miền núi khu V, Bí thư huyện 2, Bí thư huyện 10, Phó ban An ninh tỉnh, Phó ban Dân vận tỉnh, Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND Cách mạng tỉnh Gia Lai. Tháng 5/ 1975, ông được bầu vào Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Trong những năm 1976-1981 Anh hùng Núp là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa VI, khóa VII, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai- Kon Tum.
Ghi nhận những công lao và thành tích đối với cách mạng, ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng rất nhiều huân, huy chương:
Huân chương Chiến sĩ hạng Nhất
Huân chương Kháng chiến hạng Nhì
Huân chương Quân công hạng Ba
Huân chương Giải phóng hạng Nhất
Huân chương Giải phóng hạng Ba
Huân chương Quyết thắng hạng Nhất
Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất
Huân chương Hồ Chí Minh
Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng
Là một nhân vật huyền thoại nhưng ông vô cùng khiêm tốn và giản dị trong đời thường. Ông luôn được các đại biểu, các chức sắc tôn giáo, già làng yêu quý, kính trọng. Là niềm tự hào của thế hệ trẻ cả nước để các cháu thiếu niên nhi đồng noi theo.
Ông mất vào lúc 9h 40 phút ngày 10/7/1999 hưởng thọ 85 tuổi. Sự ra đi của ông để lại trong lòng đồng bào Tây Nguyên nói riêng và người dân cả nước nói chung niềm tiếc thương vô hạn.
Hiện nay, Nhà lưu niệm Anh hùng Núp là một điểm du lịch lịch sử đang được du khách quan tâm và tìm hiểu, có ý nghĩa giáo dục tinh thần yêu nước đối với lớp trẻ trong các chương trình về nguồn.
(Nguồn: Nội dung thuyết minh của Nhà lưu niệm Anh hùng Núp, Trung tâm Văn hoá, Thông tin và Thể thao huyện Kbang).
Nguồn: https://svhttdl.gialai.gov.vn/News/Details.aspx?id=MjkzOQ==&idtype=Mg==