Huyện Kông Chro có hơn 74% dân số là người dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó, người Bahnar chiếm đa số. Toàn huyện có 64 người có uy tín, là những người tiêu biểu trong các lĩnh vực đời sống xã hội, có nhận thức tiến bộ, nắm rõ các phong tục tập quán, có kinh nghiệm làm kinh tế, tâm huyết gắn bó giúp đỡ đồng bào, được cộng đồng dân làng tin tưởng, tín nhiệm.
“Điểm tựa” của làng
Ông Đinh Tiến (SN 1960) là người có uy tín của làng Chiêu Liêu, xã An Trung. Ông Tiến cho biết: Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông trở về công tác tại địa phương. Từ năm 1981, ông tham gia công tác tại Bưu điện xã Hà Tam (huyện Đak Pơ), rồi lần lượt là nhân viên thống kê, Bí thư Đoàn xã An Trung, Chủ tịch UBND xã và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã. Sau khi nghỉ hưu năm 2019, ông được giới thiệu giữ chức Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã An Trung đến năm 2022.
Ông Tiến sinh ra và lớn lên ở làng Brò, nhưng lại có đất sản xuất thuộc địa bàn làng Chiêu Liêu. Năm 1999, khi đang giữ chức Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã An Trung, để vận động, thuyết phục gần 30 hộ dân làng Chiêu Liêu di dời về gần trung tâm xã, ông đến từng nhà truyền đạt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phân tích rõ lợi ích của việc di dời. Khéo léo thuyết phục, dần dần dân làng nghe theo và di dời xuống nơi ở mới.
Xóm làng quần tụ, những nếp nhà sàn nhanh chóng được xây dựng trên mảnh đất rộng hơn 2 ha do gia đình ông Tiến hiến tặng. Bà con vui, ông Tiến thấy ấm lòng. Sau đó, ông Tiến chuyển gia đình về sinh sống cùng dân làng Chiêu Liêu. Đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của dân làng Chiêu Liêu được nâng cao.
Vợ chồng ông Đinh Tiến-người uy tín làng Chiêu Liêu (xã An Trung) cần cù lao động sản xuất, làm gương cho dân làng. Ảnh: Ngọc Minh |
Không chỉ vận động người dân bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, chung tay xây dựng nông thôn mới, ông Tiến còn là tấm gương làm kinh tế giỏi. Gia đình ông có 2,5 ha mía, hơn 3 ha mì, hơn 2 ha đậu, bắp và chăn nuôi 10 con bò, 4 con dê. Mỗi năm, gia đình thu nhập gần 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Vợ chồng ông Tiến nuôi dạy 7 người con ăn học nên người, trong đó, 3 người là đảng viên phụ trách một số chi hội của làng Chiêu Liêu. Điều đó càng củng cố thêm niềm tin, sự nể trọng của người dân đối với ông Tiến. “Để bà con tin tưởng làm theo thì mình phải nói đi đôi với làm, kết hợp hành động có kết quả”-ông Tiến chia sẻ kinh nghiệm .
Theo ông Nguyễn Ngọc Anh-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Chiêu Liêu: Bằng uy tín, trách nhiệm của mình, ông Tiến thường xuyên nắm bắt tình hình khu dân cư giúp Chi bộ, Ban Nhân dân thôn kịp thời giải quyết bất đồng, mâu thuẫn trong cộng đồng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân.
“Nhờ tiếng nói, việc làm của ông Tiến, 2 năm nay, người dân đã có nhiều thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm, tự nguyện hiến hơn 2.000 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn. Đến nay, làng đã hoàn thành 13/19 tiêu chí nông thôn mới”-ông Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ.
Cầu nối ý Đảng-lòng dân
Với vai trò người có uy tín làng Hle Hlang (xã Yang Trung), nhiều năm nay, ông Đinh Ơnh đã phối hợp với Chi bộ và các hội đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, quy ước của làng; tuyên truyền người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập.
“Làng có 1.300 con trâu, bò, dê; hơn 200 ha mì; 60 ha mía và hơn 300 ha bắp, lúa, đậu các loại. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 70%; hơn 80% hộ dân đã xây dựng công trình phụ, chung tay bảo vệ cảnh quan môi trường làng xóm. Đây là nền móng cơ bản để Hle Hlang phát triển khi có thêm sự giúp đỡ của các ngành, các cấp”-ông Ơnh bộc bạch.
Ông Đinh Ơnh (thứ 2 từ trái sang)-người uy tín làng Hle Hlang (xã Yang Trung, huyện Kông Chro) tuyên truyền người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ảnh: N.M |
Nắm bắt nguyện vọng của thanh-thiếu niên, ông Đinh Blin-người có uy tín làng Kte Kchăng (xã Đăk Song) đã đến từng nhà vận động cha mẹ cho phép con em mình tham gia đội cồng chiêng. Ông tự nguyện đứng ra hướng dẫn kỹ thuật diễn tấu cồng chiêng cho thanh-thiếu niên. Nhận được những cái gật đầu của phụ huynh, đám trẻ vui một, ông Blin vui mười.
Cuối năm 2022, đội cồng chiêng “nhí” làng Kte Kchăng ra mắt với 20 thành viên độ tuổi 10-16. Dưới sự dẫn dắt của ông Blin, đội cồng chiêng duy trì luyện tập, tham gia các lễ hội do làng, xã tổ chức, góp phần bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Ông Blin còn vận động các hộ dân trong làng mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư trồng rừng, trồng mía, mì và chăn nuôi.
Ông Huỳnh Văn Cư-Phó Bí thư Đảng ủy xã Đăk Song-thông tin: Toàn xã có 4 làng với 499 hộ/2.450 khẩu. Thời gian qua, 4 người có uy tín của xã luôn đóng vai trò quan trọng đối với cộng đồng dân cư. “Đội ngũ người có uy tín đã góp phần quan trọng để xã Đăk Song hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra”-ông Cư cho hay.
Theo ông Đinh Thanh Xuân-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Kông Chro, trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, người có uy tín là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với người dân, tích cực tham gia các hoạt động xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp, người có uy tín có nhiều ý kiến phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân, đóng góp thiết thực vào chương trình phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh tại địa phương.
Chăm lo, xây dựng đội ngũ người có uy tín
Những năm qua, huyện Kông Chro đã thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với người có uy tín. Theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6-3-2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS, trong 3 năm (2021-2023), huyện đã phân bổ 351,8 triệu đồng để chi trả phụ cấp cho người có uy tín trên địa bàn.
Dịp lễ, Tết, chính quyền địa phương tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho 256 lượt người có uy tín; thăm hỏi, hỗ trợ người có uy tín bị ốm đau, gia đình gặp khó khăn… nhằm động viên, khích lệ họ yên tâm cống hiến, phát huy vai trò của mình.
Ông Tô Thành Năm-Trưởng phòng Dân tộc huyện Kông Chro-cho hay: Để người có uy tín đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác trong tình hình mới, huyện đã in và phát 1.150 sổ tay tuyên truyền “Những kiến thức cơ bản về kỹ năng tuyên truyền dành cho người có uy tín vùng đồng bào DTTS và miền núi”; chỉ đạo cơ quan chuyên môn thường xuyên tổ chức bồi dưỡng kiến thức, cung cấp thông tin cho hàng chục lượt người có uy tín.
Người có uy tín trên địa bàn huyện còn được tham dự các lớp tập huấn phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin thuộc chương trình mục tiêu quốc gia.
Cập nhật thông tin từ sách báo, giúp ông Đinh Ơnh-người có uy tín làng Hle Hlang (xã Yang Trung, huyện Kông Chro) có thêm kiến thức. Ảnh: Ngọc Minh |
Để phát huy hơn nữa vai trò người có uy tín trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cơ sở, theo Bí thư Huyện ủy Kông Chro Phan Văn Trung: “Huyện ủy tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đội ngũ người có uy tín; xây dựng kế hoạch chăm lo, động viên, kịp thời biểu dương, khen thưởng những người có uy tín có thành tích tiêu biểu trên các lĩnh vực.
Quan tâm công tác bồi dưỡng, cung cấp thông tin kịp thời, chính thống cho những người có uy tín, giúp họ cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng, tạo điều kiện phát huy tốt vai trò tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia sinh hoạt cùng chi bộ, các ngành, đoàn thể, MTTQ và các hội nghị của toàn dân. Thực hiện tốt công tác rà soát, lựa chọn, phê duyệt danh sách người có uy tín từng giai đoạn và hàng năm theo hướng dẫn, chỉ đạo của Ủy ban Dân tộc, của tỉnh”.