Xuôi về các làng nằm về phía xa thành phố luôn là trải nghiệm vô cùng thú vị. Vào một ngày đầu tháng 5 hanh hao nắng vàng, tôi được về thăm làng Díp, ngôi làng bên dòng sông Sê San 3A, nằm về cuối của xã Ia Kreng thuộc huyện Chư Păh. Hành trình khám phá có rất nhiều trải nghiệm đáng nhớ.
Sau một vài cơn mưa đầu mùa đến muộn, tiết trời Gia Lai mát mẻ hơn khá nhiều sau khoảng thời gian dài nắng hạn. Xuất phát từ thành phố Pleiku về hướng xã Ia Kreng, đoạn đường dài hơn 50km. Khi gần đến địa phận xã, chúng tôi đi qua một đoạn đường đèo khá quanh co, uốn lượn nhưng thay vào đó là cảnh quan hai bên đường tuyệt đẹp và xanh mát bóng cây. Một bên là núi đồi, bên dưới là thung sâu. Con đèo dài khoảng 2km, người dân nơi đây gọi khu vực này là Cổng trời bởi dừng chân phía bên đèo, phóng tầm mắt về phía xa kia là mênh mông sông nước lòng hồ thuỷ điện Ia Ly, thấp thoáng những ngôi nhà của cộng đồng người Jrai làng Dôch1 (xã Ia Kreng) sống quần tụ bên dưới khiến cho bức tranh thiên nhiên huyền hoặc biết bao.
Như đã hẹn trước, anh Phạm Thanh Xuân-Phó chủ tịch UNBD xã Ia Kreng đón đoàn và đã lên một lịch trình cơ bản trong ngày, dự kiến sẽ thăm thú làng Díp và thưởng ngoạn lòng hồ thuỷ điện Sê San 3A. Từ trụ sở UBND xã, anh Xuân đưa đoàn đến khu vực làng Díp, trên đường anh còn là thuyết minh viên chia sẻ với chúng tôi hiểu thêm khá nhiều về vùng đất và con người nơi đây.
Chếch về phía đối diện UBND xã Ia Kreng, anh Xuân cho biết phía trên là đỉnh núi Chư Păh, từ đỉnh chảy xuống tạo thành một con suối nhỏ, trong con suối này có một loại cá sinh sống mà người dân cho biết có tên là cá Ia Kreng, và đây cũng là tên gọi của xã Ia Kreng. Cả xã có 3 làng, làng Dôch1, Dôch2 và làng Díp.
Đoạn đường từ trung tâm xã đến làng Díp khoảng 13km đã được trải nhựa bằng phẳng, dễ đi. Sau khi dạo quanh tìm hiểu vài nếp nhà, chúng tôi dừng chân bên Nhà văn hoá nằm ngay trung tâm làng. Nơi đây hiện có 1 Nhà rông văn hóa, 1 Nhà rông truyền thống, 1 Nhà sinh hoạt cộng đồng là nơi hội họp và tổ chức các hoạt động văn hoá của làng, bên cạnh là điểm trường dành cho các cháu học sinh.
Là ngôi làng tái định cư lòng hồ thuỷ điện Sê San 3A, năm 2004 làng Díp được nhà nước xây dựng 155 căn nhà xây cấp 4, hiện nay làng có 275 hộ dân sinh sống, đó hầu hết là hộ người dân tộc thiểu số (đa phần là người Jrai, một ít hộ người Kinh và vài hộ người Thái). Người dân sống quần tụ khu vực này tuy còn khá nhiều khó khăn bởi điều kiện tự nhiên không được thuận lợi, quanh năm chủ yếu trồng lúa, bên cạnh đó trồng điều, bời lời, sắn… nhưng cho năng suất không cao. Tuy vậy, về đời sống tinh thần trong cộng đồng người bản địa vẫn còn lưu giữ được những giá trị văn hoá truyền thống ông cha để lại, tuy không còn nhiều.
Nắng trưa bắt đầu oi ả, chúng tôi vào làng, trong làng có 8 ngôi nhà sàn truyền thống, dưới chân mỗi nếp nhà, quan sát sẽ thấy những chồng cũi đươc xếp ngay ngắn, thẳng thớm thể hiện sự đảm đang, khéo léo của người phụ nữ Jrai trong gia đình, bởi việc chẻ cũi, tích trữ để dùng dần là công việc chính của người phụ nữ theo phong tục bản địa. Hiện nay, làng còn giữ 13 bộ cồng chiêng với 158 chiếc, trong đó tập thể cộng đồng làng còn 2 bộ, các hộ dân giữ 11 bộ, thường được sử dụng khi có các lễ hội trong làng và giao lưu với các làng, xã khác. Về nghề truyền thống, hiện tại còn có 3 nghệ nhân biết dệt thành thạo thổ cẩm và 3 nghệ nhân tạc tượng. Phát huy và trao truyền lại cho thế hệ trẻ đang là tiêu chí mà địa phương mong mỏi để giữ nghề, giữ bản sắc văn hoá cho làng.
Cách đây vài năm, khi đưa đoàn quay phim của VTV Travel về ghi hình tại làng Díp, mọi người đã đặt tên cho phóng sự này là “Ở ngôi làng quanh năm ăn cơm nếp”. Chia sẻ về tên gọi này, anh Xuân cho biết: người dân làng Díp theo truyền thống từ xưa của cha ông quanh năm duy trì thói quen dùng gạo nếp làm lương thực chính cho bữa ăn hằng ngày nên người ta gọi làng Díp là ngôi làng quanh năm ăn cơm nếp. Khi đó, lúc còn làng cũ đất đai màu mỡ, tươi tốt thích hợp trồng cây lúa nếp cho ra hạt nếp dẻo, thơm, ăn no lâu mà rất ngon miệng. Ngày nay, làng Díp đã có nhiều đổi thay, nhân khẩu ngày càng đông, đất đai không còn rộng và phì nhiêu như trước, bà con đã chuyển đổi canh tác sang trồng cây lúa và một số cây trồng khác. Tuy vậy, ăn cơm nếp vẫn được duy trì mỗi khi có dịp như một phong tục truyên thống trong gia đình.
Rời làng Díp, di chuyển thêm 3km chúng tôi đến bến thuyền, bắt đầu trải nghiệm sông nước Sê San. Sau khi trang bị áo phao, anh Rơ Châm Oal-Tổ trưởng tổ nhận khoán bảo vệ rừng làng Díp trực tiếp lái thuyền và đồng hành cùng chúng tôi trong hành trình ngày hôm nay. Giữa tiết trời khoáng đạt, nắng nhưng không quá oi nồng, càng di chuyển ra xa bờ không khí lại càng mát mẻ. Xuôi theo dòng nước phản chiếu ánh mặt trời nghiêng chao, mặt hồ rộng mênh mông, trải dài tít tắp, ngắm nhìn sông nước hữu tình bên đôi bờ xanh mát cây rừng giữa thiên nhiên thơ mộng. Nhìn về phía xa từng đàn cò trắng bay về đậu trên những gốc cây khô trơ trụi còn sót lại trên mặt hồ. Xa xa, một vài chiếc thuyền xuôi dòng tạo nét chấm phá thi vị giữa sông nước hiền hòa.
Về với thiên nhiên bao giờ cũng mang lại cảm giác thật sự sảng khoái, dễ chịu, tâm hồn như được tưới tắm bởi những cơn gió mát lành đôi khi phả nhè nhẹ, bất chợt lại thổi ào ạt mang cả hơi nước sà vào người lữ khách đang đắm mình giữa vạn vật. Anh Oal đưa chúng tôi dừng chân tại một hòn đảo, nơi có những hộ dân mưu sinh, sống quần tụ tạo thành một làng chài nhỏ.
Trò chuyện cùng chị Nguyễn Thị Mai (năm nay 48 tuổi), được biết: Có 4 hộ dân sống tại làng chài này, trong đó 3 hộ đều là dân miền Tây cùng dòng họ với nhau, có 1 hộ là dân Phú Yên. Chị Mai cùng chồng là anh Đoàn Văn Hải (52 tuổi) đã sống ở đây được hơn 3 năm, anh chị chủ yếu nuôi cá bống, cá lăng đuôi đỏ, chu kỳ tầm 7 đến 8 tháng thì xuất ra thị trường, sẽ có thương lái đến thu mua tận nơi. Ngoài công việc nuôi và đánh bắt hải sản, anh Hải còn kiêm dịch vụ đưa đón khách có nhu cầu du ngoạn sông nước và phục vụ thức ăn tại đây. Anh Hải chia sẻ, sống lâu năm nhất ở đây là hộ gia đình anh Huỳnh Văn Đàn (57 tuổi), ngoài mưu sinh nhờ sản vật của sông nước anh Đàn còn trồng khá nhiều cây điều nên cuộc sống ổn định hơn. Du khách đến thăm quan làng chài nếu muốn trực tiếp được tìm hiểu và tận tay hái điều khi vào mùa sẽ được anh trực tiếp hướng dẫn và đưa đi trải nghiệm.
Gần 1 giờ lênh đênh giữa mây trời, sông nước đoàn cập bến, dừng chân bên suối nước ly để dùng bữa trưa muộn. Thức ăn có gà và thịt heo nướng trên bếp than hồng đỏ lửa, phụ hoạ thêm một ít cá được các anh trong đoàn thả lưới bắt vội trong khi chờ thịt chín, rau dớn hái bên bờ xào tỏi và đồ khô mang theo đã mang đến một bữa trưa vô cùng ngon miệng bên con suối mát lành. Khu vực này là địa điểm lý tưởng cho người dân xung quanh đến thưởng ngoạn phong cảnh sông nước, tắm suối, thả lưới bắt cá… để có những trải nghiệm thú vị giữa thiên nhiên.
Trên đường quay trở về, chúng tôi vẫn còn lưu luyến mãi về những người dân hồn hậu sống giữa vùng đất khó nhưng vô cùng thân thiện và rạng rỡ, bình yên với sự đổi thay của làng, bởi với họ, nơi đây là quê hương, đất mẹ.
Võ Thanh Thảo
Nguồn: https://svhttdl.gialai.gov.vn/News/Details.aspx?id=MjkyMw==&idtype=Mg==