Cuối tuần, chúng tôi về làng Đê Kjiêng (xã Ayun, huyện Mang Yang) nhờ anh Si-nghệ nhân đan lát làm hướng dẫn viên cho hành trình trải nghiệm của mình. Đê Kjiêng là ngôi làng Bahnar có nhiều lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và văn hóa, chỉ cách Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh tầm 3-4 km.
Theo chân hướng dẫn viên, điểm đến đầu tiên của chúng tôi là nhà rông truyền thống. Ngôi nhà chung của cộng đồng làm hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên, mái tranh dày, sàn và vách nhà đan từ cây lồ ô và được cố định vững chãi bằng sợi mây rừng. Hai hàng tượng gỗ bên dưới nhắc nhớ về những sự kiện văn hóa từng diễn ra ở đây. Anh Si tự hào giới thiệu thêm về những lễ hội truyền thống của làng, ý nghĩa của tượng gỗ.
Từ “trái tim của làng” rồi đến giọt nước, điểm cuối cùng anh Si dẫn khách đến là cánh đồng Vang nằm dưới thung lũng nơi đầu nguồn sông Ayun. Nhìn từ trên cao, dòng sông lấp lánh ánh bạc uốn quanh cánh đồng và núi đồi phía xa. Chiều về, người dân lội qua sông về nhà, trên lưng là chiếc gùi với những đọt măng le, mớ rau rừng, buồng chuối nhỏ. Sống gần rừng nên người Bahnar hòa hợp với tự nhiên.
Chỉ về phía rừng núi xanh thẳm, hướng dẫn viên của làng cho hay: Từ ngàn đời nay, người Bahnar sống dựa vào màu xanh ấy, lấy nguyên vật liệu để làm nhà rông, đẽo tượng, đan lát… Là một nghệ nhân, anh Si có vốn kiến thức phong phú để kể cho khách về nghề truyền thống. Ngoài những vật dụng sinh hoạt hàng ngày, anh Si còn làm giỏ xách, bàn trà, xửng hấp… để bán cho khách du lịch.
Làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang) là hạt nhân trong kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh. Làng quy tụ đội ngũ nghệ nhân đông đảo tham gia hoạt động du lịch, trong đó có ông Đinh Grêng. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất lâu đời gắn với văn hóa nương rẫy, nghệ nhân Grêng có vốn sống, hiểu biết phong phú về các lễ hội. Ông thường xuyên tham gia tái hiện các lễ hội truyền thống để phục vụ khách du lịch; phục vụ nhu cầu kể chuyện làng cho du khách mỗi khi họ quan tâm.
Mới đây, nghệ nhân Bahnar Đinh Grêng chủ trì nghi thức cúng trong lễ tỉa lúa đầu năm phục vụ khách tham quan trong khuôn khổ Ngày hội Du lịch huyện Kbang 2024. Với vốn hiểu biết sâu rộng về phong tục, lễ hội và ngành nghề truyền thống, ông dành hàng giờ nói chuyện với các nhà văn, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ nhiếp ảnh về bản sắc văn hóa dân tộc. Ông còn hướng dẫn khách trải nghiệm các hoạt động của Làng kháng chiến Stơr, tham gia đan lát tạo sản phẩm phục vụ khách du lịch.
Sở hữu bề dày văn hóa, truyền thống là thế mạnh để các nghệ nhân có nhiều câu chuyện kể với du khách. Tuy nhiên, họ vẫn cần được hỗ trợ kỹ năng làm du lịch và nghệ thuật kể chuyện để tăng sức hấp dẫn cho điểm đến. Anh Si cho biết: Năm 2023, gần 40 người dân làng Đê Kjiêng được tập huấn làm du lịch cộng đồng trong thời gian 3 tháng. Anh là 1 trong 2 học viên xuất sắc và được xếp vào tổ hướng dẫn viên du lịch. Tháng 7 vừa qua, anh đạt giải ba hội thi hướng dẫn viên tại điểm toàn tỉnh dành cho người dân tộc thiểu số.
Đây cũng là hạn chế chung của các nghệ nhân tham gia làm du lịch. Nghệ nhân Đinh Grêng có vốn tri thức phong phú về văn hóa nhưng kể chuyện đôi khi chưa liền mạch, thu hút.
Sự tham gia của các nghệ nhân vào hoạt động du lịch cộng đồng, đặc biệt trong vai trò hướng dẫn viên là vốn quý của loại hình mới mẻ này. Thạc sĩ Huỳnh Công Hiếu-Quán quân Cuộc thi hướng dẫn viên giỏi toàn quốc 2010 và là đại diện doanh nghiệp lữ hành đầu tiên của TP. Hồ Chí Minh thực hiện tour thử nghiệm du lịch cộng đồng tại Gia Lai để kết nối đưa khách đến.
Ông đánh giá cao vai trò của đội ngũ nghệ nhân đối với tour du lịch cộng đồng: “Đội ngũ nghệ nhân với sự hiểu biết phong phú về văn hóa giúp du khách có những trải nghiệm sâu hơn. Hướng dẫn viên là một nghề khó ngay cả với những người được đào tạo bài bản qua trường lớp. Do đó, đối với nghệ nhân cần kiên trì hướng dẫn họ và phải có sự vào cuộc giúp sức của chính quyền địa phương lẫn ngành du lịch. Khi các nghệ nhân được hỗ trợ những kỹ năng mềm để làm hướng dẫn, kể chuyện, trải nghiệm của du khách sẽ tốt hơn rất nhiều”.
Nhiều năm qua, Trường Cao đẳng Gia Lai là đơn vị tham gia tập huấn, đào tạo người dân làm du lịch cộng đồng. Cô Nguyễn Thị Thúy An-Giảng viên Khoa Nghiệp vụ du lịch (Trường Cao đẳng Gia Lai) cho biết: “Chúng tôi thường khảo sát xem ở địa phương có tiềm năng, thế mạnh gì, sau đó hướng dẫn bà con cách tổ chức cho khách tham quan, kết nối các điểm thành 1 tour du lịch để mang đến cho khách thật nhiều trải nghiệm. Các nghệ nhân có lợi thế rất lớn khi tham gia làm du lịch cộng đồng. Họ nói được, làm được, hướng dẫn khách trải nghiệm và nhiều thứ khác. Họ có sẵn nền tảng vốn sống, kiến thức và kỹ năng về nghề truyền thống. Chúng tôi chỉ hướng dẫn họ cách kể câu chuyện làng sao cho logic, hấp dẫn để du khách ở khắp mọi nơi đều hiểu được”.
Nguồn: https://baogialai.com.vn/nghe-nhan-huong-dan-vien-du-lich-nguoi-ke-chuyen-lang-post289069.html