Ngày hội văn hóa các dân tộc được Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá tinh hoa văn hóa các dân tộc trong tỉnh. Đây cũng là cơ hội để đồng bào các dân tộc học hỏi kinh nghiệm bảo tồn, chung sức gìn giữ và phát triển trong cộng đồng. Ngày hội năm nay có chủ đề “Sức sống cội nguồn”, quy tụ gần 800 nghệ nhân đến từ các huyện, thị xã, thành phố. Đông nhất là 2 dân tộc tại chỗ Jrai và Bahnar, tiếp đến là các dân tộc Tày, Mường, Mông, Nùng, Thái và Kinh.
Nói về những điểm mới của ngày hội so với 2 lần tổ chức trước đó, ông Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Trưởng ban tổ chức-thông tin: “Ngày hội năm nay có sự tham gia của nhiều dân tộc hơn, hình thức thể hiện các loại hình văn nghệ dân gian cũng phong phú hơn. Ban tổ chức đưa thêm một số hoạt động mới như: trình diễn kỹ thuật chỉnh chiêng, trang phục dân tộc, thi giã gạo chày đôi… Đặc biệt, tại ngày hội năm nay, lần đầu tiên diễn ra hoạt động tái hiện không gian biểu diễn chèo (chiếu chèo), loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian độc đáo của người Việt”.
Nét mới nữa trong ngày hội văn hóa các dân tộc năm nay là không có lễ khai mạc và bế mạc. Thay vào đó là đêm hội “Sức sống cội nguồn” diễn ra vào tối 13-4 với một số tiết mục đặc sắc nhất của các đoàn nghệ nhân. Ngoài ra, công tác xã hội hóa cũng nhận được quan tâm với số lượng các doanh nghiệp, đơn vị tài trợ đông đảo hơn. Từ sự tài trợ này, Ban tổ chức sẽ trao tặng cho mỗi nghệ nhân tham gia ngày hội 1 chiếc ba lô, 1 móc khóa, 1 ảnh chân dung Anh hùng Núp, phía sau ảnh in ca khúc “Hát mừng anh Núp” (nhạc và lời Trần Quý). Tất cả cho thấy hoạt động văn hóa ngày càng nhận được sự quan tâm của cộng đồng.
Mỗi dân tộc đều có những giá trị văn hóa đặc sắc giới thiệu tại ngày hội. Ảnh: M.C |
Tham gia ngày hội, năm nay, huyện Chư Prông có thêm gian trưng bày cổ vật của nhà sưu tập Nguyễn Văn Hưng (làng Lân, xã Ia Kly). Ông Dương Văn Hoan-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện-cho biết: “Nhà sưu tầm Nguyễn Văn Hưng có bộ sưu tập hàng chục ngàn hiện vật dân tộc học, khảo cổ học rất giá trị và độc đáo. Những năm trước, chúng tôi mời ông Hưng đưa một số hiện vật đến trưng bày tại ngày hội sách để giới thiệu đến học sinh và người dân. Đây là lần đầu tiên ông Hưng nhận lời giới thiệu bộ sưu tập với công chúng ngoài địa bàn huyện để quảng bá rộng rãi hơn nữa đến người dân và du khách về giá trị của văn hóa Tây Nguyên”.
Trao đổi với P.V, nhà sưu tầm Nguyễn Văn Hưng cho hay, ông sẽ trực tiếp giới thiệu một số cổ vật thuộc nhóm đồ trang sức và đồ sinh hoạt của người Jrai và Chăm; đặc biệt là sưu tập đồ đá khai quật tại các điểm khảo cổ học tại Gia Lai. “Đây là sự kiện thu hút đông đảo nghệ nhân các dân tộc, người dân và du khách. Tôi cho rằng đây là dịp rất tốt để giới thiệu giá trị cổ vật, nhất là đồ đá được tìm thấy ở Gia Lai. Qua đó, giúp mọi người hiểu thêm về vùng đất cổ xưa, giàu trầm tích văn hóa mà những hiện vật được tìm thấy là minh chứng thuyết phục và khoa học”-ông Hưng chia sẻ.
Ngày hội văn hóa diễn ra vào tháng 4 hàng năm. Ảnh: M.C |
Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ III diễn ra trong 2 ngày (13 và 14-4) tại khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) với các hoạt động chính gồm: tái hiện không gian sinh hoạt cộng đồng của các dân tộc gồm các nghi lễ, lễ hội, trình diễn cồng chiêng, dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống, hát then, hát chèo; các trò chơi dân gian: giã gạo chày đôi, nhảy bao bố, trình diễn đi cà kheo nghệ thuật, nhảy sạp, ném còn; trình diễn trang phục các dân tộc; trình diễn kỹ thuật chỉnh chiêng. Ngoài ra, từ ngày 12-4 có triển lãm ảnh di sản văn hóa và trưng bày, giới thiệu đặc sản địa phương.
Trên hết, người dân và du khách đến với ngày hội văn hóa các dân tộc năm nay có cơ hội trải nghiệm và tìm hiểu hàng loạt nghi lễ, lễ hội của các dân tộc Bahnar, Jrai phục dựng, tái hiện như: lễ mừng lúa mới, đâm trâu, bỏ mả, cúng giọt nước, cúng nhà mới, lễ cưới, mừng thọ. Từ đó thêm hiểu vì sao Tây Nguyên lại được mệnh danh là vùng đất lễ hội.