Với 4 nội dung: tuyên truyền miệng, văn nghệ cổ động, kịch thông tin và trang trí xe tuyên truyền cổ động triển lãm, liên hoan đã cho thấy tâm huyết của các tuyên truyền viên nhằm mang đến cho người dân ở cơ sở các phương thức cập nhật thông tin tuy không mới nhưng luôn có sức hấp dẫn.
Văn nghệ cổ động luôn là nội dung được các đội tuyên truyền lưu động chú trọng nhằm thu hút khán giả. Các chương trình ca múa, độc tấu, hòa tấu nhạc cụ… được đầu tư kỹ lưỡng về trang phục, đạo cụ, âm nhạc với tính chuyên nghiệp cao, có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất dân gian và đương đại, đồng thời bám sát chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc.
Tiếp đó, qua phần thi tuyên truyền miệng, kịch thông tin, các đội khéo léo lồng ghép truyền tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chính sách dân tộc và tôn giáo; phong trào xây dựng nông thôn mới; xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh; an toàn giao thông; phòng-chống ma túy; bảo vệ môi trường… cũng như phản ánh những vấn đề “nóng” trong xã hội.
Đội tuyên truyền lưu động huyện Ia Pa mang đến cho khán giả tiếng cười sảng khoái với vở kịch thông tin “Thích nghèo”, phản ánh một số vấn đề trong công tác giảm nghèo ở địa phương. Đó là thực trạng người dân có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên không muốn thoát nghèo. Nghe nói cán bộ xuống kiểm tra, một số hộ mang ti vi, tủ lạnh, xe máy đi giấu, mang bò đi gửi nhờ… nhà hàng xóm.
Ông Nguyễn Thái Sơn-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Ia Pa-chia sẻ: “Đi thi cũng như đi cơ sở, các thành viên của đội luôn cố gắng tập luyện, đảm bảo nhiệm vụ tuyên truyền. Chương trình của đội sẽ được mang đi phục vụ bà con ở vùng sâu, vùng xa nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật, nâng cao dân trí”.
Đội Chư Sê cũng gây ấn tượng với các nội dung tuyên truyền bám sát thực tiễn như kịch thông tin “Người con của núi rừng”, lấy cảm hứng từ những người đã vận động buôn làng xóa bỏ hủ tục để xây dựng đời sống văn minh, ấm no.
Chủ đề tuyên truyền về mô hình “Trở về đức tin, giữ bình yên thôn, làng” của đội Chư Sê cũng là nội dung rất thời sự, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân.
Nhận xét về chất lượng liên hoan, nhạc sĩ Nguyễn Khắc Phú-Phụ trách đoàn nghệ thuật Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San, Trưởng ban giám khảo-cho hay: “Chúng tôi cảm nhận được đâu đó có sự khó khăn về nguồn lực, kinh phí xây dựng chương trình nhưng ghi nhận những gì các đội đã làm được và phát huy trong liên hoan. Tuy còn một số hạn chế nhưng nhìn chung chương trình biểu diễn của các đoàn đều hay và ấn tượng.
Qua hội thi xuất hiện nhiều tài năng về ca, múa, nhạc, kịch, biên đạo với cách dàn dựng, bố cục chương trình chặt chẽ, rõ nét, bám sát chủ đề và nội dung Ban tổ chức đưa ra, mang lại hiệu quả đáng khích lệ”.
Nhiều tác phẩm được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật như độc tấu sáo trúc “Trên đường chiến thắng” (đội Chư Sê); đơn ca “Chư Păh tình yêu của tôi” (đội Chư Păh); múa “Ngọn lửa ấm và nhịp chiêng” (đội Ia Pa); tam ca “Tuổi xuân dâng Đảng” (đội Đak Đoa); độc tấu đàn t’rưng (đội Mang Yang)…
Tại lễ bế mạc, Ban tổ chức đã trao tổng cộng 30 giải thưởng. Ở nội dung tuyên truyền miệng, các giải A, B, C lần lượt được trao cho các đội Chư Păh, Krông Pa, Ia Pa. Ở nội dung văn nghệ cổ động, đội Chư Sê dẫn đầu, tiếp đó là các đội Chư Păh, Ia Pa. Về kịch thông tin, đội Chư Sê tiếp tục giành giải A, trong khi giải B và C thuộc về đội Ia Pa và đội Chư Păh.
Ở nội dung trang trí xe tuyên truyền cổ động triển lãm, lần thứ ba Chư Sê được gọi tên ở vị trí cao nhất, kế tiếp là Chư Păh và Đak Đoa. Kết quả hoàn toàn thuyết phục khi đội Chư Sê giành giải nhất toàn đoàn; các giải nhì được trao cho đội Ia Pa và Chư Păh; giải ba thuộc về đội Ayun Pa. Các đội còn lại đạt giải khuyến khích.
Ông Nguyễn Ngọc Long-Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San, Trưởng ban tổ chức liên hoan-khẳng định: Những kinh nghiệm được rút ra từ liên hoan này sẽ giúp các đội tuyên truyền lưu động trong tỉnh tiếp tục phấn đấu, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện tốt nhiệm vụ của những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng, qua đó kịp thời động viên người dân và các cấp, ngành hăng say lao động sản xuất, chung tay bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Điều này càng đặc biệt ý nghĩa trong thời điểm các địa phương chuẩn bị đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Đại diện đội giành giải nhất toàn đoàn, ông Trần Văn Trầm-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Chư Sê-cho biết: “Ban tổ chức tạo điều kiện cho các đội tuyên truyền lưu động được giao lưu, trao đổi, học hỏi lẫn nhau. Những năm tiếp theo, chúng tôi sẽ nỗ lực xây dựng chương trình tốt hơn, cống hiến nhiều hơn nữa cho khán giả”.
Còn bà Nguyễn Thị Bạch Nga-Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Chư Păh thì bày tỏ: “Tất cả các đội tham gia liên hoan đều hăng hái, nhiệt tình. Theo tôi, các đội thông tin lưu động là kênh tuyên truyền hiệu quả, cần được tiếp tục quan tâm duy trì”.
Nguồn: https://gialai.gov.vn/tin-tuc/lien-hoan-tuyen-truyen-luu-dong-toan-tinh-gia-lai-lan-thu-iii-hap-dan-an-tuong.80700.aspx