Từ năm 2021 đến nay, thông qua các nguồn vốn của Nhà nước, huyện Krông Pa đã hỗ trợ cho người dân 76,8 tấn lúa HT1; 135,2 tấn lúa BĐR57; 12,7 tấn lúa giống LH12; 12,6 tấn lúa giống BĐR 999; 14 tấn lúa giống HG12; triển khai mô hình 5 ha xoài Thái Lan, 17 ha xoài Đài Loan, 9 ha bưởi da xanh; mô hình 10 ha giống mì HN3, 28 ha giống mì HN1, 52 ha giống mì HN5; 1 mô hình giống măng tây; 1,5 ha mô hình giống điều ghép,… Ông Nay Thân (buôn Chư Bang, xã Chư Gu) phấn khởi nói: “Vụ mùa 2024, nhà tôi được huyện hỗ trợ giống lúa BĐR999 để gieo trồng trên diện tích 3 sào. Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật gieo sạ, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, bón phân hợp lý nên lúa phát triển tốt, sản lượng thu được hơn 1,8 tấn, cao hơn so với giống lúa cũ. Giống lúa này có thời gian sinh trưởng ngắn hơn, chất lượng gạo dẻo và thơm hơn”.
Bên cạnh đó, thông qua các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, việc hướng dẫn ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm cho cây trồng cũng đã góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích. Cụ thể, hiện trên địa bàn có trên 6.700 ha cây trồng được áp dụng tưới nước tiết kiệm (tăng hơn 5.260 ha so với năm 2021). Tỉ lệ cơ giới hóa trong sản xuất cây hằng năm (làm đất 96%, chăm sóc 20%, thu hoạch 23%), cây lâu năm (làm đất 50%, trồng 12%, chăm sóc 30%, thu hoạch 13%). Việc áp dụng cơ giới hóa, tưới nước tiết kiệm đã góp phần thay đổi tư duy canh tác, bảo đảm thời vụ, tăng hệ số sử dụng đất, nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập của người dân.
Chị Vũ Thị Nhung (tổ 9, thị trấn Phú Túc) cho hay: “Nhà tôi có gần 30 ha mía. Tôi đã đầu tư máy móc để cày đất, xuống giống, phun thuốc, nâng mía lên xe sau thu hoạch. Ngoài ra, tôi còn đầu tư thêm hệ thống tưới tiết kiệm giúp cây mía phát triển tốt, không lo thời tiết nắng hạn. Bình quân mía của gia đình đạt năng suất 100 tấn/ha. Như vậy, với 30 ha, mỗi năm sau khi trừ hết chi phí còn lợi nhuận khoảng 1,5 tỷ đồng”.
Tương tự, nhờ áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt mà 7 ha mía và 1 ha mì của gia đình ông Lê Văn Thoát (tổ 10, thị trấn Phú Túc) cho năng suất cao. Ông Thoát cho hay: Khoảng 4 năm trở lại đây, ông đã đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt. Chi phí đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt chỉ khoảng 7-10 triệu đồng/ha nhưng hiệu quả mang lại rất lớn. Chỉ cần 1 nhân công đi mở khóa van ở đầu bờ ruộng là có thể tưới nước cho 0,5 ha/lần. Trung bình 1 ngày đêm, tôi tưới nước được khoảng 2 ha. Đối với cây mía, cây mì được áp dụng tưới nước nhỏ giọt năng suất sẽ tăng lên 30-35%. Với hơn 7 ha mía, 1 ha mì sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình lãi mỗi năm trên 350 triệu đồng.
Phát triển bò lai và chế biến sản phẩm từ thịt bò
Thời gian qua, huyện Krông Pa tiếp tục triển khai các chương trình cải tạo giống đàn bò theo hướng chăn nuôi bò thịt. Chủ động hướng dẫn người nuôi lai cải tạo giống, thay đổi phương thức chăn nuôi từ thả rông sang làm chuồng trại kết hợp trồng cỏ; khuyến khích các dự án chăn nuôi bò thịt theo quy mô trang trại. Giai đoạn 2020-2024, thông qua các chương trình, dự án huyện đã hỗ trợ tinh đông để lai tạo được khoảng 1.700 con bò lai và nhân dân tự bỏ kinh phí để lai các giống bò BBB, Red Angus trên 3.000 con.
Ông Hoàng Văn Thu (thôn Chư Jut (xã Chư Gu) cho biết: “Hàng năm, 3 con bò cái của gia đình tôi đều thuê dẫn tinh viên đến phối giống cho bò. Mỗi năm bò đẻ được 3 con bê lai giống BBB. Bê lai sinh ra có tầm vóc cao lớn, phát triển nhanh, mỗi con nuôi chỉ 5-6 tháng là có thể bán được khoảng 14-15 triệu đồng, cao hơn so với con bê giống địa phương 5-7 triệu đồng”.
Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và hỗ trợ nông dân hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, các mô hình nông hội gắn với đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để nâng cao hiệu quả sản phẩm. Hiện nay, toàn huyện có 36 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao cấp huyện và 2 sản phẩm OCOP 4 sao tỉnh , trong đó các sản phẩm được chế biến từ thịt bò như: khô bò sợi Tý Vân, khô bò miếng Nguyệt Viên, bò một nắng Quỳnh Ngân; bò gác bếp Tý Vân, gầu bò một nắng Mười Đức, bò gác bếp Tuấn Hậu, bò khô xé sợi Quỳnh Ngân; bò một nắng Ngọc Thạch, bò khô miếng Ngọc Thạch, bò 1 nắng Ama Châu, bò một nắng Hưng Lê, bò gác bếp Quỳnh Ngân… Ông Ngô Đức Mạo-Chủ cơ sở sản xuất bò một nắng Ama Châu (tổ dân phố 1, thị trấn Phú Túc)-cho hay: “Để tạo sự tin tưởng của khách hàng và chấp hành các quy định của pháp luật, tôi đã thực hiện đầy đủ các thủ tục như: đăng ký kinh doanh, đăng ký đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, gửi mẫu sản phẩm đi kiểm định chất lượng, công bố sản phẩm, đăng ký cấp chứng nhận sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu, thương hiệu, đăng ký mã vạch truy xuất nguồn gốc và đặc biệt là được UBND huyện cấp phép sử dụng nhãn hiệu thương hiệu “Bò Krông Pa-Gia Lai”. Sản phẩm bò một nắng Ama Châu đã được công nhận đạt 3 sao OCOP”.
Trao đổi với P.V, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa Võ Ngọc Châu-khẳng định: Qua gần 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết chuyên đề số 03-NQ/HU của Đảng bộ huyện cho thấy việc ứng dụng khoa học-công nghệ trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã có sự chuyển biến rõ nét. Đồng thời, thông qua các mô hình, dự án đã giúp người dân tiếp cận được với các giống cây trồng, vật nuôi mới góp phần chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, từng bước nâng cao trình độ, thay đổi tập quán sản xuất của người dân. Ngoài ra, huyện đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu “Thuốc Lá Lá Krông Pa-Gia Lai” và giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu chứng nhận “Bò Krông Pa-Gia Lai”.
Nguồn: https://gialai.gov.vn/tin-tuc/krong-pa-hieu-qua-ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-vao-san-xuat.81020.aspx