Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) là nỗ lực không ngừng vì bình đẳng giới và chăm lo, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, có nội dung đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị.
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Dự án 8, các cấp Hội LHPN trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập 306 Tổ truyền thông tại cộng đồng, với 1.375 thành viên tham gia tổ truyền thông; thành lập 55 Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, với 239 em tham gia, trong đó có 153 trẻ em gái; thành lập mới 65 Địa chỉ tin cậy, củng cố 77 Địa chỉ tin cậy để hỗ trợ bảo vệ phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình.
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu của Dự án 8, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 05 lớp tập huấn cho 230 đại biểu về phát triển năng lực lồng ghép giới; 04 lớp tập huấn cho 133 đại biểu về hướng dẫn công tác đối thoại chính sách. Các cấp Hội đã tổ chức 103 cuộc đối thoại chính sách, có 1.200 hội viên, phụ nữ tham gia; tổ chức lồng ghép 1.564 buổi tuyên truyền đến 105.185 hội viên phụ nữ về nâng cao kiến thức cho hội viên, phụ nữ phát huy nội lực, đoàn kết, tương trợ giúp nhau trong phát triển kinh tế…
Tại diễn đàn, ngoài báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nội dung đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội của cộng đồng trên địa bàn tỉnh Kon Tum, các tập thể, cá nhân tiêu biểu đã có những tham luận nhằm chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm hay, những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn ở cơ sở. Đồng thời, nêu những khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện, đề xuất được những giải pháp phát huy hiệu quả hơn nữa việc đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội của cộng đồng những năm tiếp theo.
Các ý kiến phát biểu tại diễn đàn được Hội LHPN tỉnh tổng hợp, nghiên cứu, vận dụng trong công tác chỉ đạo, định hướng trong thời gian tới; đồng thời, có những kiến nghị, đề xuất với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương để tiếp tục thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới.
Nguồn: https://baodantoc.vn/kon-tum-to-chuc-dien-dan-tieng-noi-cua-phu-nu-1734683393341.htm