Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị thì việc phát huy vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện chương trình đã mang lại những chuyển biến rõ nét.
Kể từ khi triển khai chương trình xây dựng làng NTM và cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, diện mạo làng Tơ Drăh đã đổi thay nhanh chóng. Hầu hết các tuyến đường trong làng đã được bê tông hóa, nhựa hóa, cứng hóa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa. Đời sống của bà con được nâng lên rõ rệt, nhiều hộ trong làng có thu nhập 400-500 triệu đồng/năm.
Bộ mặt nông thôn xã Bar Măih ngày càng khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Q.T |
Trong ngôi nhà 2 tầng khang trang được xây dựng năm 2016 với tổng chi phí khoảng 1,6 tỷ đồng, bà Đinh Bom (làng Tơ Drăh) phấn khởi cho biết: “Trước đây, đời sống gia đình mình rất khó khăn. Dù có nhiều đất sản xuất nhưng do không biết cách canh tác nên năng suất mì, bắp, đậu đạt thấp, trong khi giá cả thì bấp bênh. Từ khi được cán bộ xã tuyên truyền, vận động chuyển sang trồng các loại cây công nghiệp dài ngày như: cà phê, hồ tiêu, đời sống kinh tế gia đình đã thay đổi nhanh chóng. Mình có tiền để xây nhà, sắm xe cộ và lo cho các con ăn học.
Với 2.000 trụ hồ tiêu và hơn 2 ha cà phê, năm nay, mình thu được hơn 500 triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư. Mình sẵn lòng tham gia đóng góp tiền, hiến đất để mở rộng đường giao thông. Nhờ đó, đường sá đi lại thuận tiện”.
Tương tự, từ khi chuyển sang trồng cà phê, cuộc sống của gia đình anh Dyen (làng Phăm Kleo Ngol) ngày càng khấm khá. “Vụ vừa rồi, tôi thu được gần 10 tấn cà phê nhân. Dự tính sau khi trừ các khoản đầu tư, tôi thu được hơn 500 triệu đồng. Không những có tiền xây dựng nhà khang trang, tôi cũng tích góp tiền mua được ô tô để đi lại”-anh Dyen chia sẻ.
Theo ông A Ngăn-Chủ tịch Hội Nông dân xã Bar Măih, bà con DTTS rất chịu khó học hỏi kinh nghiệm làm ăn của các hộ người Kinh và đoàn kết giúp nhau phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, hầu hết tập tục lạc hậu đã được người dân từ bỏ. Toàn xã có tới 41 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện và 2 hộ đạt danh hiệu cấp tỉnh.
Nhờ cây cà phê, cuộc sống của gia đình anh Dyen (làng Phăm Kleo Ngol, xã Bar Măih) ngày càng khấm khá. Ảnh: Quang Tấn |
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Thương-Chủ tịch UBND xã Bar Măih-cho biết: Từ khi triển khai chương trình xây dựng NTM và cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, nhận thức của người dân có nhiều chuyển biến tích cực. Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân đã biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 45 triệu đồng.
Cuối năm 2019, xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Cùng với đó, xã đã thực hiện tốt Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng làng NTM trong vùng đồng bào DTTS. Đến nay, xã có 1 làng đạt chuẩn NTM.
Chủ tịch UBND xã Bar Măih thông tin thêm: Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 có nhiều điểm mới và ở mức độ cao hơn. Do đó, xã chỉ còn đạt 13/19 tiêu chí NTM.
Thời gian tới, xã tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị tập trung tuyên truyền, vận động nhằm giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Đồng thời, phối hợp tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, mở các lớp dạy nghề và định hướng việc làm cho người DTTS; vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, xóa bỏ tập tục lạc hậu, tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường…
“Đặc biệt, xã sẽ nhân rộng các mô hình thoát nghèo bền vững như: trồng chuối trên đất đồi, đàn dê thoát nghèo, nuôi bò sinh sản…; tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tái canh những diện tích cà phê, hồ tiêu già cỗi, kém hiệu quả”-Chủ tịch UBND xã nhấn mạnh.