Gia Lai không chỉ là mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho nhiều thắng cảnh hoang sơ tuyệt đẹp mà đây còn là vùng đất in đậm dấu ấn văn hóa của đất và người Tây Nguyên. Với tiềm năng du lịch rất phong phú, đa dạng với núi rùng cao có nhiều cảnh quan tự nhiên và nhân tạo. Rừng nguyên sinh nơi đây có hệ thống động thực vật phong phú, nhiều ghềnh thác, suối, hồ như Biển Hồ là một thắng cảnh nổi tiếng, Ngay ở khu vực Biển Hồ Chè thuộc huyện Chư Păh, cách thành phố Pleiku khoảng 13km, là cả một vùng chè mênh mông bát ngát rộng hơn 1.100ha. Đây là đồn điền chè đầu tiên người Pháp trồng ở Gia Lai vào những năm 20 của thế kỷ trước.
Địa hình đa dạng, khí hậu ôn hoà đã tạo cho Gia Lai có những thắng cảnh thiên nhiên hùng vỹ giữa đại ngàn như: Biển Hồ, hồ Ia Ly, hồ Ayun Hạ, thác Phú Cường, thác 50, núi lửa Chư Đang Ya, di tích quốc gia đặc biệt Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo, di tích khảo cổ thời đại Đá cũ Rộc Tưng – Gò Đá khu di tích khảo cổ học chứng minh nơi có dấu vết con người đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam – từ thời sơ kỳ Đá cũ, niên đại khoảng 80 vạn năm. Di tích Đền tưởng niệm liệt sỹ và Tượng đài Chiến thắng Đak Pơ tại huyện Đak Pơ – nơi tưởng niệm các liệt sỹ hi sinh trong trận đánh Đak Pơ.
Đường vào Biển Hồ xanh một màu xanh
Nhiều đồi núi như cổng trời Mang Yang, đỉnh Hàm Rồng, thác Hang Dơi và thác K50, Chùa Bửu Minh trong sương sớm, ngôi chùa nằm cạnh nương chè là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của Tây Nguyên. Con đường qua hàng thông – Biển Hồ chè, chùa Bửu Minh đến cánh đồng Ngô Sơn, núi lửa Chư Đăng Ya được xem là cung đường du lịch đẹp bậc nhất ở Gia Lai. Các cảnh quan nhân tạo có các rừng cao su, đồi chè, cà phê bạt ngàn. Kết hợp với tuyến đường rừng, có các tuyến dã ngoại bằng thuyền trên sông, cưỡi voi xuyên rừng… và hệ sinh thái động thực vật phong phú mang đặc điểm chuyên biệt của rừng Tây Nguyên tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng. Bên cạnh lợi thế nổi bật về tự nhiên, văn hóa của hai dân tộc thiểu số chiếm số đông tại Gia Lai là Jrai và Bahnar thực sự độc đáo, thể hiện rõ nét qua phong tục, tập quán, kiến trúc, lễ hội, âm nhạc, điêu khắc, văn học dân gian, ẩm thực, trang phục…
Đường đến thác của bạn phải vượt qua nhiều thử thách. @trinhhoaitri
Vườn Quốc gia Kon Chư Răng và Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (Vườn Di sản ASEAN) sẽ là những địa chỉ trekking đầy thú vị. Đến đây, du khách có thể đi trong rừng nguyên sinh để khám phá các loài động thực vật hoang dã, những thác nước kỳ vĩ, hoặc có thể dựng lều cắm trại ngủ lại đêm trong rừng. Sản phẩm chè Biển Hồ giờ rất có tiếng, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp chứng nhận hàng nông lâm sản Việt Nam chất lượng cao, được xuất sang Australia, Afghanistan, Pakistan, Singapore…
Ngoài ra, Gia Lai còn có nền văn hoá lâu đời của đồng bào dân tộc, chủ yếu là dân tộc Gia Rai và Ba Na thể hiện qua kiến trúc nhà rông, nhà sàn, nhà mồ, qua lễ hội truyền thống, qua y phục và nhạc cụ…các nhạc cụ đặc trưng của các dân tộc thiểu số như Cồng chiêng, Đàn đá, Đàn K’ni, K’lông pút, Đàn Goong, T’rưng, Alal,… Các lễ hội như Lễ hội đâm trâu, Lễ ăn cơm mới, Lễ bỏ mả,… Ngoài ra, tỉnh còn có các món đặc sản như Rượu cần, Cơm cháy – Rượu nếp, Phở khô và điêu khắc nổi tiếng là Tượng nhà mồ cùng dòng sông Sê San đoạn chảy qua địa phận huyện vùng biên Ia Grai. Khi tới đây, du khách có thể ngồi thuyền máy ngắm cảnh dòng nước mênh mông, nhiều cảnh sắc.
Du khách hối hả đến Thác Phú Cường nằm cách thành phố Pleiku chỉ 44km
Được biết từ 2010 đến nay, Gia Lai đã tổ chức kiểm kê được 456 hồ sơ di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó có 3 di sản được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, gồm: Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên, Sử thi của người Ba Na các huyện Đak Đoa, Đak Pơ, Kbang, Kông Chro, Lễ Cầu mưa của Yang Pơtao Apui. Công tác bảo tồn chữ viết, tiếng nói của đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm.
Nhiều công trình nghiên cứu, sưu tầm về ngữ văn dân gian, từ điển được cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh sưu tầm, nghiên cứu, xuất bản. Gia Lai đã tổ chức nhiều lớp dạy chỉnh chiêng, tạc tượng, đan lát, dệt thổ cẩm… cho các học viên người Bahnar, Jrai; một số nghi lễ, lễ hội dân gian được phục dựng; các đoàn nghệ nhân Bahnar, Jrai luân phiên tham gia các hoạt động giao lưu, biểu diễn văn hoá, văn nghệ truyền thống trong và ngoài nước. Toàn tỉnh có 32 Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể được Chủ tịch nước vinh danh. Gia Lai có 41 di tích, cụm di tích đã được xếp hạng, gồm: 01 quần thể di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo với 09 di tích/cụm di tích và di tích khảo cổ Rộc Tưng – Gò Đá được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; 07 di tích quốc gia và 24 di tích, cụm di tích cấp tỉnh; có 2 hiện vật, bộ hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia, gồm: Phù điêu Phật Chămpa Tây Nguyên năm 2017 và Sưu tập công cụ sơ kỳ Đá cũ An Khê năm 2023.
Rừng thông cao vút hai bên đường vào hồ
Gia Lai không chỉ là mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho nhiều thắng cảnh hoang sơ tuyệt đẹp mà đây còn là vùng đất in đậm dấu ấn văn hóa của đất và người Tây Nguyên. Vùng đất bazan đầy nắng gió, bụi đỏ và ầm ào bom đạn chiến tranh ngày nào giờ đã lột xác trở thành một phố núi giàu có với bạt ngàn cao su, cà phê, đồi chè… và là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn khám phá di sản cồng chiêng Tây Nguyên và những thắng cảnh hoang sơ, kỳ vĩ…
Về miền nắng và gió của đất trời Tây Nguyên, du khách sẽ dễ dàng đến được với bầu không khí trong lành, mát mẻ của “đôi mắt Pleiku” Biển Hồ đầy, được thả mình phiêu diêu trên những đồi chè mênh mông bát ngát ở Biển Hồ Chè, được khám phá mùa hoa dã quỳ nở vàng trên sườn những ngọn núi lửa đã ngủ yên từ hàng triệu năm về trước, hay xa hơn chút nữa là vẻ đẹp đầy hoang sơ và mộng mị của những cánh rừng cao su ở Đắk Đoa đang vào mùa thay lá. Với các đêm hội cồng chiêng Đăk Pơ, trong đó từng nhóm người Bana thực hiện những điệu múa truyền thống quanh đống lửa. Với các đêm hội, âm thanh của tiếng đàn Tơ rưng, đàn Goong cùng những tiết mục diễn xướng cồng chiêng, tạo nên một không gian đa sắc màu của ngày hội văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc để Gia Lai mãi là miền đất luôn vẫy gọi du khách đến và cũng tâm điểm để du khách trở về./.
Công Đảo