Ngày 8.9, thông tin từ Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 429/QĐ-UBND phê duyệt đề án “Phát triển hệ thống y tế tỉnh Gia Lai đến năm 2030”.
Đề án này nhằm huy động nguồn lực để phát triển y tế địa phương, đặc biệt là những năm khó khăn sau dịch COVID-19. Tại Gia Lai, việc tự chủ tài chính của các bệnh viện công lập gặp nhiều khó khăn.
Theo đề án, ngành y tế tỉnh Gia Lai phấn đấu đến năm 2025 đạt 100% các trạm y tế xã có bác sĩ làm việc, tỉ lệ bác sĩ/vạn dân đạt 9 bác sĩ vào năm 2025. Đạt 10 bác sĩ/vạn dân vào năm 2030, đạt 22 điều dưỡng/vạn dân vào năm 2025 và 25 điều dưỡng/vạn dân vào năm 2030.
Sở Y tế Gia Lai có trách nhiệm xây dựng hệ thống y tế dự phòng của tỉnh bảo đảm năng lực ứng phó kịp thời với các tình huống khẩn cấp, thảm họa, đủ khả năng đáp ứng với các đại dịch.
Gia Lai cũng đặt mục tiêu đẩy mạnh xã hội hóa y tế, khuyến khích phát triển hệ thống y tế tư nhân. Bệnh viện đa dạng hóa các hình thức hợp tác công, tư trên tinh thần đảm bảo sự minh bạch, công khai, không phân biệt công, tư trong cung ứng dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe.
Trước đó, Báo Lao Động phản ánh, sau dịch COVID-19 nhiều nhân viên y tế ở tỉnh Gia Lai xin nghỉ việc, chuyển việc để qua các cơ sở y tế tư nhân với mức lương, chế độ đãi ngộ hấp dẫn hơn.
Các bệnh viện như Tâm thần, Bệnh viện Lao và Phổi, Bệnh viện Y dược cổ truyền và phục hồi chức năng… đang thiếu các bác sĩ có tay nghề, kinh nghiệm.
Qua hai năm phòng chống dịch bệnh COVID-19, số lượng bệnh nhân đến khám và chuyển từ tuyến huyện lên giảm mạnh nên nguồn thu eo hẹp, bệnh viện thu không đủ bù chi.
Nhiều bác sĩ chịu bị kỷ luật thôi việc để được chuyển qua bệnh viện tư làm. Lãnh đạo các bệnh viện công mong sớm có cơ chế trả lương theo vị trí việc làm, tăng chế độ đãi ngộ để tìm kiếm và giữ chân nhân tài.