Trải nghiệm cồng chiêng dưới mưa
Mặc dù cơn mưa nặng hạt kéo dài từ chiều song không ngăn được dòng người từ các xã đổ về khu vực trung tâm huyện Ia Pa để góp mặt trong chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm”. Gần 100 nghệ nhân Bahnar và Jrai thuộc 2 xã Pờ Tó và Chư Mố được huy động tham gia chương trình.
Đúng 19 giờ, những nghệ nhân từ các buôn làng trong trang phục truyền thống bắt đầu diễn tấu cồng chiêng, trình diễn nhạc cụ dân tộc, phục dựng trích đoạn nghi lễ truyền thống phục vụ người dân và du khách. Mưa vẫn rơi nhưng những đôi chân trần vẫn đều nhịp bước, những đôi tay chắc khỏe, linh hoạt vẫn nhịp nhàng tấu lên những điệu cồng chiêng vang vọng núi rừng.
Đoàn nghệ nhân Bahnar xã Pờ Tó biểu diễn tại chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm”. Ảnh: Vũ Chi |
Vượt quãng đường 15 km, đoàn nghệ nhân Bahnar xã Pờ Tó tham gia chương trình với 56 thành viên, trong đó, nghệ nhân lớn nhất đã 67 tuổi, nhỏ nhất chỉ mới 8 tuổi. Dù chênh lệch tuổi tác song các tiết mục của đoàn đều thể hiện nhuần nhuyễn, nhịp nhàng.
Nghệ nhân Đinh Myêch (thôn 4, xã Pờ Tó) chia sẻ: Đây là lần đầu tiên chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” được tổ chức tại huyện nhà nên các thành viên đều rất háo hức. Mọi người tham gia tập luyện suốt 1 tuần nhằm mang đến cho khán giả những tiết mục đặc sắc nhất. Bên cạnh các nghệ nhân lớn tuổi giàu kinh nghiệm thì các em nhỏ cũng trình diễn bằng tất cả niềm đam mê.
“Thật vui vì chương trình mở rộng xuống cơ sở giúp bà con có nhiều cơ hội trình diễn, giúp văn hóa truyền thống của dân tộc có thêm cơ hội bảo tồn và phát triển”-ông Myêch giãi bày.
Còn với đoàn nghệ nhân xã Chư Mố thì đây là lần đầu tiên tham gia chương trình. Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, 28 nghệ nhân từ 7 đến 60 tuổi tự tin trình diễn dưới ánh đèn sân khấu 6 tiết mục, trong đó có 2 tiết mục độc tấu, 2 tiết mục hòa tấu và 2 tiết mục trình diễn cồng chiêng.
Nghệ nhân Rmah H’Thu (buôn Plơi Apa Ơi H’Trông, xã Chư Mố) chia sẻ: “Được tham gia sự kiện ý nghĩa này, tôi cảm thấy rất vui và may mắn. Mặc dù thời tiết không ủng hộ, ai cũng ướt đẫm nhưng tất cả đều đã “cháy” hết mình. Hy vọng sau chương trình này, đoàn nghệ nhân xã Chư Mố có cơ hội tham gia trình diễn tại Pleiku để giao lưu, học hỏi, làm đa dạng hơn nữa văn hóa của dân tộc mình”.
Các nghệ nhân huyện Ia Pa biểu diễn trong chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm”. Ảnh: V.C |
Cơ hội cho cồng chiêng vươn xa
Cơn mưa nặng hạt không ngăn được dòng người đến thưởng thức cồng chiêng càng lúc càng đông cho thấy sức hút rất lớn từ chương trình. Choàng chiếc áo mưa, nhiều khán giả hòa mình vào điệu xoang uyển chuyển, nhịp nhàng và thưởng thức rượu ghè.
Chị Nguyễn Thị Hà (buôn Blôm, xã Kim Tân) hồ hởi cho biết: Vì công việc và đường xa nên dù muốn thưởng thức và trải nghiệm chương trình cồng chiêng cuối tuần tại Pleiku nhưng chị chưa có cơ hội tham gia. Khi biết chương trình được tổ chức ngay tại trung tâm huyện, chỉ cách nhà gần 1 km, chị rất vui mừng.
“Dù trời mưa nhưng cả gia đình vẫn đến xem và đã có những trải nghiệm tuyệt vời. Hy vọng chương trình được tổ chức thường xuyên góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân chúng tôi”-chị Hà kỳ vọng.
Để chương trình diễn ra thành công, Phòng Văn hóa-Thông tin, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện đã chuẩn bị chu đáo về địa điểm, trang trí sân khấu, vật dụng, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các đoàn nghệ nhân biểu diễn. Huyện cũng đẩy mạnh quảng bá chương trình trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng mạng xã hội để người dân nắm bắt thông tin đến tham gia, cổ vũ chương trình.
Nghệ nhân xã Chư Mố hướng dẫn du khách cách đánh đàn T’rưng. Ảnh: Vũ Chi |
Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch): Tây Nguyên sẽ là gì nếu thiếu cồng chiêng? Từ câu hỏi đó, mục tiêu của chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” là gieo ý niệm bảo tồn cồng chiêng ngay tại cơ sở. Để ý niệm đó thành cây, thành trái là một quá trình, đòi hỏi sự chung tay, giúp sức của tất cả mọi người.
Ông Ksor Suy-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa-cho hay: Ia Pa là địa phương thứ 2 sau thị xã An Khê được Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch chọn để tổ chức chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm”. Đây không chỉ là cơ hội để các nghệ nhân trong huyện quảng bá văn hóa truyền thống mà còn là dịp để người dân được mắt thấy, tai nghe tinh hoa văn hóa đại ngàn; qua đó góp phần bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.
Mặc dù buổi trình diễn trời có mưa lớn nhưng các nghệ nhân đã “cháy” hết mình, thu hút đông đảo người dân đến theo dõi và trải nghiệm. Đây là thành công và cũng là động lực để huyện tiếp tục triển khai thêm nhiều chương trình trong thời gian tới.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch): Hiện nay, đời sống người dân ở các buôn làng đã có sự thay đổi rất lớn. Khi môi trường thay đổi thì con người phải thích nghi để cồng chiêng, khố váy, tài năng nghệ thuật dân gian có cơ hội thể hiện.
Chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” ra đời ngoài mục đích đó còn góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, giáo dục thế hệ trẻ ý thức bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống dân tộc tại chỗ. Được tổ chức trong 2 năm qua, từ chỗ xã hội hóa, hiện nay, “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” đã trở thành đề án được tỉnh hỗ trợ kinh phí.
Tuy nhiên, nếu chương trình chỉ tổ chức tại Pleiku thì sẽ thiệt thòi cho các nghệ nhân và người dân tại các địa phương vùng sâu, vùng xa. Chính vì vậy, từ tháng 6-2024, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch chủ trương đưa cồng chiêng cuối tuần về cơ sở. Đây vừa là cơ hội song cũng là thách thức đòi hỏi chính quyền các địa phương từ huyện đến xã phải bắt tay vào cuộc, các buôn làng phải cùng nhau khởi động để tạo nguồn biểu diễn.