Bà Puih H’Nguyệt-Bí thư Đảng ủy xã Ia Din-cho biết: Trước hội nghị, Mặt trận, các đoàn thể cùng với khối dân vận Đảng ủy xã nắm bắt tình hình dư luận xã hội, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của người dân, sau đó phân loại theo từng lĩnh vực và tham mưu Thường trực Đảng ủy xã có công văn yêu cầu cơ quan liên quan chuẩn bị nội dung, trực tiếp báo cáo, giải trình tại buổi đối thoại.
Hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa Bí thư Huyện ủy Đức Cơ với cán bộ và Nhân dân xã Ia Kriêng. Ảnh: P.D |
Cùng với duy trì tổ chức 1-2 hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân hàng năm, xã Ia Din còn duy trì mô hình “Ngày thứ 6 nghe dân nói”. Nhờ đó, nhiều khó khăn, vướng mắc của người dân đã được giải quyết ngay tại cơ sở; những kiến nghị, đề xuất vượt cấp cũng được tổng hợp gửi cơ quan, đơn vị có thẩm quyền để trả lời thỏa đáng cho người dân.
Theo ông Phạm Văn Cường-Bí thư Huyện ủy Đức Cơ: Việc tổ chức hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân được các xã, thị trấn duy trì thường xuyên và chất lượng, hiệu quả không ngừng nâng lên. Nhiều vấn đề người dân kiến nghị, phản ánh đã được chỉ đạo giải quyết kịp thời; tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức đối với công việc được giao cũng được nâng lên rõ rệt.
Năm 2023, Bí thư Huyện ủy Đức Cơ đã trực tiếp tiếp xúc, đối thoại với cán bộ, người dân xã Ia Kriêng và thị trấn Chư Ty. Bằng tinh thần cầu thị, cởi mở, người đứng đầu Đảng bộ huyện đã nghiêm túc tiếp thu và yêu cầu cơ quan liên quan báo cáo, giải trình, làm rõ các kiến nghị của người dân xoay quanh các vấn đề: đất đai, nông nghiệp, nông thôn, xây dựng cơ bản, vay vốn…
Trong tháng 6 và tháng 9-2024, Bí thư Huyện ủy Đức Cơ có kế hoạch tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với cán bộ, người dân xã Ia Pnôn và Ia Kla. Nội dung đối thoại tập trung vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy; hoạt động quản lý, điều hành của các cấp chính quyền; hoạt động của MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội; về đạo đức, lối sống, thái độ, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên; việc thực hiện cải cách hành chính; về xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tiêu thụ nông sản; công tác y tế, giáo dục, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo; lĩnh vực quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Thực hiện Quyết định số 553-QĐ/TU ngày 14-3-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với người dân trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã đưa nội dung đối thoại vào chương trình công tác định kỳ hàng năm. Năm 2023, cấp tỉnh đã tổ chức 3 cuộc đối thoại; cấp huyện tổ chức 55 cuộc đối thoại; cấp xã tổ chức được 356 cuộc đối thoại.
Cụ thể như Thường trực Thành ủy Pleiku đã tổ chức tiếp xúc, đối thoại với cán bộ, hội viên phụ nữ và cán bộ, hội viên Hội Cựu chiến binh; Huyện ủy Krông Pa đối thoại với cán bộ, đảng viên và người dân 4 xã: Ia Hdreh, Krông Năng, Ia Rmok, Chư Drăng; lãnh đạo huyện Đak Đoa đối thoại với đội ngũ cán bộ hoạt động không chuyên trách ở thôn, làng, tổ dân phố và người dân trên địa bàn…
Trong tháng 3-2024, HĐND tỉnh phối hợp với Tỉnh Đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức chương trình tiếp xúc, đối thoại giữa đại biểu HĐND tỉnh với trẻ em về chủ đề “Phát huy vai trò của trẻ em trong bảo vệ quyền trẻ em”; Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với thanh niên về chuyển đổi số; Thường trực Huyện ủy Đak Pơ đối thoại trực tiếp với cán bộ và người dân làng Kuk Kôn (xã An Thành)…
Tại những diễn đàn này, người dân đã thẳng thắn bày tỏ tâm tư, nguyện vọng cũng như đề xuất, kiến nghị nhiều vấn đề quan trọng trong đời sống và sản xuất, những vấn đề nổi lên trong xã hội.
Trên cơ sở trao đổi thông tin 2 chiều, người dân nhận thức đầy đủ, chính xác hơn về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các vấn đề tại địa phương. Ngược lại, những góp ý thẳng thắn tại hội nghị giúp cấp ủy, chính quyền có cơ sở nắm bắt tình hình cụ thể, nhận ra những hạn chế, bất cập trong công tác lãnh đạo, điều hành để từ đó kịp thời khắc phục, chấn chỉnh, tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ người dân.
Qua đối thoại, tiếp xúc, niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của chính quyền địa phương được củng cố, tăng cường, sự đồng thuận trong xã hội được nâng cao.
Tại hội nghị tổng kết công tác dân vận và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các nội dung, biện pháp đổi mới công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp.
Phát huy trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân trên địa bàn tỉnh, đảm bảo khẩn trương, kịp thời, trách nhiệm và đầy đủ, không để xảy ra khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp.