Một trong những đặc điểm để nhận diện văn hoá đặc trưng của vùng đất Krông Pa là kiến trúc nhà dài. Đây là giá trị văn hoá độc đáo của người Jrai sống ở vùng Đông Nam của tỉnh được hình thành và gìn giữ, lưu truyền cho đến ngày nay.
Nếu có dịp xuôi về các làng, nơi cộng đồng dân tộc bản địa sinh sống lâu đời sẽ nhận thấy những ngôi nhà sàn có chiều dài hàng chục mét thấp thoáng bên đường khiến du khách không khỏi thích thú. Được biết, ngôi nhà sàn càng dài là biểu tượng của quyền lực, sự thịnh vượng, đông con cháu của gia đình. Làng nào có nhiều nhà sàn chứng tỏ dân làng đó có đời sống kinh tế khá giả và giàu có.
Nhà sàn dài của người Jrai ở xã Ia Mlah, Krông Pa.
Trong đợt công tác về vùng đất “chảo lửa” Krông Pa, tôi được dịp thăm thú tìm hiểu về cảnh sắc thiên nhiên cùng nét phong tục tập quán thường nhật của bà con sống lâu đời tại vùng đất này. Khi dừng chân bên đường, nép dưới bóng cây cổ thụ che mát cho một ngôi nhà sàn dài ở xã Ia Mlah, được trò chuyện cùng ông KPă Blinh-cán bộ xã Ia M’Lah, được biết: Toàn xã có 68% là đồng bào dân tộc Jrai. Nói về văn hóa của bà con nơi đây, ông Blinh chia sẻ, bởi là huyện nằm ở vùng xa nhất trên bản đồ của tỉnh, bà con ít bị ảnh hưởng từ nhịp sống hiện đại, chính vì vậy còn giữ gìn và lưu truyền được những giá trị văn hóa-di sản truyền thống từ bao đời. Đặc trưng của khu vực này là còn giữ được những nếp nhà dài truyền thống của người Jrai từ đời này sang đời khác. Và quả thật, theo thời gian cùng sự đổi mới của cuộc sống, ngày nay người đồng bào dân tộc thiểu số sống ở các làng xã dần chuyển sang ở nhà xây khang trang, rộng rãi hơn nhưng bên cạnh đó nhà sàn dài vẫn hiện hữu tại các buôn làng ở vùng đất Krông Pa.
Xuôi về miền đất Krông Pa còn thấy những ngôi nhà sàn dài truyền thống
mang đậm nét văn hoá của người Jrai sinh sống lâu đời.
Trước kia, bà con thường tận dụng những nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên để làm nhà. Mái được lợp bằng cỏ tranh, vách được đan bằng tre, nứa, sàn nhà là những cây tre già, lồ ô đập dập gắn kết lại. Tất cả được nối lại với nhau bằng dây mây, hoàn toàn không sử dụng đinh vít hay keo để cố định. Mỗi khi dựng nhà, bà con trong làng sẽ cùng chung tay góp sức, mỗi người một việc phụ giúp nhau, thể hiện nét văn hoá tốt đẹp, là tinh thần cộng đồng được duy trì thời xa xưa.
Kiến trúc của ngôi nhà sàn dài không cần theo khuôn mẫu hay có sự đo đạc tỉ lệ chính xác mà chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của những người lớn tuổi trong làng mà cùng xây dựng lên. Ngày trước, mái của nhà dài được lợp bằng tranh chuẩn của một ngôi nhà truyền thống nên ngôi nhà luôn mát mẻ, rộng thoáng nhưng có độ bền không cao. Hiện nay những nguyên vật liệu như tre nứa, mây, cỏ tranh ngày càng khan hiếm, mái tranh được hầu hết thay bằng mái tôn để bền bỉ hơn qua nắng mưa thời gian.
Hiện nay, ở miền đất Krông Pa nắng gió nhiều ngôi nhà sàn khang trang rộng rãi hơn xuất hiện ở buôn làng
nhưng vẫn giữ được nét hồn cốt của ngôi nhà sàn dài truyền thống.
Nhà sàn được thiết kế một không gian rộng chạy dọc thân nhà, tuỳ vào kinh tế của gia chủ mà độ dài của ngôi nhà sẽ tỉ lệ thuận theo. Trong cả không gian đó là nơi dùng để tiếp khách, sinh hoạt chung, còn phòng ngủ thì được thiết kế mở rộng ra hai bên hông nhà. Căn nhà cũng có 2 cửa sổ được bố trí đối diện nhau ở khoảng giữa của ngôi nhà, một cửa theo hướng mặt trời mọc và một cửa bên kia theo hướng mặt trời lặn. Theo phong tục của làng thì chỉ có người lớn tuổi trong nhà mới được ngồi cạnh cửa sổ được mở ra theo hướng mặt trời mọc. Nhiều cửa, lại được phân bổ hợp lý nên bên trong ngôi nhà dài luôn có gió trời và ánh nắng lùa vào tạo không gian thoáng đãng và mát mẻ quanh năm.
Cũng giống như những ngôi nhà sàn dài của người Jrai khác ở Krông Pa nói riêng và Gia Lai nói chung, trong nhà sàn của bà con nơi đây thường có hai bếp lửa được đặt theo hướng mặt trời mọc, bố trí ở gần cửa phía đầu và cuối nhà. Bếp lửa trong nhà sàn không chỉ là nơi nấu nướng, sưởi ấm, bên bếp lửa mọi sinh hoạt thường nhật, những câu chuyện từ xa xưa cho đến hiện tại cứ mãi được kể lại và kéo dài từ ngày này qua tháng nọ. Bên cạnh đó, gian bếp bên trong nếp nhà dài còn là nơi hong khô thực phẩm nhằm bảo quản được lâu hơn, là nơi bà con hong khô những chiếc gùi, đồ gốm sau khi hoàn thiện để tạo độ bền chắc, bóng đẹp cho sản phẩm.
Hệ thống các cột trụ trong nhà đều bằng gỗ, ngôi nhà dài càng được xây dựng lâu năm thì vật liệu càng quý và chắc chắn, bền bỉ qua thời gian. Vách và sàn nhà được đóng bằng ván gỗ có lỗ thông thoáng chứ không đóng khít hoàn toàn, tuỳ vào điều kiện của gia chủ mà vật liệu làm nhà có thể tốt hơn. Cầu thang lên nhà cũng được làm khá đơn giản, thang dài hay ngắn tuỳ thuộc vào độ cao của nhà sàn. Khi leo lên tới bậc thang cuối cùng thường có tay vịn hình đôi bầu sữa mẹ trên cùng, đây là dấu hiệu chứng tỏ chế độ mẫu hệ theo phong tục truyền thống của người bản địa đề cao vai trò của người phụ nữ trong gia đình.
Lên hết cầu thang là tới hiên nhà, nơi này thường được chừa ra một khoảng không rộng rãi, xung quanh được rào bằng những thanh chắn bằng ván gỗ. Đây là nơi để mọi người trong nhà ngồi sinh hoạt, đan lát hay làm những công việc thường nhật tại khoảng rộng mát mẻ này. Dưới chân nhà sàn, nhiều hộ gia đình xếp những chồng củi ngay ngắn dự trữ để dùng dần. Nhà nào nhiều củi, xếp đẹp, thẳng thớm chứng tỏ phụ nữ trong nhà rất đảm đang, tháo vác, bởi hằng ngày, việc chặt củi thu gom về là công việc chính của người phụ nữ theo phong tục của buôn làng từ xưa đến nay.
Cụ bà Jrai bên hiên nhà dài.
Ngày trước, ngôi nhà sàn sẽ ngày càng nối dài hơn khi có con cái lập gia đình, ban đầu có thể chỉ có một gian, khi ngày càng đông con cháu sẽ tiếp tục cơi nới thêm nhiều gian nữa. Các thế hệ sẽ cùng sinh sống quần tụ chan hoà cùng nhau nhằm tăng thêm tình cảm trong gia đình. Hiện nay, có nhiều gia đình đã cho con cái ra ở riêng khi lập gia đình mới giống như người Kinh, vì vậy phần nhiều chỉ còn từ một đến hai thế hệ cùng sinh sống trong nếp nhà dài.
Vùng đất Krông Pa nhiều nắng gió nằm về phía Đông Nam của tỉnh Gia Lai ngoài những địa danh gắn liền với lịch sử cùng các danh thắng hấp dẫn, và những ngôi nhà sàn dài độc đáo đã tạo nên nét văn hoá hoá đặc trưng trong cộng đồng dân tộc sinh sống trên miền đất này.
Võ Thanh Thảo