Di tích Nhà lao Pleiku nằm trên đường Thống Nhất, thuộc phường Ia Kring, thành phố Pleiku. Nhà lao Pleiku được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) công nhận Di tích Lịch sử quốc gia tại Quyết định số 321/QĐ-BT ngày 12 tháng 12 năm 1994.
Ảnh Internet
Nhà lao Pleiku có diện tích 5.200m2 , phía Bắc giáp Nhà khách Công an tỉnh, phía Nam giáp khu dân cư, phía Tây giáp trường Trung học phổ thông chuyên Hùng Vương, phía Đông giáp đường Thống Nhất (cổng vào khu di tích).
Năm 1925, thực dân Pháp xây dựng Nhà lao Pleiku. Tại thời điểm đó, nhiều nhà quân sự cả ta và địch đều nói nắm được Tây Nguyên là khống chế được toàn bộ chiến trường miền Nam Đông Dương, người Pháp đã hiểu rát rõ điều đó nên sau khi xâm lược Việt Nam họ đã tiến lên Tây Nguyên thiết lập hệ thống cai trị người bản địa và xây dựng một nhà tù khét tiếng dùng để giam hãm và trừng trị những người chống lại chính quyền bảo hộ để độc chiếm Tây Nguyên, Nhà lao Pleiku ra đời với mục đích đó.
Cuối năm 1956, thực dân Pháp rút lui, chúng chuyển giao cho chính quyền tay sai Mỹ. Chế độ Mỹ và chính quyền Sài Gòn tiếp tục sử dụng Nhà lao Pleiku để giam giữ những chiến sĩ cách mạng. Mỹ-Diệm tiến hành chính sách tố cộng, diệt cộng nhằm đánh phá cơ sở chính trị, tiêu diệt phong trào cách mạng miền Nam, bắt bớ, giam cầm đày ải những đảng viên cộng sản và những người kháng chiến cũ. Do đó, cấu trúc xây dựng của Nhà lao Pleiku có thay đổi qua các thời kỳ.
Hiện nay, di tích Nhà lao Pleiku còn lại là dãy nhà giam chính gồm 5 phòng: phòng 1 và phòng 2 giam những người tù chính trị, phòng 3 giam tù thường phạm, phòng thứ 4 là giam tù thường phạm và binh lính đào ngũ, phòng thứ 5 giam tù chính trị nguy hiểm nhất (những người cộng sản). Riêng phòng số 5, trong vòng 50 m2 chia thành 2 dãy có 8 xà lim, mỗi xà lim được chia thành 2 tầng ván, mỗi tầng rộng 1,6m, dài 2m, trong số đó có 2 xà lim chẹt chỉ rộng khoảng 0,5m. Người tù chúng coi là bị cứng đầu bị nhốt nằm ở trong nhưng chân bị treo ra ngoài lỗ cửa lâu lâu cai tù lại lấy dùi cui đập vào gang bàn chân, lấy mũi kim đâm vào đầu 10 ngón tay. Người tù bị nhốt bên trong những phòng này thường xuyên bị ngất xỉu vì thiếu không khí để thở và bị tra tấn bằng nhiều hình thức dã man, tàn độc.
Mặc dù bị giam cầm và tra tấn dã man nhưng những người cộng sản đã không lùi bước. Tháng 6-1948, Chi bộ đầu tiên đã được thành lập ngay trong chính nhà lao của kẻ thù, do đồng chí Lương Tân làm Bí thư. Đây là một sự kiện hết sức quan trong, cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của phong trào đấu tranh cách mạng và sự lớn mạnh của tổ chức đảng ở Gia Lai. Chiều ngày 15/3/1975, tù chính trị nổi dậy giải phóng nhà lao, chấm dứt 50 năm kìm kẹp của chế độ nhà tù đế quốc.
Ảnh Internet
Nhà lao Pleiku là một trong những “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho Nhân dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Nhiều tổ chức đảng, Đoàn Thanh niên đã chọn nơi này để tổ chức sinh hoạt, kết nạp đảng viên, đoàn viên và gặp gỡ, nghe các bác cựu tù kể chuyện. Nhà lao Pleiku là điểm du lịch độc đáo hấp dẫn thu hút nhiều khách du lịch tìm hiểu về một giai đoạn đau thương và rất đỗi hào hùng của những người cộng sản kiên trung.
(Nguồn: Trung tâm Văn hoá, Thông tin và Thể thao thành phố Pleiku)
Nguồn: https://svhttdl.gialai.gov.vn/News/Details.aspx?id=MjkzOA==&idtype=Mg==