Năm 2024, 6/8 xã, thị trấn của huyện Đak Pơ phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức 10 phiên giao dịch việc làm thu hút 1.583 lượt người tham gia. Trong năm, huyện cũng đã giải quyết việc làm, tự tạo việc làm cho 1.850 lượt lao động là người DTTS.
Yang Bắc là xã tiên phong trong công tác hướng nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động. Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Hvư cho hay: Từ năm 2022 đến nay, xã phối hợp với các đơn vị liên quan tư vấn cho 3 trường hợp đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài hợp đồng.
Ngoài ra, xã thường xuyên hướng nghiệp cho lao động người DTTS theo học nghề xây dựng, trồng rau an toàn, chăn nuôi…; phối hợp với các hội, đoàn thể hướng nghiệp cho học sinh lớp 9 và 12 nhằm giúp các em có định hướng về nghề nghiệp trong tương lai.
“Việc đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, các tổ chức chính trị-xã hội và người lao động về vai trò của giáo dục nghề nghiệp đối với sự phát triển kinh tế-xã hội. Vì thế, chúng tôi luôn đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền để phù hợp với các đối tượng như: nông dân, phụ nữ, thanh niên nông thôn, bộ đội xuất ngũ…
Đồng thời, chúng tôi vừa tổ chức đào tạo nghề vừa trang bị kỹ năng sống để lao động trẻ tự tin và hòa đồng với môi trường làm việc chuyên nghiệp hơn”-Phó Chủ tịch UBND xã Yang Bắc thông tin thêm.
Sau khi học xong lớp 12, chị Đinh Thị Dởi (làng Jro Ktu Đak Yang, xã Yang Bắc) được địa phương vận động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Chị Dởi đã chọn Ả Rập Xê Út để xuất khẩu lao động. Đây cũng là thị trường lao động phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân, khi đi được hỗ trợ thêm 5 triệu đồng từ công ty và có mức lương ổn định khoảng 10 triệu đồng/tháng.
Thời hạn hợp đồng làm việc là 2 năm, song có thể gia hạn thêm 1 năm, tạo cơ hội làm việc lâu dài cho người lao động. Chị Dởi đang làm giúp việc với mức lương cơ bản 10 triệu đồng/tháng cho một gia đình ở Ả Rập Xê Út.
Ông Chuyên-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Jro Ktu Đak Yang-nhìn nhận: “Tư vấn, hướng nghiệp cho lao động người DTTS là hoạt động rất cần thiết, giúp họ nâng cao nhận thức về lao động, việc làm. Hơn nữa, qua tuyên truyền, người lao động được tiếp xúc trực tiếp với các đơn vị, doanh nghiệp, từ đó sẽ có định hướng, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm phù hợp với bản thân”.
Còn theo bà Triệu Thị Luyến-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ya Hội: Thời gian qua, công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp cho phụ nữ người DTTS đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Nhiều chị tự nguyện đăng ký học nghề để nâng cao trình độ sản xuất. Năm 2024, Hội phối hợp với các đơn vị mở 2 lớp đào tạo nghề thu hút 70 học viên tham gia.
Sau 3 tháng tham gia lớp học nghề chăm sóc, phòng bệnh cho gà, chị Hoàng Thị Sào (làng Mông, xã Ya Hội) đã phát triển đàn gà của gia đình lên hàng trăm con. Không chỉ nuôi gà thịt, chị còn nuôi gà lấy trứng.
Chị chia sẻ: “Sau khi được cán bộ xã cung cấp thông tin về các lớp học nghề, tôi đã mạnh dạn đăng ký tham gia. Trong quá trình học, tôi được giảng viên Trường Cao đẳng Gia Lai chỉ dạy, hướng dẫn tận tình.
Hiện nay, tôi đã biết chăm sóc gà từ khâu chuẩn bị thức ăn cho đến tiêm vắc xin phòng bệnh. Nhờ thế, đàn gà khỏe mạnh, lớn nhanh, ít bị dịch bệnh”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ khẳng định: Công tác tuyên truyền và tư vấn, định hướng nghề nghiệp giúp cho người lao động và học sinh trên địa bàn huyện có cái nhìn rõ ràng hơn về cơ hội việc làm cũng như yêu cầu của thị trường lao động. Các đơn vị đã cung cấp khá đầy đủ thông tin về ngành nghề, xu hướng phát triển nghề nghiệp, kỹ năng cần thiết để thành công trong công việc.
Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tư vấn, cung cấp thông tin thị trường lao động và hỗ trợ việc làm cho người lao động nhằm nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS.
Nguồn: https://gialai.gov.vn/tin-tuc/dak-po-huong-nghiep-va-tao-viec-lam-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so.81278.aspx