Sau khi tốt nghiệp lớp 12, chị HNgoi (SN 2004, làng Groi Wết, xã Glar) lựa chọn học nghề. Sau 3 năm học nghề may tại Trường Cao đẳng Gia Lai, chị HNgoi được một công ty may ở TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) tuyển vào làm việc.
Chị chia sẻ: “Với mức lương khởi điểm 14 triệu đồng/tháng, cuộc sống của tôi tương đối đảm bảo. Tôi sẽ cố gắng học hỏi thêm kinh nghiệm trong quá trình làm việc để nâng cao tay nghề và đạt thu nhập cao hơn”.
Còn anh Bôk (làng O Đeh, xã Ia Pết) cũng được chính quyền địa phương tạo điều kiện tham gia lớp học nghề xây dựng vào năm 2020. Sau khi hoàn thành khóa học, anh cùng với một số thanh niên trong làng thành lập đội xây dựng công trình dân dụng.
Anh Bôk cho biết: “Khi xã phối hợp với Trường Cao đẳng Gia Lai mở lớp đào tạo nghề xây dựng, tôi đã đăng ký học. Sau khi học xong, tôi có tay nghề vững vàng, áp dụng vào thực tế công việc và có nguồn thu nhập ổn định. 7 thanh niên khác trong làng cũng vậy”.
Nhiều thanh niên DTTS ở xã Ia Pết học nghề tại Trường Cao đẳng Gia Lai. Ảnh: Đ.Y |
Ngoài lớp học nghề lao động nông thôn, xã Ia Pết hiện có 11 thanh niên người DTTS đang tham gia học nghề cơ khí, hàn, điện công nghiệp tại Trường Cao đẳng Gia Lai. Anh Siu Luy-Bí thư Đoàn xã Ia Pết-cho biết: Để thanh niên có việc làm, thu nhập ổn định thì con đường ngắn nhất là học nghề. Vì thế, sau khi học sinh kết thúc kỳ thi tốt nghiệp lớp 9 hay lớp 12, chúng tôi đến từng nhà vận động các em đi học tiếp. Trong đó, nhiều thanh niên đồng ý tham gia học nghề. Chúng tôi phối hợp với Trường Cao đẳng Gia Lai hỗ trợ họ làm thủ tục nhập học và giải quyết các chế độ, quyền lợi.
“Đối với trường hợp bỏ học về nhà, chúng tôi đến vận động, thuyết phục và đưa các em trở lại trường. Chính điều đó đã góp phần giúp cho số thanh niên DTTS trong xã theo học nghề ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng lên theo từng năm. Hiện toàn xã có 1.701 thanh niên trong độ tuổi lao động, trong đó, tỷ lệ đã qua đào tạo nghề đạt 86,48%”-Bí thư Đoàn xã Ia Pết cho biết thêm.
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề
Trên thực tế, việc đào tạo nghề cho thanh niên DTTS đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Từ đó, nhiều thanh niên DTTS đã tìm được việc làm với mức thu nhập ổn định. Bà Nguyễn Đinh Thị Mỹ Lai-Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện-cho hay: Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, chú trọng theo nhu cầu sử dụng của xã hội, tạo sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp và thị trường lao động.
Bên cạnh đó, Trung tâm chú trọng cơ cấu, trình độ ngành nghề đào tạo, tăng thời gian thực hành, nhất là thực hành tại cơ sở sản xuất để giúp học viên nâng cao kỹ năng, làm quen với môi trường làm việc.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Nga-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện: Những kết quả đạt được trong công tác đào tạo nghề cho thanh niên người DTTS đã góp phần tạo việc làm và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đến nay, toàn huyện đã có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới; đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo còn 8,26%; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 56 triệu đồng/năm.
Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện nhấn mạnh: “Thời gian tới, Phòng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; các chính sách hỗ trợ về học nghề, tạo việc làm.
Đồng thời, phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể và UBND các xã, thị trấn rà soát nhu cầu học nghề của người lao động cũng như vận động thanh niên người DTTS tham gia các lớp đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động. Đặc biệt, Phòng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các cơ sở đào tạo nghề và kết nối các doanh nghiệp nhằm tạo việc làm cho người lao động đã được đào tạo nghề”.
Nguồn: https://gialai.gov.vn/tin-tuc/dak-doa-chu-trong-dao-tao-nghe-cho-thanh-nien-dan-toc-thieu-so.80384.aspx