Ông Lê Quang Toản-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Kênh-cho biết: Toàn xã có 7 thôn, làng với 1.021 hộ. Trên địa bàn xã có 2 hồ tự nhiên là hồ Ia Se và hồ Ia Nao tạo nên nét đặc trưng riêng.
Cùng với đó, văn hóa cồng chiêng và các lễ hội truyền thống ở đây vẫn còn được đồng bào dân tộc Jrai lưu giữ. Qua thống kê, trên địa bàn xã hiện còn 17 bộ cồng chiêng. Bên cạnh đó, đồng bào dân tộc thiểu số còn lưu giữ một số loại nhạc cụ như: đàn goong, t’rưng để phục vụ cho các lễ hội như pơ thi, mừng lúa mới, cúng giọt nước.
Ngoài ra, bà con còn lưu giữ một số nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, đan lát, tạc tượng…
“Từ những lợi thế đó, có thể thấy xã Ia Kênh phù hợp với các mô hình du lịch trải nghiệm về nông nghiệp và văn hóa, trong đó có văn hóa cồng chiêng”-ông Toản cho hay.
Người dân làng Thong Ngó (xã Ia Kênh) biểu diễn cồng chiêng tại Ngày hội văn hóa các dân tộc xã Ia Kênh. Ảnh: Lê Nam |
Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 16-8-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Pleiku khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của thành phố giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, xã Ia Kênh đã chọn làng Nhao 1 và làng Mơ Nú để phát triển mô hình du lịch cộng đồng.
Ông Byup-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Nhao 1-cho biết: Đầu năm 2021, làng Nhao 1 được UBND TP. Pleiku công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Những năm gần đây, bà con đã mạnh dạn chuyển đổi những loại cây trồng kém hiệu quả sang cây ăn quả; đồng thời, tập trung sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa như: trồng rau màu, mía tím và chăn nuôi bò, heo sinh sản… Nhờ đó, đời sống của người dân đã được nâng cao.
“Bên cạnh phát triển kinh tế, dân làng vẫn còn lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của người Jrai như: dệt thổ cẩm, đan lát, lễ cầu mưa, mừng lúa mới, lễ bỏ mả. Ngoài ra, bà con rất thân thiện, sẵn sàng hướng dẫn du khách trải nghiệm, tìm hiểu bản sắc văn hóa truyền thống và thưởng thức ẩm thực của người Jrai. Đây là tiềm năng để làng Nhao 1 phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm”-ông Byup chia sẻ.
Gắn bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch cộng đồng
Hiện nay, mô hình du lịch trải nghiệm gắn với giáo dục đang thu hút sự quan tâm của nhiều du khách. Tại làng Nhao 1, Hợp tác xã Nông nghiệp và du lịch Ia Kênh đã chủ động triển khai mô hình này từ tháng 4-2023 với tên gọi Zin’s Farm.
Anh Đặng Thành Dư-Giám đốc Hợp tác xã-cho hay: Trên diện tích gần 6 ha, chúng tôi bố trí thành nhiều khu để trồng các loại hoa, cây ăn quả, đặc biệt là khu vực dành cho du khách ngồi uống cà phê với khung cảnh xanh ngát, ngắm nhìn núi Hàm Rồng, vườn cà phê, cánh đồng lúa.
Hợp tác xã còn liên kết với các hộ dân canh tác lúa nước, cây công nghiệp, cây ăn quả, mía tím, bắp trên diện tích hơn 20 ha để phát triển mô hình du lịch trải nghiệm gắn với giáo dục.
Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, Zin’s Farm đã thu hút hơn 100 ngàn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng và thưởng thức ẩm thực. Ngoài ra, Zin’s Farm còn tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa-văn nghệ để phục vụ du khách.
Một góc Zin’s Farm của Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Ia Kênh (làng Nhao 1, xã Ia Kênh). Ảnh: L.N |
Trao đổi với P.V, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Kênh thông tin thêm: Những năm gần đây, du lịch cộng đồng đang là lợi thế thu hút du khách. Xác định được điều đó, UBND xã tập trung khai thác lợi thế về phong cảnh thiên nhiên cũng như sự phong phú, đa dạng về văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc bản địa.
Đồng bào Jrai chung tay gìn giữ, tôn tạo nhà rông, giọt nước, văn hóa cồng chiêng trở thành điểm nổi bật để thu hút đầu tư và phát triển du lịch.
“Đến năm 2025, xã phấn đấu cơ bản hình thành mô hình du lịch cộng đồng. Đến năm 2030, các mô hình du lịch này sẽ bước đầu phát triển ổn định, có các sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, thân thiện với môi trường, từ đó có sự đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng, phát triển thành phố”-ông Toản nhấn mạnh.