Ông Lê Hồng Thịnh-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Trang Thịnh Gia Lai (thôn 5, xã Gào, TP. Pleiku) cho biết: “Hiện nay, giá cà phê nhân vẫn đang neo ở mức 100 ngàn đồng/kg. Mức giá này cao gấp 3 lần so với các năm gần đây. Theo dự báo thị trường cuối năm, nhiều khả năng giá cà phê duy trì từ khung giá này trở lên”.
Cũng theo ông Thịnh, 3 năm gần đây, diện tích cà phê bị thu hẹp một phần do tác động của đợt sốt đất nông nghiệp. Trong khi đó, các vườn đầu tư trồng mới thì chưa đến giai đoạn thu hoạch. Tuy nhiên, nhờ nguồn khách hàng truyền thống ổn định nên Công ty đảm bảo sản lượng cà phê thu mua trong niên vụ.
Các tháng cuối năm cũng là thời điểm thuận lợi để những hộ sản xuất thực phẩm tăng doanh số bán hàng. Bà Nguyễn Thị Thanh Yến-Chủ hộ kinh doanh khô bò Chị Ba (154 Phù Đổng, TP. Pleiku) chia sẻ: “Mặt hàng khô bò cũng gặp một số áp lực cạnh tranh về giá và nguồn cung. Song, sức mua hiện vẫn giữ mức ổn định. Vào các tháng cuối năm, nhu cầu mua sắm thường tăng gấp đôi, gấp ba so với các tháng khác nên tôi đã lên lịch sản xuất hàng cho thị trường tiêu dùng và quà biếu”.
Với kinh nghiệm sản xuất thực phẩm lâu năm, bà Yến luôn theo sát tình hình thị trường để chủ động từ khâu nhập nguyên liệu, chế biến. Số lượng các mặt hàng khô bò tiêu thụ đến đâu thì chủ động nối lịch sản xuất đến đó để hàng luôn đảm bảo chất lượng.
Từ hiệu ứng về giá các mặt hàng nông sản chủ lực, tình hình sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục khởi sắc về cuối năm. Ông Nguyễn Ngọc Thanh-Chủ đại lý kinh doanh phân bón Thành Lai (thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh) cho hay: “Năm nay, giá các mặt hàng nông sản chủ lực như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng tăng cao nên bà con nông dân rất phấn khởi, đầu tư chăm sóc tốt hơn so với mấy năm trước.
Nhu cầu đầu tư lẫn sức mua tăng mạnh kéo theo hoạt động kinh doanh vật tư phân bón tốt hơn. Chúng tôi luôn sẵn sàng nguồn hàng để phục vụ bà con nông dân”.
Thời gian qua, ngành Ngân hàng luôn tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp và người dân về nguồn vốn tín dụng, cung cấp dịch vụ ngân hàng kịp thời, nhanh chóng. Trong 9 tháng qua, tổng nguồn vốn huy động của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đạt 64.000 tỷ đồng, tăng 13,58% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 5,86% so với đầu năm. Tổng dư nợ cho vay đạt 116.000 tỷ đồng, tăng 6,43% so với cùng kỳ năm trước, bằng 99,4% so với đầu năm.
Hiện nay, chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp có tổng dư nợ đạt 7.759 tỷ đồng với 256 khách hàng; chương trình tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa theo ngành kinh tế có dư nợ đạt 19.111 tỷ đồng với 1.750 khách hàng; chương trình bình ổn thị trường dư nợ đạt 1.127 tỷ đồng; cho vay ngắn hạn đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực kinh tế ưu tiên dư nợ đạt 933 tỷ đồng với 51 khách hàng…
Ông Nguyễn Hữu Nghị-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh-đánh giá: “Về tổng thể, kết quả hoạt động ngân hàng đã phản ánh sự khởi sắc của kinh tế. Với nguồn vốn dồi dào, các ngân hàng thương mại chủ động tìm kiếm khách hàng tốt, dự án khả thi và triển khai các gói cho vay ưu đãi ngắn hạn để kích cầu tăng trưởng tín dụng”.
Quý IV cũng là thời điểm nhu cầu lẫn khả năng hấp thu vốn tín dụng của nền kinh tế ở mức cao. Việc ưu tiên nguồn vốn cho các ngành, lĩnh vực kinh tế gắn với phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương cũng là cơ hội để tăng tốc sản xuất mùa cao điểm cuối năm.
Nguồn: https://gialai.gov.vn/tin-tuc/doanh-nghiep-tang-toc-san-xuat-kinh-doanh-dip-cuoi-nam.80694.aspx