Giá bánh tầm trung bán chạy
Năm nay, các thương hiệu bánh Trung thu nổi tiếng như Kinh Đô, Kido, Yến sào Khánh Hoà, Bibica, Hữu Nghị, Mesa… đã tung ra thị trường nhiều vị bánh mới của các dòng bánh truyền thống, bánh hiện đại, bánh ăn kiêng, ăn chay. Bên cạnh sự đổi mới về khẩu vị theo xu hướng giảm ăn ngọt, các hãng cũng sản xuất nhiều hương vị bánh khác nhau để tạo sự mới mẻ như bánh tiramisu, oreo, phô mai chảy, lava trứng chảy, hải sâm, đông trùng hạ thảo, hạt chia… Đến thời điểm này, thị trường ghi nhận sức mua tăng mạnh ở phân khúc giá bánh bình dân, từ 220-360 ngàn đồng/hộp 4 cái. Còn những mẫu bánh hộp có giá từ 700 ngàn đồng trở lên thì hầu như không có người mua như những năm trước. Bên cạnh đó, khách hàng cũng không còn chú trọng nhiều đến việc phải mua mẫu mã hộp quà đẹp, thay vào đó chỉ chú trọng vào chất lượng bánh để tiết giảm chi phí.
Mặc dù giá nguyên liệu có tăng nhưng bánh Mesa vẫn giữ ổn định giá bán lẻ như năm ngoái. Ảnh: V.T |
Chị Phạm Thị Thảo Nguyên-đại diện Cửa hàng bánh Tam Ba (117 Trần Phú, TP. Pleiku) cho hay: “Bánh Trung thu thương hiệu Mesa của Tam Ba chính thức mở bán tại cửa hàng từ đầu tháng 8 Âm lịch. Trước đó, hàng đã được sản xuất và đưa đi tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tới thời điểm này, cửa hàng đã tiêu thụ được khoảng 53.000 bánh, hầu hết là bán cho khách sỉ, còn lượng khách lẻ mới bắt đầu mua nhiều trong 3 ngày gần đây và tập trung ở phân khúc giá trung bình. Năm nay, mặc dù giá nguyên liệu có tăng nhưng bánh Mesa vẫn giữ ổn định giá bán lẻ như năm ngoái. Đặc biệt, hương vị bánh vẫn được các thợ bánh người gốc Hoa giữ nét truyền thống nên được khách hàng ưa chuộng”.
Dù không có đa dạng dòng bánh bằng các thương hiệu khác, nhưng Yến sào Khánh Hòa vẫn có một lượng khách hàng tương đối ổn định trong nhiều năm nay. Chị Bùi Thị Lành-Cửa hàng trưởng Cửa hàng Yến sào Khánh Hòa (19 Phan Bội Châu, TP. Pleiku) cho biết: “Mùa Trung thu năm nay Công ty đưa ra thị trường 10 dòng bánh, đi cùng đó mẫu mã, quy cách đóng gói vẫn không có gì thay đổi để tập trung vào chất lượng bánh phục vụ khách hàng. Khoảng 1 tuần nay, khách hàng mua rất nhiều, dự kiến chừng 2-3 ngày nữa chúng tôi sẽ hết hàng”.
Càng gần đến ngày rằm tháng 8, người dân thị xã An Khê mua bánh Trung thu nhiều hơn. Ảnh: Ngọc Minh |
Những ngày này, không khí mua sắm các loại bánh trung thu tại các huyện, thị xã phía Đông tỉnh cũng diễn ra rộn ràng. Chị Võ Thị Ngọc Hà-chủ quầy bánh Trung thu Kinh Đô (phường Tây Sơn, thị xã An Khê) chia sẻ: “Khách hàng bắt đầu mua bánh từ rằm tháng 7 Âm lịch, và đến nay sức mua đang tăng mạnh. Nhiều công ty, doanh nghiệp, ngân hàng bắt đầu mua bánh làm quà tặng cho nhân viên, tổ chức Trung thu cho con em cán bộ, công nhân viên. Lâu nay, các dòng sản phẩm bánh nướng, bánh dẻo của Kinh Đô luôn được khách hàng tin dùng. Năm nay, cùng với nhiều loại bánh, mẫu mã, chủng loại khác nhau, Công ty sản xuất thêm 3 sản phẩm mới với thiết kế hiện đại, sang trọng rất thích hợp làm quà biếu, như mẫu Thu đoàn viên với 6 bánh có giá 480 ngàn đồng/hộp; Trăng vàng nguyệt ánh như ý có giá 790 ngàn đồng/hộp 8 bánh và Trăng vàng nguyệt ánh cát tường có giá 650 ngàn đồng/hộp 6 bánh”.
Ngoài các loại bánh trung thu của những thương hiệu lớn, thị trường bánh handmade tại các cơ sở sản xuất nhỏ cũng sôi động hơn mọi năm. Chị Trương Thị Như Ý-Chủ tiệm bánh kem Như Ý (thị trấn Kbang, huyện Kbang) cho hay: Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, mỗi dịp Trung thu tôi đều làm bánh nướng, bánh dẻo với các loại nhân như xá xíu, thập cẩm, hải sản, đậu đỏ, lá dứa, sầu riêng, đậu xanh, dừa, khoai môn. Mỗi bánh có giá 30-60 ngàn đồng/cái. Tiệm cũng sắp xếp nhiều loại bánh chung 1 hộp để khách có thể thưởng thức đa dạng hương vị, giá bán dao động 170-300 ngàn đồng/hộp. Những ngày này, các thợ bánh của tiệm đang tất bật làm để trả đơn cho khách hàng.
Là khách hàng của tiệm bánh kem Như Ý, mỗi dịp Trung thu, chị Hoàng Thị Ngân (thị trấn Kbang, huyện Kbang) đều đặt mua khoảng 6 hộp bánh nướng, bánh dẻo để biếu người thân, bạn bè và gia đình sử dụng. “Trước đây, tôi thường mua các sản phẩm bánh Trung thu của những thương hiệu có uy tín nhằm tránh bị ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng tới sức khỏe. Sau này, biết đến tiệm bánh kem Như Ý có cung cấp các sản phẩm bánh Trung thu nhà làm, tôi chuyển hẳn sang mua bánh tại đây. Bánh thơm ngon, mềm dẻo, không có chất bảo quản, giá cả phải chăng. Điều tôi yên tâm nhất là người thân, bạn bè và gia đình sử dụng sản phẩm của cơ sở uy tín, có địa chỉ, xuất xứ rõ ràng”-chị Ngân chia sẻ.
Thị trường Trung thu vào mùa cao điểm. Ảnh: V.T |
Thị trường vào mùa cao điểm
Theo đánh giá của nhiều người bán, năm nay thị trường có sự khởi sắc hơn, sức mua các mặt hàng phục vụ Tết Trung thu như bánh, đồ chơi tăng mạnh từ khoảng 1 tuần nay. Kinh doanh hàng đồ chơi trẻ em hơn 10 năm nay, vào dịp Tết Trung thu, anh Nguyễn Vĩnh Phúc-chủ cửa hàng đồ chơi trẻ em tại chợ thị xã An Khê luôn nhập nhiều chủng loại đồ chơi phục vụ nhu cầu khách hàng. Anh Phúc cho biết: Bên cạnh các loại đồ chơi truyền thống như đèn ông sao, mặt nạ giấy, đầu lân, sư, rồng, trống, anh nhập gần 1.000 chiếc lồng đèn phát sáng hình tròn, hình các con vật trong phim hoạt hình. Năm nay, giá cả các mặt hàng tương đối ổn định, như đầu lân dao động 70 ngàn đồng đến 3 triệu đồng/chiếc; đèn lồng từ 10-35 ngàn đồng/chiếc; trống từ 50 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/chiếc; đèn ông sao 25-60 ngàn đồng/chiếc; mặt nạ từ 20-40 ngàn đồng/chiếc… “Đến thời điểm này, tôi đã bán được hơn 500 chiếc lồng đèn, cùng nhiều mặt hàng đồ chơi khác. Hiện đã có một số trường học, cơ quan, doanh nghiệp đến mua đồ chơi về tổ chức Tết Trung thu cho các cháu thiếu nhi. Dự kiến trong vài ngày tới sức mua sẽ tăng mạnh hơn nữa”-anh Phúc nói.
Đầu lân là món đồ chơi yêu thích của các em thiếu niên trên địa bàn thị xã An Khê dịp Tết Trung thu. Ảnh: Ngọc Minh |
Chọn mua được đầu lân vừa ý, em Hồ Hải Công Tiền (tổ 5, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) phấn khởi khoe: “Năm nay, đầu lân có nhiều kiểu dáng, màu sắc tươi tắn, đẹp hơn năm trước. Chúng em có mua thêm 1 bộ quần áo, mặt nạ ông địa cho thành viên mới. Đội lân xóm em có 10 thành viên, cứ vào dịp Tết Trung thu chúng em biểu diễn tiết mục múa lân, tạo không khí rộn ràng đón Tết Trung thu trong tổ dân phố”. Còn chị Nguyễn Thị Thu Hiền (thôn Tân Hiệp, xã Tân An, huyện Đak Pơ) đón 2 con đi học về, tranh thủ đưa con đi mua sắm đồ chơi trung thu. Chị Hiền chia sẻ: “Thấy mấy anh trong xóm tập đánh trống, múa lân rộn ràng, 2 con tôi cũng muốn mua đồ chơi như vậy. Đến cửa hàng, ngoài mua trống, đầu lân, tôi thấy đèn lồng, mặt nạ làm từ chất liệu thân thiện với môi trường, giá cả phải chăng nên mua thêm cho các cháu chơi. Tôi cũng mua mấy cặp bánh nướng, bánh dẻo biếu người thân và tổ chức cho các con đón Tết Trung thu thật vui vẻ, ý nghĩa”.
Các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra các mặt hàng phục vụ Tết Trung thu. Ảnh: ĐVCC |
Thị trường Tết Trung thu đang vào mùa kinh doanh cao điểm, để kịp thời ngăn chặn việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm, Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai đã yêu cầu các Đội Quản lý thị trường trực thuộc tăng cường công tác quản lý địa bàn, thu thập thông tin, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm.
Qua kết quả kiểm tra của một số Đội cho thấy, thị trường vẫn còn len lỏi hàng bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Các vụ điển hình như ngày 30-8, Đội Quản lý thị trường số 1 đã phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu và môi trường Công an TP. Pleiku kiểm tra đột xuất và phát hiện một hộ kinh doanh tại phường Hội Phú, TP. Pleiku đang kinh doanh 2.031 bánh trung thu, 450 bánh dăm bông, 224 bánh bông lan các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Hay trước đó, ngày 27-8, Đội Quản lý thị trường số 3 đã tiến hành kiểm tra đối với hộ kinh doanh Quang Thu (xã Ia Ga, huyện Chư Prông) và phát hiện hộ kinh doanh này đang bày bán 200 sản phẩm bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Nguồn: https://baogialai.com.vn/gia-lai-thi-truong-trung-thu-vao-mua-cao-diem-post292812.html