Ngày 3.9, thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum cho biết, 5 dự án vướng đất rừng ở tỉnh bao gồm Dự án cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 676 nối huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum với các huyện Sơn Tây, Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi (58,85 ha đất rừng);
Dự án Cụm hồ Đắk Rô Gia – Ia Tun (0,75 ha đất rừng); Dự án đường giao thông từ xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy đi huyện Kbang, tỉnh Gia Lai (13,8 ha đất rừng);
Dự án đường giao thông từ Trung tâm thị trấn Đăk Glei đến trung tâm xã Xốp (39,96 ha đất rừng) và dự án nâng cấp tuyến đường Đăk Man – Đăk Plô, huyện Đăk Glei (2,51 ha đất rừng).
Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum, số diện tích rừng nói trên buộc phải chuyển đổi mục đích để thực hiện, đẩy nhanh tiến độ dự án, tránh bị thu hồi nguồn vốn.
Hiện tỉnh Kon Tum chỉ mới có 1 dự án được phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng là dự án đường giao thông từ xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy đi huyện Kbang, tỉnh Gia Lai.
Đối với dự án này, UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt giá khởi điểm bán đấu giá tài sản là gỗ rừng tự nhiên tận dụng (đấu giá tài sản trong tình trạng cây đứng tại rừng). Khối lượng dự kiến khai thác từ 13,85 ha đất rừng đạt gần 725 m3 gỗ. Giá khởi điểm đấu giá số gỗ là 850 triệu đồng.
Đối với dự án cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 676 đã được được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Chủ đầu tư tuyến đường là Ban Quản lý các công trình dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông dân dụng và công nghiệp tỉnh Kon Tum đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp tiền trồng rừng thay thế. Tuy nhiên hiện vẫn chưa có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng cho dự án.
Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo rà soát hồ sơ, xem xét chuyển mục đích sử dụng rừng của dự án theo quy định, nhằm tăng giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội…
Tại kỳ họp thứ 7, Hội đồng Nhân dân tỉnh Kon Tum khóa XII, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Dương Văn Trang đã ký và thông qua Nghị quyết (số 57/NQ-HĐND) xác định, cần làm rõ trách nhiệm người đứng đầu “sợ sai, sợ trách nhiệm” trong thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn.
Hàng năm, Ban quản lý các dự án, chủ đầu tư, UBND huyện, thành phố… có nhận xét, đánh giá về thủ trưởng, người đứng đầu các cơ quan liên quan đến việc không hoàn thành đúng tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/nhieu-du-an-trong-diem-o-kon-tum-vuong-dat-rung-1388676.ldo