Theo dõi Báo Gia Lai trên
-
Nam miền Bắc -
Nữ miền Bắc -
Nữ miền Nam -
Nam miền Nam
(GLO)- Đào tạo nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số có ý nghĩa quan trọng, là bước chuẩn bị đường dài cho du lịch nông nghiệp thời gian tới. Du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng luôn gắn liền với tri thức bản địa và giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Gia Lai.
“Từ những nghệ nhân trước đây chỉ biết đan lát, dệt vải, những người nông dân chân chất, thật thà, họ đã trở thành hướng dẫn viên có thể thuyết minh trước du khách bằng niềm tự hào dân tộc, bằng tình yêu tha thiết với buôn làng, yêu văn hóa bản địa và khát khao bảo tồn văn hóa giữa dòng xoáy của thời gian”. Đó là cảm nhận của chị Nguyễn Thị Thúy An-Giảng viên Khoa Nghiệp vụ du lịch (Trường Cao đẳng Gia Lai) khi ngồi ghế giám khảo Hội thi hướng dẫn viên du lịch tại điểm dành cho người dân tộc thiểu số năm 2024.
Nghệ nhân thử sức làm hướng dẫn viên
17 thí sinh đến từ các làng Bahnar, Jrai nằm trong kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh mang đến hội thi những màn trình diễn thú vị. Họ giới thiệu di tích văn hóa-lịch sử, di sản thiên nhiên nơi mình sinh sống như: danh thắng Biển Hồ, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Làng kháng chiến Stơr…
Những giá trị của di sản văn hóa thế giới “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, nghề dệt thổ cẩm, đan lát truyền thống, nét đẹp kiến trúc nhà rông, nét đẹp người phụ nữ Jrai, tục cưới xin, lễ bỏ mả… được chắt lọc, giới thiệu bằng tất cả niềm tự hào và tình yêu văn hóa dân tộc.
Chị M’Lê (bìa phải, làng Wâu, xã Chư Á, TP. Pleiku) xuất sắc giành giải nhất Hội thi hướng dẫn viên du lịch tại điểm dành cho người dân tộc thiểu số. Ảnh: H.N |
Chị MLê (làng Wâu, xã Chư Á, TP. Pleiku) xuất sắc giành giải nhất hội thi với chủ đề “Làng Wâu trên con đường lưu truyền bản sắc văn hóa”. Cô gái Jrai 9X chia sẻ: “Một số thí sinh giới thiệu thắng cảnh nổi bật của địa phương. Còn làng mình không được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho cảnh đẹp nổi bật, nhưng là ngôi làng giàu bản sắc văn hóa. Mình rất tự hào khi giới thiệu những gì đời thường nhất của một làng Jrai trong phố nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa giữa nhịp sống hối hả”.
Phần giới thiệu của chị MLê thêm một lần khẳng định: Hướng dẫn viên du lịch chính là linh hồn làm cho mỗi điểm đến hấp dẫn hơn với du khách.
Đến từ vùng đất Kông Chro, cô gái Bahnar Đinh Thị Bi (làng Hle Hlang, xã Yang Trung) giới thiệu ý nghĩa của tượng gỗ dân gian. Chị chia sẻ: “Mình nghĩ muốn trở thành hướng dẫn viên tại điểm du lịch, trước tiên phải có tình yêu với vùng đất mình đang sống, ý thức được những giá trị văn hóa đang sở hữu. Khi yêu rồi sẽ muốn tìm hiểu và giới thiệu sự hiểu biết của mình với du khách bằng sự tự hào và trân trọng”.
Đó cũng là lý do chị Ksor Dịu (làng Ia Nueng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) chọn danh thắng Biển Hồ để giới thiệu trong vai trò là hướng dẫn viên. Đối với chị Dịu, đây không chỉ là điểm du lịch nổi tiếng, mà còn gắn liền với đời sống văn hóa của cư dân Jrai trên cao nguyên Gia Lai từ ngàn đời.
“Biển Hồ gắn bó với bao thế hệ người Jrai ở vùng đất này, trong đó có tuổi thơ của tôi. Người già nào cũng có thể kể cho bạn nghe sự tích “Đôi mắt Pleiku”. Hội thi là cơ hội để tôi thử sức, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm để trở thành một hướng dẫn viên tại điểm, góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa qua con đường du lịch”-chị tâm sự.
Hướng dẫn viên du lịch người dân tộc thiểu số giới thiệu du lịch cộng đồng Mơ H’ra-Đáp. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Anh Si (làng Đê Kjiêng, xã Ayun, huyện Mang Yang) là nghệ nhân đan lát. Lần đầu tiên thử sức trong vai trò hướng dẫn viên, anh không khỏi bỡ ngỡ. Anh cho hay: “Làng Đê Kjiêng cách Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh 4 km, có nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng. Mình muốn thử sức để học hỏi kinh nghiệm, nghe ban giám khảo góp ý xem cần hoàn thiện những gì để trở thành hướng dẫn viên du lịch, giới thiệu vẻ đẹp và giá trị văn hóa cho du khách. Sau này, mình sẽ truyền đạt lại những gì học hỏi được cho bà con”.
Những “hạt nhân” của du lịch nông thôn
Hầu hết thí sinh tham gia hội thi đến từ các ngôi làng nằm trong kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh. Giảng viên Nguyễn Thị Thúy An chia sẻ: “Các thí sinh ít nhiều đều được đào tạo, tập huấn về du lịch cộng đồng. Từ những nghệ nhân trước đây chỉ biết đan lát, dệt vải, những người nông dân chân chất, thật thà, họ đã trở thành những hướng dẫn viên có thể thuyết minh trước khách du lịch bằng niềm tự hào dân tộc, bằng tình yêu tha thiết với buôn làng, yêu văn hóa bản địa và khát khao bảo tồn văn hóa giữa dòng xoáy của thời gian.
Chúng tôi chưa làm được gì to tát cho sự phát triển của các làng du lịch cộng đồng nhưng mỗi ngày đều đã và đang cố gắng gieo mầm cho sự phát triển ấy”.
Sự hiểu biết về văn hóa của hướng dẫn viên người dân tộc thiểu số sẽ làm tăng sức hút cho các điểm du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng. Ảnh: H.N |
Dưới góc độ của người làm du lịch chuyên nghiệp, anh Hoàng Phương-Giám đốc Công ty Truyền thông du lịch Le Pleiku (TP. Pleiku), thành viên Ban giám khảo-cho hay: “Điểm du lịch có hấp dẫn với du khách hay không phụ thuộc rất nhiều vào hướng dẫn viên, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên người dân tộc thiểu số. Họ có sự chân chất, mộc mạc, hiểu biết về văn hóa của mình nên khiến câu chuyện tăng sức hút với du khách.
Để du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn trở thành những sản phẩm hấp dẫn cần tạo cơ hội nhiều hơn để những người tham gia làm du lịch có cơ hội cọ xát thực tế, bổ sung tính chuyên nghiệp. Và không chỉ hướng dẫn viên mà nên mở rộng thêm nhiều đối tượng khác”.
Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 với quyết tâm đưa du lịch vùng nông thôn phát triển tương xứng với tiềm năng. Trong đó, chuẩn bị nguồn nhân lực là nhiệm vụ quan trọng để làm nên thành công cho loại hình du lịch mới mẻ này.
Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã tổ chức một số lớp bồi dưỡng nâng cao nhận thức về du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng. Sở cũng mời các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp, phối hợp với cơ sở đào tạo tổ chức bồi dưỡng nâng cao kỹ năng lực lượng lao động tham gia làm du lịch cộng đồng.
Đào tạo nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số có ý nghĩa quan trọng, là bước chuẩn bị đường dài cho du lịch nông nghiệp thời gian tới. Du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng luôn gắn liền với tri thức bản địa và giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Gia Lai.
Giảng viên Nguyễn Thị Mỹ Linh-Trưởng khoa Nghiệp vụ du lịch: “Đây là lần đầu tiên Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với Trường Cao đẳng Gia Lai tổ chức hội thi hướng dẫn viên du lịch tại điểm dành cho người dân tộc thiểu số. Các thí sinh đều thể hiện sự sáng tạo trong cách giới thiệu các điểm du lịch và truyền tải các giá trị văn hóa truyền thống của người Jrai, Bahnar. Họ có kiến thức, có tình yêu với văn hóa, lịch sử nơi mình sinh sống, đồng thời thể hiện niềm đam mê và nhiệt tình trong công việc của hướng dẫn viên du lịch. Điều này giúp họ truyền đạt thông tin một cách chính xác và hấp dẫn. Họ là những “hạt giống” quý cho du lịch cộng đồng tại Gia Lai”.
Nguồn: https://baogialai.com.vn/nhung-hat-giong-quy-cua-du-lich-nong-thon-post284553.html