Nguồn lực tạo tiền đề cho giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS
Huyện Chư Pưh (Gia Lai), có 53 thôn, làng người đồng bào DTTS, với gần 48 nghìn nhân khẩu, chiếm hơn 55,5% dân số toàn huyện. Những năm qua, nhờ nguồn vốn từ các chương trình, dự án chính sách dân tộc và các Chương trình MTQG đã giúp thay đổi diện mạo vùng nông thôn, cuộc sống người dân ngày một cải thiện, nâng cao.
Điển hình như thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), từ năm 2022 đến nay, huyện Chư Pưh đã triển khai hỗ trợ cho 118 hộ xây dựng nhà ở, với tổng kinh phí 3,28 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng các công trình nước sinh hoạt phân tán cho 149 hộ, kinh phí 447 triệu đồng và đầu tư xây dựng 1 công trình nước sinh hoạt tập trung với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng.
Ngoài ra, hiện nay huyện cũng đang triển khai dự án sắp xếp, bố trí ổn định cho 55 hộ DTTS định cư, định canh tại làng Ia Jol và Ia Brêl (xã Ia Le), với tổng mức đầu tư hơn 46,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, triển khai xây dựng được 16 công trình giao thông cho các xã thuộc khu vực III và các thôn đặc biệt khó khăn, giúp người dân đi lại thuận lợi, an toàn…
Trưởng thôn, Người có uy tín Nay Ky (làng Tao Ôr, xã Ia Roong) phấn khởi cho biết: “Những năm gần đây, được Nhà nước, tỉnh quan tâm đầu tư, bộ mặt nông thôn của làng, xã đổi thay từng ngày, đời sống của người dân cũng được nâng lên. Điểm nổi bật đó là hệ thống đường giao thông được đầu tư giúp người dân đi lại thuận lợi, các mặt hàng nông sản cũng được tiêu thụ thuận tiện hơn, người dân vui mừng, hăng say lao động sản xuất”.
Ông Đặng Xuân Tài, Trưởng phòng Dân tộc huyện Chư Pưh thông tin: Đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đã đạt 54,08 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,43%, trong đó hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm còn 16,48%.
Cùng với Chương trình MTQG 1719, thì nguồn trợ lực từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, cùng với ý thức vươn lên thoát nghèo của người dân hiện nay, cũng đang giúp nhiều hộ thay đổi tư duy, phát triển sản xuất, thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Trước đây, gia đình ông Rơ Châm Im, làng Ngó 4, xã Ia Ka (huyện Chư Păh) thuộc diện hộ nghèo. Năm 2018, gia đình ông được chính quyền địa phương hỗ trợ 1 con bò sinh sản để đầu tư phát triển chăn nuôi, tạo sinh kế. Đến nay, gia đình ông đã có đàn bò gồm 4 con, cùng với 3 sào cà phê tái canh. Năm 2023, gia đình ông Im đã thoát nghèo.
“Nhờ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, gia đình tôi đã biết cách sản xuất, tiết kiệm chi tiêu hợp lý. Gia đình đã thoát nghèo nên ai cũng cố gắng để vươn lên làm ăn, chăm sóc đàn bò và diện tích cây trồng để có thêm thu nhập”, ông Im phấn khởi thông tin.
Theo thống kê, trong 3 năm (2021 – 2023), tỉnh Gia Lai đã phân bổ hơn 400 tỷ đồng để thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và đã giải ngân gần 115 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Nhà nước, tỉnh Gia Lai cũng thực hiện lồng ghép đầu tư từ các chương trình, dự án; triển khai thực hiện tốt các chính sách tín dụng, huy động đóng góp của người dân và các nguồn vốn hợp pháp khác để góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình trên địa bàn.
Kết quả, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 12,09% năm 2021, giảm còn 8,11% vào cuối năm 2023. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào DTTS giảm từ 25,58% năm 2021 xuống còn 17,05% vào cuối năm 2023, đạt và vượt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS bình quân trên 3%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025.
Thay đổi diện mạo nông thôn miền núi
Một trong những Chương trình MTQG đang góp phần thay đổi diện mạo buôn làng vùng nông thôn miền núi là Chương trình MTQG xây dựng NTM. Nhận thức được ý nghĩa, mục đích của Chương trình, người dân rất đồng thuận, tích cực hưởng ứng chung tay cùng chính quyền hoàn thành các tiêu chí NTM.
Điển hình như, tại xã biên giới Ia O (huyện Ia Grai), với sự chung tay của người dân, Đến nay, xã có 24km đường trục xã, liên xã đã được nhựa hoá và bê tông hoá; gần 25km đường trục thôn, đường trục làng được cứng hoá; trên 90,7% đường làng ngõ xóm không còn lầy lội vào mùa mưa. Năm 2021, xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM.
Già làng Ksor Cân, làng Dăng, xã Ia O chia sẻ: Hưởng ứng phong trào chung sức xây dựng NTM, với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, khi có chủ trương làm đường giao thông nông thôn dài gần 1 km, tôi cùng Ban Nhân dân và các đoàn thể đã vận động nhiều hộ dân tự nguyện tháo dỡ hàng rào, chặt bỏ cây cối và hiến hàng trăm mét vuông đất, đóng góp công, góp của để chung sức xây dựng đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, đi lại thuận tiện.
Ông Phan Đình Thắm, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai cho hay, để có được kết quả này, địa phương rất chú trọng công tác tuyên truyền về Chương trình, qua đó để người dân hiểu lợi ích từ xây dựng NTM, từ đó, thể hiện vai trò chủ thể tích cực đóng góp sức lao động, vật liệu, hiến đất làm công trình giao thông, thủy lợi….
Giai đoạn 2021 – 2023, tỉnh Gia Lai đã huy động gần 2.786 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong xây dựng NTM. Đến tháng 9/2023, tổng nguồn vốn huy động triển khai thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh, là gần 8.114 tỷ đồng. Qua đó, từ năm 2021 đến nay, đã có 91 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 3 địa phương cấp huyện đạt chuẩn NTM. Cùng với đó, nhiều tiêu chí đã được các địa phương hoàn thành và ngày càng tiến gần tới mục tiêu đạt chuẩn NTM
Chương trình MTQG 1719 góp phần thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS