|
Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Phú Thiện. Ảnh: Quang Tấn |
Tham gia buổi tiếp xúc còn có: bà Ayun H’Bút-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Dương Mah Tiệp-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh và huyện Phú Thiện.
Sau khi nghe đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thông báo kết quả kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, cử tri huyện Phú Thiện bày tỏ vui mừng trước những kết quả đạt được trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội của đất nước và tỉnh Gia Lai thời gian qua. Bên cạnh đồng tình, phấn khởi trước những quyết sách mà kỳ họp vừa thông qua, cử tri huyện Phú Thiện cùng nêu nhiều ý kiến, kiến nghị liên quan đến các mặt của đời sống người dân trên địa bàn.
|
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Quang Tấn |
Cử tri Phạm Thanh Thái (tổ 13, thị trấn Phú Thiện) cho rằng: Người dân chúng tôi rất vui mừng khi vừa qua, Quốc hội đã thống nhất tăng lương cơ sở lên 30%, tính từ ngày 1-7. Việc tăng lương cơ sở không những giữ chân cán bộ, công chức, giúp họ yên tâm công tác mà còn góp phần ổn định đời sống của cán bộ, công chức. Tuy nhiên, đời sống nông dân trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn, sản xuất nông nghiệp khá bấp bênh, thường xuyên gặp thiên tại, dịch bệnh, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thì thật-giả lẫn lộn; trong khi đó, nông sản làm ra thì thường bị ép giá.
Cử tri Thái mong muốn: “Tôi đề nghị các cấp chính quyền quan tâm, có giải pháp trợ giá vật tư nông nghiệp, ổn định giá nông sản, ngăn chặn tình trạng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả để đảm bảo quyền lợi cho người nông dân trên địa bàn huyện Phú thiện nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung”.
|
Cử tri Phạm Thanh Thái mong các cấp chính quyền có giải pháp ngăn chặn tình trạng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thật-giả lẫn lộn hiện nay. Ảnh: Quang Tấn |
Còn cử tri Ngô Thị Thanh Diệp-Trưởng phòng Dân tộc huyện Phú Thiện thì cho hay: Đối với nội dung hỗ trợ đất ở trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đối tượng thụ hưởng là các hộ nghèo, không có tiền đối ứng. Trong khi đó, với số tiền 44 triệu đồng được cấp từ chương trình rất khó để mua đất ở theo quy định. Đa số các hộ đều thực hiện theo hình thức chuyển nhượng trong gia đình nhưng hầu hết đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không thể thực hiện tách thửa.
“Tôi đề nghị Quốc hội xem xét tăng mức hỗ trợ đất ở và nhà ở của Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”-cử tri Diệp kiến nghị.
|
Cử tri Ngô Thị Thanh Diệp-Trưởng phòng Dân tộc huyện Phú Thiện nêu khó khăn trong triển khai hỗ trợ đất ở, nhà ở cho hộ nghèo. Ảnh: Quang Tấn |
Bên cạnh đó, cử tri huyện Phú Thiện cũng có nhiều ý kiến, kiến nghị liên quan đến các vấn đề như: tình trạng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn huyện có thái độ chưa đúng khi người dân đến giao dịch, làm việc; có tình trạng người dân, doanh nghiệp bị Văn phòng Đăng ký đất đai huyện gây khó dễ trong việc thực hiện giao dịch chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện các chương trình, dự án; những khó khăn trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo tiêu chí mới (mức độ cao, đòi hỏi nguồn lực lớn…)…
Trả lời ý kiến của cử tri, Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện Trịnh Văn Sang ghi nhận ý kiến của cử tri về những bất cập tại Văn phòng Đăng ký đất huyện. Huyện sẽ phối hợp kiểm tra xử lý trong thời gian tới, trên quan điểm tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp phát triển nhưng phải dựa trên quy định của pháp luật.
|
Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện Trịnh Văn Sang trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền. Ảnh: Quang Tấn |
Về ý kiến cán bộ, công chức huyện có thái độ không đúng mực với người dân, Chủ tịch UBND huyện ghi nhận và sẽ kiểm tra, xác minh cụ thể các trường hợp, nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm. Đồng thời, huyện sẽ tiếp tục chấn chỉnh trong toàn bộ cán bộ, công chức trên địa bàn, khi giao tiếp với người dân cần có thái độ đúng mực.
Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện cũng khẳng định: Những năm qua, huyện đặc biệt quan tâm hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong đó, rất nhiều chương trình, dự án hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất với các hợp tác xã, doanh nghiệp từ vật tư nông nghiệp đầu vào đến bao tiêu sản phẩm đầu ra.
Đồng thời, UBND huyện cũng thường xuyên chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường công tác kiểm tra, xử lý hoạt động kinh doanh, buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn nhằm ngăn chặn hàng giả, nhái, tránh gây thiệt hại cho người nông dân.
Còn bà Nguyễn Thị Phương Mai-Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cũng cho hay: Thời gian qua, Sở đã phối hợp với địa phương để triển khai một số mô hình đối với cây lúa nước. Đặc biệt, đã phối hợp xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận Gạo Phú Thiện và cùng với Hợp tác xã Nông nghiệp Chư A Thai xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm gạo Phú Thiện.
Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp triển khai các mô hình nuôi cá lồng bè trên lòng hồ Ayun Hạ; hay xây dựng các sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã và đang khẳng định được vị thế trên thị trường. Qua đó, góp phần xúc tiến, quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương, từng bước nâng cao giá trị sản xuất…
|
Các đại biểu cùng đông đảo cử tri huyện Phú Thiện tham gia buổi tiếp xúc. Ảnh: Quang Tấn |
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn ghi nhận và tiếp thu toàn bộ các ý kiến, kiến nghị hết sức tâm huyết của cử tri. Đồng thời, đánh giá cao các nội dung trả lời của lãnh đạo các sở, ngành và chính quyền địa phương thuộc thẩm quyền. Những vấn đề phát sinh ở cơ sở thì lãnh đạo huyện, các phòng, ban cần bám sát thực tiễn để kịp thời nắm bắt và giải quyết kịp thời. Ngoài ra, huyện Phú Thiện cần sớm chấn chỉnh lề lối làm việc, văn hóa nơi công sở, đảm bảo cán bộ, công chức là công bộc của Nhân dân, phải thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ của mình.
Dịp này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trao 20 suất quà cho 20 hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn huyện Phú Thiện.
|
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn huyện. Ảnh: Quang Tấn |
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đồng tình với quan điểm tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Có như vậy, mới góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, tạo được công ăn việc làm cho người lao động tại chỗ, đảm bảo ổn định cuộc sống người dân. Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ tổng hợp, rà soát toàn bộ các ý kiến của cử tri, từ đó tổng hợp kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Khẳng định Quốc hội, Chính phủ đã và đang có nhiều chính sách ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị: Huyện Phú Thiện cần tập trung triển khai tốt chương trình OCOP, tạo ra các sản phẩm đặc trưng của địa phương chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Đồng thời, chú trọng đến công tác xúc tiến, quảng bá các sản phẩm OCOP nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định. Bên cạnh đó, huyện cần chú trọng xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, nhất là phát huy hiệu quả vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn để hình thành các chuỗi liên kết sản xuất bền vững, tăng giá trị sản xuất.
Ngoài ra, tỉnh, huyện cần tổ chức thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời, rà soát, tổng hợp những vướng mắc bất cập để đề xuất với Quốc hội, Chính phủ tháo gỡ nhằm triển khai thực hiện tốt các chương trình trong giai đoạn tiếp theo, để các chính sách của Nhà nước đi vào cuộc sống.
Nguồn: https://gialai.gov.vn/tin-tuc/giai-dap-thau-dao-cac-y-kien-kien-nghi-cua-cu-tri-phu-thien.79993.aspx