Đề xuất đầu tư tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn qua tỉnh Kon Tum
Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây (đoạn Ngọc Hồi – Kon Tum – Pleiku dài khoảng 90 km) được xác định đầu tư trước năm 2030.
Ảnh minh hoạ. |
UBND tỉnh Kon Tum vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây (CT.02) đoạn qua địa bàn tỉnh Kon Tum.
Theo đó, UBND tỉnh Kon Tum đề nghị Thủ tướng xem xét, bố trí kinh phí thực hiện đầu tư tuyến cao tốc Ngọc Hồi – Kon Tum – Pleiku trong giai đoạn 2021 – 2030 theo các quy hoạch được phê duyệt.
Ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, Kon Tum nằm ở vị trí chiến lược ngã ba Đông Dương, vùng lõi khu vực tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia. Tỉnh Kon Tum có vị trí địa – chính trị, địa – kinh tế quan trọng của tuyến hành lang Đông Tây, là cửa ngõ để các nước Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar hướng đến các cảng biển khu vực Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ của Việt Nam.
Theo các quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt gồm: Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây (đoạn Ngọc Hồi – Kon Tum – Pleiku dài khoảng 90km, quy mô 6 làn xe) được xác định tiến trình đầu tư trước năm 2030.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây (đoạn Ngọc Hồi – Kon Tum – Pleiku) đảm bảo kết nối giữa các tỉnh trong vùng, liên kết khu vực Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ; kết nối thuận lợi với các cửa khẩu quốc tế đi Lào và Campuchia, tăng cường kết nối kết nối quốc tế trong khuôn khổ Hợp tác tiểu vùng Mê Công, khu vực tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia.
Công trình này còn thúc đẩy giao thương quốc tế, xuất – nhập khẩu hàng hóa và thương mại dịch vụ gắn kết hành lang kinh tế Đông – Tây của khu vực; thúc đẩy phát triển xuất khẩu hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Kon Tum nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung; đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao và phát huy lợi thế các loại hình du lịch có thế mạnh như du lịch trải nghiệm văn hóa các dân tộc, du lịch nông nghiệp cao nguyên và các loại hình nghỉ dưỡng, khám phá, sinh thái cộng đồng của các tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Trước đó, UBND tỉnh Gia Lai cũng đã có văn gửi Bộ GTVT đề xuất đầu tư tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn qua địa bàn tỉnh này.
Cụ thể, UBND tỉnh Gia Lai đề nghị Bộ GTVT quan tâm, xem xét, triển khai đồng bộ Dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây, trong đó quan tâm đầu tư các đoạn tuyến qua tỉnh Gia Lai gồm: đoạn cao tốc Ngọc Hồi (Kon Tum) – Pleiku (Gia Lai) dài 90 km, quy mô 6 làn xe; đoạn cao tốc Pleiku (Gia Lai) – Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) dài 160 km, quy mô 6 làn xe.
“Việc đầu tư các tuyến cao tốc nói trên ở giai đoạn trước năm 2030, mạng lưới hạ tầng giao thông khu vực Tây Nguyên sẽ hình thành trục vận tải cao tốc kết nối khu vực phía Tây với khu vực phía Đông, kết nối với khu vực Cảng Quy Nhơn do tuyến cao tốc Bắc Nam phía Tây kết nối với tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleiku”, lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai cho biết.