Huyện Chư Pưh có 9 xã, thị trấn; 53/74 thôn, làng người đồng bào DTTS, với 9.129 hộ/47.789 khẩu, chiếm hơn 55,5% dân số toàn huyện.
Những năm qua, nhờ nỗ lực triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách dân tộc đã thay đổi diện mạo vùng nông thôn, phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh và xây dựng Đảng theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra. 100% các tuyến đường từ trung tâm huyện đi các xã được bê tông hóa, nhựa hóa, bảo đảm giao thông thuận tiện trên địa bàn huyện; 100% thôn, làng có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; trên 95% người đồng bào DTTS sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,43%, trong đó, hộ nghèo DTTS giảm còn 16,48%.
Cùng với đó, huyện đã nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; trên 92% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; 50% thôn có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng; 90% dân số tham gia bảo hiểm y tế.
Trên 85% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc được sự trợ giúp của cán bộ y tế; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 17,8%; 70% lao động đào tạo đúng nghề, thu nhập ổn định sau đào tạo.
Các phong trào thi đua yêu nước được Cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị – xã hội các cấp phát động thu hút đông đảo đồng bào DTTS hưởng ứng, tham gia. Nhiều Bí thư chi bộ, trưởng thôn, Người có uy tín trong cộng đồng đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, củng cố khối Đại đoàn kết dân tộc…, góp phần quan trọng vào những thành tựu mà huyện đã đạt được trong giai đoạn vừa qua.
Bên cạnh kết quả đạt được, cũng còn một hạn chế như: Số hộ DTTS là hộ nghèo, cận nghèo còn chiếm tỷ lệ cao, nguy cơ tái nghèo còn cao. Chất lượng vệ sinh môi trường ở một số thôn làng DTTS còn chưa bảo đảm; tình trạng tảo hôn, phụ nữ sinh con trước 18 tuổi, các loại tội phạm trong vùng đồng bào DTTS vẫn còn xảy ra; người DTTS thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và thiếu việc làm ổn định; ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, tiềm năng chưa được khai thác đúng mức…
Tại Đại hội, các đại biểu đã tham luận, đề xuất các giải pháp tăng cường khối Đại đoàn kết các dân tộc, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, góp phần nâng cao chất lượng công tác dân tộc trong giai đoạn 2024 – 2029.
Phát biểu tại Đại hội, ông Lê Quang Thái – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh nhấn mạnh: Đại hội là sự kiện chính trị quan trọng diễn ra trong thời điểm Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đang phấn đấu, thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2024, lập thành tích thiết thực chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và Kỷ niệm 15 năm thành lập Đảng bộ huyện Chư Pưh.
Để đạt được các kết quả trên, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Chư Pưh lần thứ X nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định 6 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 Chương trình trọng tâm tập trung vào các lĩnh vực cơ bản và trọng yếu, trong việc phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng an ninh và được cụ thể hóa bằng các Nghị quyết và Chương trình hành động của Huyện ủy. Ngoài ra, Huyện ủy, UBND huyện thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai nhiều chương trình, chính sách, dự án, ưu tiên bố trí nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội cho các làng đồng bào DTTS, trong đó đặc biệt là thực hiện hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Trưởng Ban Dân tộc, Phó Ban Chỉ đạo Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Gia Lai Kpă Đô ghi nhận và biểu dương những kết quả đã đạt được. Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai đề nghị huyện Chư Pưh cần chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác dân tộc, chính sách dân tộc theo phân cấp quản lý, triển khai thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Đồng thời, quan tâm thực hiện tốt công tác giáo dục đào tạo, nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực cho vùng đồng bào DTTS, tích cực phục dựng các lễ hội truyền thống, sưu tầm, khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc. Triển khai thực hiện thực hiện các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ quảng bá các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm đặc trưng của đồng bào DTTS.
Cùng với đó, tăng cường vai trò của các Trưởng thôn, Trưởng dòng họ, Người có uy tín trong cộng đồng dân cư để xây dựng khối Đại đoàn kết dân tộc; đề cao cảnh giác và ngăn chặn, xử lý, giải quyết kịp thời những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch âm mưu lừa gạt, lôi kéo, kích động đồng bào gây rối an ninh, trật tự, chia rẽ khối Đại đoàn kết các dân tộc…
Đại hội đã thông qua Quyết tâm thư và bầu 12 đại biểu đi dự Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Gia Lai lần thứ IV.
Dịp này, Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai đã tặng Giấy khen cho 5 tập thể, 10 cá nhân đã có nhiều thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết các dân tộc giai đoạn 2019 – 2024, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Gia Lai.
Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh khen thưởng cho 15 tập thể, 40 cá nhân đã có thành tích đóng góp trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh ở vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2019 – 2024.
Gia Lai: Tổ chức Đại hội đại biểu các DTTS huyện Phú Thiện