Đoàn nghệ nhân xã Chư Á (TP. Pleiku) trình diễn tại chương trình “Sắc màu văn hóa Gia Lai-Bảo tồn và phát triển”. Ảnh: M.C |
Hàng trăm em nhỏ được hướng dẫn chế biến món ăn với lá mì, làm cơm lam, tham gia các trò chơi dân gian, tìm hiểu nghề thủ công truyền thống (tạc tượng, đan lát).
Em Rah Lan H’Hoanh (đoàn nghệ nhân xã Chư Á) chia sẻ: “Em tham gia nhiều chương trình, biểu diễn nhiều nơi nhưng hôm nay có một cảm xúc đặc biệt. Chứng kiến các em, các bạn hào hứng tham gia trải nghiệm các hoạt động, hỏi cách chế biến món ăn, em càng nhận thức phải ra sức giữ gìn và phát huy vốn quý ẩm thực mà cha ông để lại. Em hy vọng có nhiều dịp quay trở lại giới thiệu sắc màu văn hóa cho các bạn nhỏ thiệt thòi tại đây”.
Bên cạnh đó, chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” cũng có thêm không gian trình diễn ngoài Quảng trường Đại Đoàn Kết như thường lệ. Đó là 2 đêm trình diễn cồng chiêng tại thị xã An Khê vào tối thứ sáu và huyện Ia Pa vào tối chủ nhật. Tại huyện Ia Pa, 2 đoàn nghệ nhân của xã Pờ Tó và Chư Mố đã mang đến sắc màu văn hóa đầy sôi động.
Ông Nguyễn Hùng Linh-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Ia Pa-cho biết: “Chương trình lần đầu tiên tổ chức tại Ia Pa vừa có ý nghĩa thử nghiệm, vừa chào mừng Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn huyện.
Sau chương trình này, ngành Văn hóa có kế hoạch tiếp tục phát huy, đưa trình diễn cồng chiêng trở thành hoạt động thường xuyên. Nếu tổ chức tại trung tâm huyện vào mỗi cuối tuần, bà con các làng thuận lợi trong việc tập luyện, giao lưu và phục vụ người dân”.
Trước đó, nghệ nhân làng Pơ Nang (xã Tú An) cũng có màn trình diễn không kém phần sôi nổi phục vụ người dân thị xã An Khê tại sân Hội trường 23-3. Đây là lần đầu tiên các nghệ nhân phục vụ khán giả ngay tại quê nhà trong sự đón nhận nồng nhiệt. Khán giả không chỉ hào phóng những tràng vỗ tay mà còn ủng hộ thiết thực để khích lệ các nghệ nhân.
Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng Quản lý Văn hóa (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cho biết: Từ nay đến cuối năm sẽ có trên 10 chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” đưa về huyện tổ chức. Sau thị xã An Khê và huyện Ia Pa, chương trình tiếp tục được tổ chức tại huyện Đức Cơ và Phú Thiện.
Chi đoàn Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tặng quà cho thiếu nhi tại Làng Trẻ em SOS và Trung tâm bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh. Ảnh: M.C |
Các chương trình bảo tồn di sản văn hóa từ một hoạt động nhỏ với mục đích tạo thêm trải nghiệm cho du khách khi đến với phố núi Pleiku vào mỗi tối thứ bảy, sáng chủ nhật tại Quảng trưởng Đại Đoàn Kết, nay mở rộng thêm không gian thể hiện.
Từ làng ra phố, rồi lại trở về làng, cồng chiêng đã và đang ngân vang để kể cho chúng ta nghe những giai điệu cuộc sống đầy màu sắc của những chủ nhân nơi đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.
Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ gọi đây “là một cuộc trở về cội nguồn, bởi vì nơi xuất phát của văn hóa dân gian Bahnar, Jrai chính là làng. Và bây giờ, chúng tôi lại cùng bà con đưa những giá trị ấy về với chính cộng đồng đã sản sinh ra nó”.
Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ cho hay: “Chương trình đã duy trì được hơn 2 năm và định vị trong đời sống của người dân Pleiku. Nhưng nhìn xa ra, chúng ta chỉ tổ chức 1 tháng 4 chương trình, tương đương với 4 làng có cơ hội được trình diễn. Trong khi 1 đơn vị cấp huyện có nhiều làng, và để tất cả các làng có cơ hội tham gia chương trình là điều khó. Bảo tồn và phát huy giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng thông qua chương trình như vậy sẽ không được như kỳ vọng.
Nên nếu đưa chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” về huyện, tạo thành thói quen và huyện có điều kiện duy trì 1 tháng 4 số như chúng tôi duy trì lâu nay trên phố, thì tất cả các làng đều có cơ hội được trình diễn. Chương trình vì vậy sẽ “phủ sóng” rộng rãi hơn, các cộng đồng làng, xã đều có hoạt động phù hợp để tham gia. Từ đó, chúng ta mới có thể thực hiện được mục tiêu ban đầu đề ra, đó là bảo tồn từ cộng đồng.
Tại đêm diễn phục vụ người dân thị xã An Khê vừa qua, chúng tôi rất băn khoăn có nên đặt gùi “ủng hộ nghệ nhân” hay không. Kết quả, khán giả đã ủng hộ đoàn 1,6 triệu đồng. Đây là tín hiệu rất khả quan khi đưa chương trình về huyện, mở rộng không gian cho hoạt động trình diễn cồng chiêng, góp phần bảo tồn di sản văn hóa thế giới này theo hướng bền vững”.