Chị Rơ Châm Huân (làng Yang, xã Ia Sao) cho biết: “Gia đình tôi có ít đất sản xuất nên cuộc sống rất khó khăn, không có tiền để xây dựng nhà ở kiên cố. Năm 2022, gia đình được hỗ trợ 44 triệu đồng và vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để xây dựng nhà ở. Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì gia đình khó có thể làm được ngôi nhà như vậy”.
Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, gia đình chị Rơ Châm Huân (làng Yang, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) đã xây dựng được ngôi nhà mới khang trang. Ảnh: L.N |
Đầu năm 2023, UBND huyện Ia Grai đã phê duyệt Dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư khu vực biên giới Ia O với tổng kinh phí hơn 45 tỷ đồng. Dự án gồm các hạng mục: xây dựng điểm chính Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân, Trường THCS Chu Văn An, Trường Mẫu giáo 2-9 và các hạng mục khác như: đường giao thông từ làng O đi làng Cúc dài 3,6 km; sửa chữa đường giao thông từ quốc lộ 14C đến đường tuần tra biên giới.
Tiếp đó, tháng 8-2023, UBND huyện phê duyệt Dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư làng Yom (xã Ia Khai) với tổng kinh phí hơn 16 tỷ đồng, gồm các hạng mục: Nhà văn hóa làng Yom, Trường Mẫu giáo 10-3 và các công trình giao thông.
Ông Siu Nghiệp-Chủ tịch UBND xã Ia O-cho hay: Từ nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước, đến nay, hệ thống đường giao thông nông thôn được cứng hóa, bê tông và nhựa hóa, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế đã được đầu tư đáp ứng nhu cầu của người dân. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên. Đến cuối năm 2023, toàn xã còn 230 hộ nghèo (chiếm 8,59%) và 368 hộ cận nghèo (chiếm 13,74%).
Bên cạnh đó, thực hiện Dự án 4 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, huyện đã triển khai làm đường liên xã Ia Tô đi Ia Pếch có chiều dài 11,76 km với tổng kinh phí đầu tư 19,2 tỷ đồng.
Ông Huỳnh Thế Phong-Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện-cho hay: Gói thầu xây dựng công trình đường giao thông liên xã Ia Tô đi Ia Pếch đang được đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ triển khai để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.
Sữa chữa hệ thống đường giao thông trên địa bàn xã Ia O. Ảnh: L.N |
“Thời gian qua, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất phục vụ các dự án. Để các công trình được triển khai thi công đúng tiến độ, sớm đưa vào phục vụ nhu cầu người dân, Ban đã chủ động phối hợp với các nhà thầu, đơn vị tư vấn thiết kế, thi công tập trung giám sát và đôn đốc thi công công trình; phối hợp với UBND các xã, thị trấn nơi có công trình, dự án tuyên truyền, vận động người dân tạo điều kiện tốt cho quá trình triển khai thi công”-ông Phong thông tin.
Trao đổi với P.V, ông Trương Thế Vinh-Trưởng phòng Dân tộc huyện Ia Grai-cho hay: Các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS.
Nhiều hộ nghèo đã có nhà ở kiên cố và được hỗ trợ sinh kế để vươn lên thoát nghèo. Đến cuối năm 2023, toàn huyện còn 1.937 hộ nghèo (chiếm 7,03%), trong đó có 1.529 hộ nghèo DTTS; 2.262 hộ cận nghèo (chiếm 8,21%), trong đó có 1.626 hộ cận nghèo DTTS. Tỷ lệ giảm nghèo qua rà soát đạt 1,75%, tỷ lệ giảm nghèo trong vùng DTTS đạt 3,76%.
“Năm 2024, huyện tiếp tục hoàn thiện các hạng mục thuộc Dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư tại làng Yom (xã Ia Khai) và Dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư khu vực biên giới Ia O; triển khai xây dựng 19 căn nhà cho các hộ thiếu nhà ở theo quy định; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 147 hộ nghèo người DTTS; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 92 hộ nghèo người DTTS; triển khai dự án cấp nước tập trung tại xã Ia Khai.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào DTTS, trong đó ưu tiên các thôn, làng đặc biệt khó khăn”-ông Vinh cho biết thêm.