Nhận diện khó khăn, thách thức
Toàn tỉnh hiện có 26 HTX và 23 tổ liên kết/tổ hợp tác (THT) có phụ nữ tham gia quản lý, điều hành. Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Vũ Thị Bích Ngọc: Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 439 HTX. Như vậy, tỷ lệ HTX do phụ nữ làm chủ còn khá khiêm tốn. Số lượng HTX ít, số hoạt động hiệu quả cũng không nhiều và chưa có sức lan tỏa.
Tiến sĩ Trần Minh Hải-Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn trao đổi, chia sẻ với hội viên phụ nữ các vấn đề xung quanh việc thành lập tổ. Ảnh: M.C |
Đề án “Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” đề ra mục tiêu thành lập mới 5 HTX (đến năm 2025) và 10 HTX (đến năm 2023); nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cho ít nhất 10 HTX, 20 THT (đến năm 2025) và 20 HTX, 40 THT (đến năm 2030).
Nhiều năm tham gia hỗ trợ, tư vấn hoạt động cho các HTX tại Gia Lai, Tiến sĩ Trần Minh Hải-Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và PTNT (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho rằng: Mục tiêu này gây không ít áp lực trong quá trình thực hiện.
Đồng quan điểm, bà Lê Thị Hồng Minh-Phó Chủ tịch UBND thị xã An Khê-cho biết: Việc thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả của HTX là điều không dễ. An Khê có 13 HTX do nam giới điều hành, quản lý nhưng hoạt động cũng rất khó khăn. Do đó, đặt ra mục tiêu thành lập HTX do phụ nữ làm chủ là áp lực đối với tổ chức Hội.
Phó Chủ tịch UBND thị xã An Khê nêu quan điểm: “Chúng ta chỉ nên phát triển đi lên từ việc thành lập tổ liên kết, THT, sau đó tiến dần lên HTX nếu hội đủ điều kiện. Bởi lẽ, HTX hoạt động theo luật với những quy định chặt chẽ. Khi thành lập tổ liên kết, THT và cao hơn là HTX, trước tiên cần xác định nhu cầu của chị em hội viên.
Hiện công tác tuyên truyền, vận động để thành lập HTX qua các kênh của Hội Phụ nữ là rất tốt. Nhưng cái khó hiện nay là trình độ, vốn, vấn đề liên kết, phương án sản xuất, kinh doanh phải tạo ra lợi nhuận. Đồng thời, khi làm ra sản phẩm phải đảm bảo tính ổn định lâu dài. Đây đều là những thách thức lớn đối với phụ nữ hiện nay”.
Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ An Nhiên (xã An Trung, huyện Kông Chro) là một trong những HTX do phụ nữ làm chủ và hoạt động hiệu quả hơn 4 năm qua. Bà Trần Thị Tầm-Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX-thẳng thắn cho biết: Có quá nhiều khó khăn trong hoạt động của HTX do thiếu sự hỗ trợ của địa phương lẫn các ngành liên quan.
Bà Tầm thông tin: “Từ khi thành lập HTX tới nay, tôi chỉ biết dựa vào chính mình, trong khi khối lượng công việc quá lớn. Từ việc liên kết các hộ nông dân, tìm kiếm thị trường, nghiên cứu chế biến sản phẩm mới đến duy trì vùng nguyên liệu, đăng ký bản quyền sáng chế, làm hồ sơ chứng nhận OCOP… chúng tôi hầu như không nhận được sự hỗ trợ nào. Chưa kể, cơ chế, chính sách một số nơi, một số chỗ còn “gây khó” cho quá trình hoạt động của HTX.
Tôi mong muốn đề án giúp các HTX do phụ nữ quản lý, điều hành nên làm gì và tiếp tục làm như thế nào để nâng cao hiệu quả. Để duy trì, củng cố hoạt động hoặc thành lập HTX như đề án nêu ra, vấn đề thủ tục, nguồn vốn, tiếp cận thông tin, quảng bá… chúng tôi mong được tư vấn, hỗ trợ cụ thể”.
Thành lập HTX theo địa bàn và ngành nghề kinh doanh
Là đơn vị tham mưu xây dựng Đề án hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ, Tiến sĩ Trần Minh Hải cho rằng: Gia Lai cần có sự kế thừa trong việc thành lập mô hình kinh tế tập thể này.
Ông cho biết: “Đề án 01 chỉ khuyến khích các HTX có phụ nữ tham gia làm công tác quản lý và điều hành chứ không bắt buộc phải thành lập hoàn toàn mới 100%. Do vậy, hãy dựa vào các HTX đã có, đồng thời cơ cấu, vận động cán bộ Hội Phụ nữ các cấp cùng tham gia làm thành viên; bố trí cán bộ phụ nữ bán chuyên trách tham gia ban giám đốc để triển khai các hoạt động, dịch vụ. Như vậy, thành phần này không phải thông qua bầu hội đồng quản trị, ban kiểm soát”.
Tổ liên kết dệt thổ cẩm gắn với phát triển du lịch cộng đồng Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) có thể phát triển lên HTX du lịch cộng đồng. Ảnh: M.C |
Với ưu thế của phụ nữ trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa và tạo ra dịch vụ mới, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và PTNT đề xuất: “Trong bối cảnh hiện nay, không nên thành lập mới HTX theo địa phương mà nên thành lập theo địa bàn và ngành nghề kinh doanh.
Chẳng hạn, thành lập theo nhóm như: HTX thương mại-dịch vụ (mua bán sản phẩm của các HTX chuyên về sản xuất), HTX làm du lịch cộng đồng (tập hợp người dân vừa khôi phục văn hóa, vừa tạo ra sản phẩm, dịch vụ để bán cho khách hàng), HTX chuyên mua bán hàng hóa (sản phẩm OCOP, đặc sản Gia Lai…)”.
Để nâng cao năng lực hoạt động, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các HTX nói chung và HTX, THT có phụ nữ tham gia quản lý như mục tiêu của đề án, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nguyễn Mậu Phong cho rằng: Cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, người dân nói chung và hội viên phụ nữ nói riêng về vị trí, vai trò, bản chất của HTX hiện nay, nhất là nội dung Luật HTX năm 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024.
Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện cần tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản trị, kiến thức sản xuất kinh doanh cho đội ngũ cán bộ quản lý là phụ nữ tại các HTX và THT, đồng thời hỗ trợ thủ tục pháp lý thành lập mới các mô hình này. Ngành chức năng của tỉnh cần hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các THT, HTX do phụ nữ tham gia quản lý tiếp cận khoa học công nghệ, nhân rộng mô hình hiệu quả, phối hợp liên kết, chia sẻ dữ liệu về HTX và chuỗi giá trị nông sản.
“Liên minh HTX tỉnh sẽ tăng cường tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý về quy trình, thủ tục vay vốn Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh và Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX thuộc Liên minh HTX Việt Nam để góp phần đầu tư và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh của HTX”-Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh khẳng định.