Chư Păh có nhiều điểm đến du lịch hấp dẫn như: núi lửa Chư Đang Ya, hàng thông cổ thụ, núi Chư Nâm, thác Công Chúa, Biển Hồ chè, chùa Bửu Minh, tịnh xá Ngọc Như, thủy điện Ialy, suối đá cổ… Ngoài ra, theo ông Nguyễn Minh Đức-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện: Toàn huyện có 346 bộ cồng chiêng với 5.116 chiếc; 73 đội cồng chiêng, xoang; 71 nhà rông và 3.584 nhà sàn.
Huyện Chư Păh tập trung bảo tồn, khôi phục các nghề truyền thống gắn với du lịch cộng đồng. Ảnh: L.N |
Bên cạnh đó, đồng bào dân tộc thiểu số còn lưu giữ nhiều loại nhạc cụ dân tộc như đàn goong, t’rưng và 4 lễ hội truyền thống gồm: pơ thi, đâm trâu, mừng lúa mới, cúng giọt nước; duy trì một số nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, đan lát, tạc tượng… Đây là tiềm năng lớn để huyện triển khai loại hình du lịch cộng đồng. Hiện nay, huyện đã chọn 3 làng: Ia Gri (xã Chư Đang Ya), làng Kép (xã Ia Mơ Nông) và Kon Sơ Lăl (xã Hà Tây) để xây dựng và phát triển làng du lịch cộng đồng.
Đến làng Kon Sơ Lăl, du khách được chiêm ngưỡng một trong những ngôi nhà rông lớn, cổ kính, đẹp nhất Tây Nguyên. Ngoài ra, theo bà Dung-Phó Chủ tịch UBND xã Hà Tây: Du khách đến đây có thể thưởng thức những nhịp chiêng, điệu xoang hay trải nghiệm nghề làm rượu ghè, thưởng thức gà nướng, cơm lam. Mới đây, xã vừa tổ chức ra mắt thương hiệu “Rượu ghè mẹ Dung” do chị Yet (làng Kon Pơ Nang) sản xuất.
Chị Yet-Chủ hộ sản xuất “Rượu ghè mẹ Dung”-cho hay: Gia đình có nghề làm rượu ghè từ rất lâu rồi, được truyền lại qua nhiều thế hệ. Nguyên liệu để làm rượu được lấy từ thiên nhiên gồm: gạo lứt, ớt tươi, vỏ cây hyam. Men trộn với gạo ủ qua một đêm sẽ cho vào những chiếc ghè, sau đó bọc kín bằng những tấm lá chuối đã hong qua lửa. Rượu ghè được ủ trong 2 tuần sẽ cho ra sản phẩm cay nồng nhưng không gắt, vị ngọt thơm đọng lại rất dễ chịu. Hương vị của men lá rừng mang đậm sự khác biệt, càng uống lại càng đắm say.
“Được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động tham gia chuỗi du lịch cộng đồng của xã, gia đình sẵn sàng đón tiếp du khách đến tham quan, trải nghiệm quy trình làm ra sản phẩm “Rượu ghè mẹ Dung” và thưởng thức ẩm thực của người Bahnar”-chị Yet vui vẻ nói.
Tương tự, đồng bào Jrai ở làng Kép (xã Ia Mơ Nông) hiện vẫn còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Đến đây, du khách sẽ được trải nghiệm nghề đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm, biểu diễn cồng chiêng và thưởng thức ẩm thực, tham gia các lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa như: mừng lúa mới, cúng bến nước, pơ thi…
Chị H’Uyên Niê-Phó Trưởng ban Quản lý du lịch cộng đồng xã Ia Mơ Nông-cho hay: “Ban liên kết với 40 nghệ nhân đan lát, dệt thổ cẩm, làm gốm trong làng để tổ chức các hoạt động phục vụ du lịch. Trung bình mỗi tháng, chúng tôi tiếp đón khoảng 7-10 đoàn đến tham quan du lịch. Du khách đến đây được tìm hiểu bản sắc văn hóa truyền thống của người Jrai và trải nghiệm nghề truyền thống đan lát, dệt thổ cẩm, làm gốm và mua sắm sản phẩm do bà con tự tay làm”.
Nhà rông truyền thống ở xã Hà Tây. Ảnh: C.T.V |
Hướng đi mới từ du lịch nông nghiệp
Theo thống kê của Phòng Văn hóa-Thông tin huyện, Chư Păh có nhiều điểm tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn như: Huy Farm (thôn 3, xã Ia Nhin); Chư Nâm Farm (làng Ia Gri, xã Chư Đang Ya); Sao Anh Farm (thôn 1, thị trấn Phú Hòa); Farmstay Sâm Phát Ialy (thôn 3, thị trấn Ia Ly)…
Quang cảnh các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của huyện tại Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya. Ảnh: L.N |
Ông Nguyễn Chất Sâm-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Farmstay Sâm Phát Ialy-cho hay: Năm 2018, ông từ TP. Hồ Chí Minh lên Chư Păh mua 15 ha đất để trồng 1.600 cây sầu riêng và đào ao nuôi cá. Nhận thấy vị trí đẹp, gần với lòng hồ thủy điện Ialy, ông tiếp tục đầu tư thêm bể bơi, nhà hàng ăn uống để kinh doanh du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp. Farmstay Sâm Phát Ialy đã trở thành điểm du lịch nông nghiệp đầu tiên và lớn nhất của huyện Chư Păh.
“Việc phát triển du lịch nông nghiệp là hướng đi vừa giúp gia tăng giá trị sản xuất, quảng bá sản phẩm, vừa thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Đến đây, du khách có thể trải nghiệm làm nông nghiệp, thưởng thức sầu riêng tại vườn hay câu cá, cắm trại, thưởng thức ẩm thực của người Tây Nguyên và hòa mình vào âm thanh cồng chiêng, điệu xoang”-ông Sâm chia sẻ.
Huyện Chư Păh có tổng diện tích đất nông nghiệp hơn 86.000 ha với địa hình núi non hùng vĩ, sông suối phân bố đều, đất đỏ bazan phì nhiêu nên rất thuận lợi cho việc trồng cây công nghiệp dài ngày như: cà phê, cao su, chè và các loại cây ăn quả như: sầu riêng, chôm chôm, cam, quýt, bưởi hay nuôi trồng thủy sản.
Ông Nguyễn Công Sơn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho hay: Vừa qua, huyện đã tổ chức lớp tập huấn du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn cho 50 học viên 2 xã Ia Ka và Ia Mơ Nông.
Sắp tới, huyện sẽ tiếp tục tổ chức 2 lớp tập huấn ở xã Hà Tây và Chư Đang Ya cho khoảng 100 học viên là cán bộ xã, hợp tác xã, thành viên tổ du lịch cộng đồng, chủ các trang trại nông nghiệp trên địa bàn huyện. Thông qua lớp tập huấn nhằm hướng dẫn người dân lựa chọn, xây dựng điểm, cách thức tổ chức cơ sở kinh doanh đón tiếp du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Du khách tham quan Khu nhà mồ làng Kép, xã Ia Mơ Nông. Ảnh: Lê Nam |
Trao đổi với P.V, ông Nay Kiên-Chủ tịch UBND huyện-cho biết: Để phát huy hiệu quả tiềm năng du lịch, huyện đã phê duyệt Đề án số 01-ĐA/HU ngày 27-4-2021 về đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển dịch vụ du lịch trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, huyện đưa ra giải pháp tập trung phát triển các loại hình du lịch theo hướng bền vững và bảo vệ môi trường như: du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của địa phương nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.
Ngoài ra, nhiều tổ chức, cá nhân đã đề nghị huyện tạo điều kiện cho thực hiện sản xuất nông nghiệp kết hợp với khai thác du lịch. Tuy nhiên, do chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể của cấp có thẩm quyền về du lịch trên đất nông nghiệp nên UBND huyện chưa thể tiếp nhận, giải quyết các đề nghị này.
“Từ năm 2023, UBND huyện Chư Păh đã có tờ trình gửi UBND tỉnh phê duyệt Đề án thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, đề án này vẫn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Huyện rất mong cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án để mở ra cơ hội phát huy tiềm năng du lịch của địa phương, góp phần thu hút các nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo thêm sinh kế, tăng thu nhập cho người dân”-Chủ tịch UBND huyện Chư Păh nhấn mạnh.