Đời sống người dân được nâng cao
Cùng với tuyến đường Trường Sơn Đông đi qua địa bàn 5 xã phía Đông sông Ba, các cây cầu bắc qua sông Ba như: Phú Cần, cầu dân sinh Ia Rmok đã tạo cú hích lớn trong phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương. Người dân các xã phấn khởi khi không còn tình trạng chia cắt mỗi khi đến mùa mưa bão hay nông sản làm ra không bán được hoặc bị thương lái ép giá vì vận chuyển khó khăn.
Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cùng sự nỗ lực vươn lên của người dân, nhất là chủ động đưa cây-con giống mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm. Nhờ đó, đời sống người dân từng bước được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua các năm, bộ mặt nông thôn ở các xã cũng đổi thay nhanh chóng.
Người dân ngày càng chú trọng đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới, chất lượng cao vào sản xuất. Ảnh: Q.T |
Cũng như nhiều hộ dân khác trong buôn Ia Klon (xã Ia Rmok), trước đây, đời sống gia đình ông Ksor Thuynh gặp nhiều khó khăn. Tuy có nhiều đất sản xuất nhưng vì đường sá đi lại khó khăn, nông sản làm ra bán không được hoặc bán với giá thấp, thu không bù đắp được chi phí đầu tư nên cái nghèo cứ đeo bám gia đình ông.
Từ khi Nhà nước đầu tư các tuyến giao thông kết nối trên địa bàn, gia đình ông cũng như các hộ dân trong buôn mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên đời sống đã nâng lên rõ rệt.
Ông Thuynh phấn khởi cho biết: “Khoảng gần 10 năm trở lại đây, đường sá đi lại thuận lợi hơn rất nhiều nên không còn tình trạng nông sản làm ra bị ép giá hoặc không bán được như trước nữa. Từ các mô hình sản xuất lúa một giống chất lượng cao hay đưa giống mì cao sản, kháng bệnh khảm lá thay thế các giống cũ do Nhà nước triển khai, mình đã nhân rộng và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Vụ Đông Xuân này, mình trồng 2 ha mì sử dụng giống HN5 có khả năng kháng bệnh khảm lá và 4 sào lúa TBR97. Mì và lúa không những được mùa mà còn được giá nên sau khi trừ chi phí đầu tư, mình lãi hơn 100 triệu đồng”.
Còn anh Nguyễn Hoàng Chiến (buôn Suối Cẩm, xã Chư Drăng) sản xuất 2,5 ha mì giống HN5 có đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt. Nhờ đó, năng suất mì năm nay của gia đình tăng đột biến, đạt hơn 40 tấn tươi/ha. Sau khi trừ chi phí, anh thu được gần 200 triệu đồng.
Anh Chiến hồ hởi cho biết: “Trước đây, do đường sá chia cắt, chi phí vận chuyển cao nên nông sản người dân làm ra khó bán, giá thấp, thu nhập chẳng được bao nhiêu. Bây giờ, đường sá đi lại thuận tiện nên không còn tình trạng nông sản bị ép giá như trước. Nhờ đó, đời sống người dân ngày một được nâng lên, bộ mặt nông thôn của xã cũng đổi thay nhanh chóng”.
Nhiều nguồn lực cho phát triển
Theo bà Võ Thúy Vân-Bí thư Đảng ủy xã Ia Rmok, bộ mặt nông thôn của xã đã thay đổi rất nhiều kể từ khi các tuyến giao thông kết nối như đường Trường Sơn Đông, cầu Ia Rmok, cầu Phú Cần được đầu tư và đưa vào sử dụng. Không những tạo thuận tiện trong việc đi lại, vận chuyển nông sản, hệ thống giao thông còn giúp địa phương kết nối, giao thương hàng hóa, phát triển ngành thương mại-dịch vụ.
Bên cạnh đó, thời gian qua, tỉnh, huyện đã dành nhiều nguồn lực để triển khai các mô hình đưa giống mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.
Cầu Ia Rmok được đưa vào sử dụng giúp việc đi lại của người dân thuận tiện hơn. Ảnh: Q.T |
Cùng với hạ tầng giao thông, hệ thống kênh mương thủy lợi trên địa bàn xã cũng được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân. 2 công trình thủy lợi (hồ Ia Hdreh và trạm bơm Ia Rmok) trên địa bàn cơ bản đáp ứng nước tưới cho khoảng 500 ha lúa của người dân, không còn tình trạng sản xuất dựa vào nước trời như trước đây. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn khoảng 17,2%, đời sống người dân từng bước được nâng lên. Hiện xã đã đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới.
“Thời gian tới, xã tiếp tục huy động các nguồn lực và sự đóng góp của người dân để ưu tiên đầu tư các tuyến giao thông nội đồng nhằm tạo thuận lợi cho bà con vận chuyển nông sản. Đồng thời, tiếp tục nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất hiệu quả cũng như đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới, chất lượng vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích”-Bí thư Đảng ủy xã Ia Rmok cho hay.
Còn ông Ksor Rơ-Phó Chủ tịch UBND xã Chư Drăng thì thông tin: Hệ thống giao thông kết nối được đầu tư hoàn thiện không những tạo thuận lợi cho người dân đi lại mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Cùng với đó, người dân có sự giao thoa, học hỏi các mô hình phát triển kinh tế, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm mạnh qua các năm, thu nhập bình quân đầu người hiện đạt trên 30 triệu đồng/năm. Xã đã đạt 15/19 tiêu chí nông thôn mới.
Trao đổi với P.V, ông Hồ Văn Thảo-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa-cho biết: Từ nhiều năm nay, cùng với các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, huyện ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ tại 5 xã phía Đông sông Ba.
Trong đó, hệ thống đường giao thông nông thôn, đường nội đồng ra khu sản xuất được huyện đặc biệt quan tâm thực hiện nhằm giúp các xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao (chiếm từ 80% trở lên) có điều kiện phát triển sản xuất, giao thương hàng hóa.
Đặc biệt, hơn 5 năm qua, từ các dự án nước ngoài hỗ trợ như IFAD, giảm nghèo khu vực Tây Nguyên… huyện tập trung xây dựng các mô hình hỗ trợ dê, bò, heo, giống cây trồng cho người dân 5 xã phía Đông sông Ba phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Nhờ đó, đến thời điểm này, đời sống vật chất, tinh thần của người dân tại 5 xã đã thay đổi rất nhiều so với trước đây.
Chủ tịch UBND huyện Krông Pa thông tin thêm: “Thời gian tới, huyện tiếp tục huy động các nguồn lực để ưu tiên hỗ trợ 5 xã phía Đông sông Ba phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Đặc biệt, tập trung triển khai hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó góp phần giúp người dân các xã có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương”.