Học sinh Trường THPT Lê Hoàn (huyện Đức Cơ) học đan gùi truyền thống của người Jrai. Ảnh: Mộc Trà |
Ngày 3-3 vừa qua, Tổ Sử-Địa-Giáo dục công dân (Trường THPT Lê Hoàn) phối hợp với Đoàn xã Ia Kriêng (huyện Đức Cơ) tổ chức cho 60 học sinh lớp 10 và 11 đến tham quan, tìm hiểu nghề đan gùi truyền thống của người Jrai.
Theo cô Trần Thị Yến-Tổ trưởng Tổ Sử-Địa-Giáo dục công dân, hoạt động này nhằm giới thiệu cho học sinh hiểu biết về nghề thủ công truyền thống trên địa bàn huyện; qua đó, nâng cao ý thức trong việc chung tay giữ gìn, quảng bá bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.
Sau khi tham quan không gian làng, các em học sinh được giao lưu với một số nghệ nhân của xã và tìm hiểu về quy trình, cách thức tạo ra một chiếc gùi hoàn chỉnh với hoa văn đẹp mắt. Đặc biệt, dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân, các em đã cùng nhau thực hành đan gùi một cách say sưa, hào hứng.
“Chúng tôi còn lồng ghép các câu hỏi ngắn về địa bàn xã Ia Kriêng, nghề đan gùi của người Jrai nhằm giúp các em củng cố thêm kiến thức liên quan; đồng thời, tổ chức hoạt động giao lưu văn nghệ giữa học sinh nhà trường và đoàn viên, thanh niên xã Ia Kriêng với nhiều tiết mục đặc sắc”-cô Yến thông tin.
Không giấu được sự thích thú, em Phạm Thành Đạt (lớp 10B2) chia sẻ: “Em từng biết tới chiếc gùi của người Jrai nhưng chưa được chứng kiến quy trình sản xuất cũng như học đan gùi. Vậy nên, hoạt động này đã mang đến cho em rất nhiều trải nghiệm thú vị cùng những kiến thức bổ ích về văn hóa của dân tộc Jrai”.
Ngoài tổ chức hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu trực tiếp tại làng, Trường THPT Lê Hoàn còn lồng ghép tuyên truyền, giáo dục học sinh nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thông qua một số môn học liên quan.
Cô Trần Thị Hồng Ân-Phó Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: Tùy theo từng môn và nội dung bài học mà giáo viên tổ chức những hoạt động khác nhau nhằm “hâm nóng”, lan tỏa tình yêu văn hóa dân tộc trong học sinh như: giới thiệu trang phục từ dệt thổ cẩm, chế biến món ăn truyền thống của người Jrai… Tuy nhiên, do thời gian và kinh phí hạn chế nên hầu hết những hoạt động môn học chỉ dừng lại ở phạm vi từng lớp, chưa mở rộng quy mô ra toàn trường.
Đứng chân trên vùng đất còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc, Trường Tiểu học và THCS Tơ Tung (huyện Kbang) cũng đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục nâng cao ý thức gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số cho học sinh.
Thầy Đinh Văn Hải-Giáo viên Tổng phụ trách Đội-cho hay: Những năm qua, Liên Đội thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa bổ ích cho học sinh như: tham quan Nhà lưu niệm Anh hùng Núp, Làng kháng chiến Stơr, trải nghiệm văn hóa cồng chiêng tại làng Leng…
Qua đây, không chỉ học sinh Bahnar mà học sinh các dân tộc khác cũng có cơ hội được khám phá, tìm hiểu kỹ hơn về lịch sử, phong tục tập quán, di sản văn hóa phi vật thể hay nghề thủ công truyền thống ở nơi mình sinh sống. Đáng mừng là ngày càng có nhiều học sinh Bahnar chủ động học đánh cồng chiêng và tích cực tập luyện cùng đội cồng chiêng của làng mình.
Học sinh thuộc Cụm thi đua số 3 (Hội đồng Đội TP. Pleiku) tham gia hoạt động trải nghiệm “Tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc Tây Nguyên” tại làng Phung, xã Biển Hồ. Ảnh: M.T |
Với mục đích tương tự, nhiều trường học ở TP. Pleiku cũng đưa học sinh đến tham quan, tìm hiểu văn hóa truyền thống tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Trong đó, có thể kể đến hoạt động “Tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc Tây Nguyên” của 50 học sinh thuộc các trường trong Cụm thi đua số 3 (Hội đồng Đội TP. Pleiku) và buổi học trải nghiệm-hướng nghiệp “Em với nghề truyền thống” của 46 học sinh lớp 6, Trường THCS Nguyễn Du (phường Ia Kring) được tổ chức tại làng Phung (xã Biển Hồ).
Bên cạnh nghe giới thiệu về sự ra đời của Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm làng Phung, tại đây, các em còn được tìm hiểu về quy trình dệt, các mẫu hoa văn của người Jrai; cách tạo nên màu sắc cho sản phẩm thổ cẩm từ nguyên liệu trong tự nhiên cũng như điểm khác nhau giữa trang phục truyền thống nam và nữ.
Đồng thời, học sinh cũng được “mục sở thị” một số sản phẩm làm từ thổ cẩm Jrai như: áo, váy, khố, khăn choàng, móc khóa, vỏ gối, khăn trải bàn, túi xách… Ngoài ra, một số em còn được trực tiếp ngồi vào khung dệt, học cách xe chỉ, luồn sợi từ các nghệ nhân.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Du (phường Ia Kring, TP. Pleiku) trải nghiệm dệt thổ cẩm tại làng Phung (xã Biển Hồ). Ảnh: Mộc Trà |
Em Nguyễn Quốc Long (lớp 7/9, Trường THCS Nguyễn Du) bày tỏ: “Em cảm thấy rất hứng thú khi được trải nghiệm, tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Jrai ở làng Phung. Mong rằng nhà trường sẽ tổ chức thêm những hoạt động tương tự để chúng em hiểu biết nhiều hơn về giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn”.
Còn cô Hà Thị Lệ Hiền-Giáo viên Trường THCS Nguyễn Du thì nhìn nhận: “Trở về từ chuyến đi này, tôi hướng dẫn học sinh viết bài thu hoạch trình bày cảm nhận và đề xuất giải pháp để bảo tồn, phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Tôi cũng khá bất ngờ trước suy nghĩ và ý tưởng phong phú mà các em đưa ra. Điều đó cho thấy hiệu quả mà hoạt động trải nghiệm mang lại về mặt nhận thức, kiến thức và cả tình yêu dành cho văn hóa truyền thống cho học sinh”.
Trước nguy cơ mai một của một số nghề truyền thống, việc các trường tổ chức những hoạt động trải nghiệm hướng về làng gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc bản địa đã và đang nhận được nhiều sự ủng hộ. “Khi biết các cháu học sinh muốn đến xã tìm hiểu về nghề đan gùi, tôi nhận lời hỗ trợ ngay. Hiện nay, làng chỉ còn vài người lớn tuổi biết đan gùi hoa văn nhưng lũ trẻ thì không muốn học.
Chúng tôi về với Yàng rồi chắc chẳng còn ai biết mà tiếp tục làm gùi truyền thống nữa. Vậy nên những dịp như thế này là cơ hội để tôi tuyên truyền, giới thiệu văn hóa của đồng bào mình, mong rằng thế hệ trẻ biết đến mà gìn giữ, bảo tồn”-ông Ksor Sam (làng Hrang, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) trải lòng.