Theo chị Đinh Thị Doát (làng Jro Ktu Đak Yang, xã Yang Bắc), tuyến đường này chạy ngang vườn rẫy của gia đình. Trước kia, đường ra khu sản xuất là đường đất nhỏ hẹp, lầy lội vào mùa mưa, mùa nắng bụi mịt mù. “Được Nhà nước quan tâm đầu tư, tuyến đường được mở rộng, liên thông từ xã đến trung tâm huyện. Bà con trong xã vui lắm”-chị Doát phấn khởi nói.
Người dân làng Brang Đak Kliết (xã Ya Hội) cũng vui mừng khi một phần tuyến đường dẫn ra khu sản xuất của làng vừa được bê tông hóa, giúp bà con đi lại, vận chuyển nông sản thuận lợi. Anh Đinh Văn Hlố chia sẻ: Anh có 1 ha mía ở khu sản xuất của làng. Trước đây, tuyến đường thường xuyên sình lầy, đi lại khó khăn. Vào vụ thu hoạch mía, anh phải thuê xe vận chuyển nhiều đợt nên làm gia tăng chi phí 10 triệu đồng/ha.
“Tuyến đường dẫn vào khu sản xuất khá dài. Xã quan tâm đổ bê tông đến đâu, bà con mừng đến đó”-anh Hlố bày tỏ.
Một phần tuyến đường vào khu sản xuất của làng Brang Đak Kliết vừa được xã Ya Hội đầu tư đổ bê tông giúp người dân đi làm, vận chuyển nông sản thuận lợi hơn. Ảnh: N.M |
Thông tin về tuyến đường dẫn vào khu sản xuất của làng Brang Đak Kliết, ông Dương Thái Thạch-Chủ tịch UBND xã Ya Hội-cho hay: Tuyến đường dài 3,7 km, chia thành 2 nhánh. Trong đó, nhánh đi khu 3 Bếp dài 2 km và đi vào suối Gà là 1,7 km. Từ năm 2019 đến nay, trên cơ sở nguồn vốn huyện phân bổ, xã đã đầu tư 2,7 tỷ đồng đổ bê tông đường vào khu vực suối Gà 700 m và vào khu 3 Bếp hơn 900 m.
“Năm 2024, từ nguồn vốn của Trung ương, huyện phân bổ cho xã hơn 5,8 tỷ đồng để làm mới 2,143 km đường bê tông và xây dựng cống tràn, cống thoát nước trên các trục đường nội đồng, phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển nông sản của người dân”-ông Thạch cho biết thêm.
Còn ông Võ Viết Nghĩa-Chủ tịch UBND xã Yang Bắc thì chia sẻ: Những năm qua, từ nguồn vốn của Nhà nước và người dân đóng góp, nhiều tuyến đường từ xã đến các thôn, làng và đường ra khu sản xuất được bê tông hóa khang trang, sạch đẹp. Trong 2 năm (2022-2023), xã huy động gần 5 tỷ đồng đầu tư khoảng 3,7 km đường giao thông nông thôn, nâng tổng số đường đã được bê tông hóa toàn xã là 38,2/41 km.
“Đến nay, xã đã hoàn thành 11/19 tiêu chí xã nông thôn mới. Trong đó, tiêu chí số 2 về giao thông đã hoàn thành nhưng xã vẫn tiếp tục đầu tư sửa chữa, làm mới một số tuyến đường làng, ngõ xóm, đường nội đồng để duy trì và nâng cao tiêu chí”-ông Nghĩa thông tin.
Tuyến đường bê tông xi măng nối từ trung tâm huyện Đak Pơ đến xã Yang Bắc đưa vào sử dụng sẽ giúp người dân đi lại, giao thương thuận lợi hơn. Ảnh: Ngọc Minh |
Xác định giao thông là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội, từ năm 2022 đến nay, huyện Đak Pơ đã phân bổ hơn 161 tỷ đồng từ các nguồn đầu tư công, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững để triển khai 86 dự án, công trình giao thông.
Ngoài ra, hàng năm, huyện còn bố trí khoảng 1 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để duy tu, sửa chữa các tuyến đường bị xuống cấp. Đến nay, toàn huyện đã có hơn 134 km đường được bê tông hóa, nhựa hóa; trong đó, đường từ huyện xuống các xã là 32,6 km; đường giao thông nông thôn là 76,93 km; còn lại đường đô thị 24,69 km. 100% đường từ trung tâm xã đến trung tâm huyện được thảm nhựa hoặc đổ bê tông; hệ thống đường trục chính nội đồng trên địa bàn huyện được đầu tư cơ bản đảm bảo tiêu chuẩn tối thiểu theo bộ tiêu chí xã nông thôn mới.
Trao đổi với P.V, ông Tần Văn Anh-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Đak Pơ-cho biết: “Những năm qua, huyện luôn ưu tiên nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông. Các xã, thị trấn thường xuyên vận động người dân đóng góp kinh phí, ngày công để mở rộng đường, làm đường ra khu sản xuất.
Nhờ đó, hệ thống giao thông từ huyện đến các xã, thị trấn cũng như đến các thôn, làng đã được nhựa hóa, bê tông hóa. Điều này đã tạo thuận lợi trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân; bộ mặt nông thôn có sự thay đổi rõ rệt”.