Trong đó, phải kể đến thành công rực rỡ của Festival Văn hóa cồng chiêng, ấn tượng giải chạy bộ “Gia Lai City Trail 2023-Giấc mơ đại ngàn” trên những cung đường đẹp như cổ tích của Gia Lai, sự đặc sắc của Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya gắn với 1 trong 10 núi lửa đẹp nhất hành tinh, hay hình ảnh mang tính biểu trưng cho văn hóa và thể thao trong Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh.
Nếu lễ hội hoa dã quỳ đã định hình được thương hiệu riêng, thu hút khách du lịch tăng dần qua các năm thì giải chạy bộ “Gia Lai City Trail 2023-Giấc mơ đại ngàn” lần đầu tiên tổ chức cũng tạo dấu ấn mạnh mẽ. Giải chạy thu hút gần 4.000 chân chạy trong cả nước.
Trong khi đó, Festival Văn hóa cồng chiêng với sự hội tụ của cộng đồng các dân tộc 5 tỉnh Tây Nguyên dù chưa phải là sự kiện mang tính định kỳ, nhưng cũng trở thành thương hiệu riêng của Gia Lai. Sức hấp dẫn của các kỳ festival đến từ sự rực rỡ, lấp lánh của văn hóa, mà bất cứ người yêu văn hóa dân gian nào cũng muốn được “lạc” vào “miền mơ tưởng” ấy một lần trong đời.
Du khách quốc tế thưởng thức rượu cần tại Festival Văn hóa cồng chiêng. Ảnh: H.N |
Ghi điểm với du khách
Có lẽ Ban tổ chức giải chạy bộ “Gia Lai City Trail 2023-Giấc mơ đại ngàn” đã dự tính trước sức hấp dẫn của giải, đó là không chỉ đến từ tinh thần thể thao dâng cao mạnh mẽ mà còn đến từ những cung đường chạy tuyệt đẹp của cao nguyên Gia Lai. Và, công tác quảng bá đã thành công ngoài mong đợi khi thu hút được rất nhiều chân chạy trong cả nước.
Chị Nguyễn Đắc Quỳnh Diễm-runner cự ly 42 km đến từ TP. Hồ Chí Minh-bày tỏ ấn tượng trước cung đường chạy: “Ban đầu, tôi không định tham gia vì đã đăng ký nhiều giải chạy khác, nhưng đến phút chót đã bị thu hút bởi hình ảnh quảng bá cung đường chạy quá đẹp. Khi đến đây càng thấy quyết định của mình là đúng. Là người thích thiên nhiên nên tôi vô cùng yêu thích đường chạy ở đây, nhất là chạy trail không thấy nhàm chán mà có cảm giác được tận hưởng. Đây cũng là lần đầu tiên tôi đến Gia Lai, từ phong cảnh, khí hậu mát mẻ, dịch vụ lưu trú, cho thuê xe… tất cả đều khiến chúng tôi cảm thấy vô cùng hài lòng”.
Một runner chạy cự ly 42 km khác là anh Lương Võ Thành Luân đến từ TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết lý do đến với giải chạy bộ một phần vì đường chạy quá ấn tượng. Anh Luân chia sẻ: “Nhóm chúng tôi có 5 người, tất cả đều chưa đến Gia Lai lần nào, và thực sự cũng không mấy quan tâm đến giải chạy bộ ở tỉnh. Cho đến khi tôi đưa hình ảnh về đường chạy cho các bạn thì hầu như mọi người đều bị thuyết phục. Cảm nhận đầu tiên của tôi về vùng đất cao nguyên này đó là rất thân thuộc, mọi thứ xung quanh khiến mình không có cảm giác xa cách của một du khách khi đến miền đất lạ. Gia Lai lần đầu tổ chức một giải chạy nhưng đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ với các runner, từ cảnh đẹp, tinh thần mến khách và không khí dễ chịu. Tôi nghĩ mỗi giải chạy đều sẽ có những hoạt động để duy trì những năm tiếp theo. Nếu giải chạy bộ “Gia Lai City Trail 2023-Giấc mơ đại ngàn” làm tốt công tác quảng bá, nhất là lưu lại nhiều hình ảnh đẹp cho các runner thì họ hỗ trợ làm truyền thông sau chương trình, hứa hẹn những năm tiếp theo, giải sẽ được quan tâm nhiều hơn, nhiều người tham gia hơn bởi cộng đồng chạy bộ trong cả nước hiện rất lớn mạnh”.
Thành công của Tuần Văn hóa-Du lịch Gia Lai 2023 còn khởi đi tinh thần cộng đồng cùng làm du lịch. Từ người dân đến các doanh nghiệp đều đồng lòng để tạo nên nhiều sản phẩm, dịch vụ chất lượng. Sau nhiều mùa lễ hội tại Chư Đang Ya, những nông dân như chị Aye (làng Xóa, xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh) không còn bỡ ngỡ mà đã “bắt nhịp” với các dịch vụ phục vụ du khách. Chị Aye cho biết, chị và bà con dân làng thuê khu đất trống ngay trên đường lên núi lửa để mở dịch vụ ẩm thực truyền thống. Đây là năm thứ 3 chị tham gia hoạt động này và kỹ năng làm du lịch cũng được trau dồi đáng kể.
“Trong những ngày diễn ra lễ hội, mỗi ngày, gian hàng ẩm thực của mình bán khoảng 30-40 con gà và gần 20 kg gạo làm cơm lam. Hoạt động này giúp cho bà con có thêm thu nhập nên ai cũng phấn khởi. Các năm trước kết thúc lễ hội là mình cũng dừng bán vì sợ không có khách. Nhưng năm nay, kết thúc lễ hội mình vẫn bán được mỗi ngày 7-10 con gà nướng và gần chục kg gạo làm cơm lam. Du khách đến tham quan núi lửa sau lễ hội vẫn rất đông”-chị Aye kể.
Thành công về quảng bá
Tuần Văn hóa-Du lịch được các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đánh giá cao khi tạo hiệu ứng về mặt quảng bá, truyền thông, thu hút sự chú ý của du khách đến vùng đất Gia Lai.
Ông Hoàng Phương-Giám đốc Công ty Truyền thông du lịch Le Pleiku-cho biết: “Du lịch Gia Lai trước nay đang phát triển 1 chiều. Đó là khách trong tỉnh đi Tây Bắc, Đông Bắc, đi miền Trung hay vào các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Trong khi đó, lượng khách các khu vực này đến Gia Lai vẫn rất hạn chế. Đó là do mình đang yếu về khâu quảng bá. Vì vậy, việc tổ chức chuỗi hoạt động trong Tuần Văn hóa-Du lịch Gia Lai 2023 sẽ tạo hiệu ứng tích cực về mặt quảng bá, giới thiệu điểm đến với khách du lịch trong và ngoài nước. Bắt đầu từ chương trình “Gia Lai ơi” hồi cuối tháng 10, tôi cho rằng năm nay hứa hẹn một mùa lễ hội đặc sắc, ấn tượng. Và chuỗi sự kiện đã làm hài lòng cả người làm du lịch lẫn du khách. Trong đó, Festival Văn hóa cồng chiêng quá tuyệt vời trên nhiều phương diện. Với góc độ của doanh nghiệp du lịch, hướng dẫn viên hay du khách đều thấy lễ hội này quá tuyệt vời và có nhiều thứ để trải nghiệm. Đây là bản giao hưởng về cồng chiêng với nhiều cung bậc. Một lễ hội hội tụ quá nhiều cái đẹp, nhìn đẹp, nghe hay và mãn nhãn về trang phục truyền thống”.
Sau lễ hội hoa dã quỳ vẫn rất đông du khách đến núi lửa Chư Đang Ya. Ảnh: H.N |
Các đơn vị lữ hành đều có những combo khách lẻ, khách đoàn, khách ghép, tour liên kết với Gia Lai, Đak Lak đưa khách đến trải nghiệm trong suốt 9 ngày diễn ra các hoạt động văn hóa-du lịch, thể thao đặc sắc. Theo ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, tổ chức các sự kiện văn hóa, đăng cai tổ chức các giải thể thao toàn quốc góp phần tăng khách tham quan và thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Du lịch trong 11 tháng năm 2023 tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng lượt khách tham quan, du lịch ước đạt 1,1 triệu lượt (tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái), tổng thu du lịch ước đạt khoảng 742 tỷ đồng (tăng 30,2% so với cùng kỳ năm ngoái). Ước năm 2023, khách du lịch đạt 1,2 triệu lượt (vượt 9% chỉ tiêu kế hoạch năm 2023), tổng thu du lịch ước đạt 790 tỷ đồng.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đánh giá: Tuần Văn hóa-Du lịch Gia Lai 2023 diễn ra với rất nhiều yếu tố thuận lợi. Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya diễn ra vào thời điểm hoa dã quỳ đẹp nhất, thu hút lượng du khách gấp đôi so với các kỳ lễ hội trước. Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh thu hút 39 đội tham gia, tăng 9 đội so với năm trước. Giải chạy bộ cũng là điểm đột phá cho Tuần Văn hóa-Du lịch khi thu hút gần 4.000 chân chạy cả nước…
Dịp này còn có một số sự kiện, diễn đàn kết nối du lịch vùng như Gia Lai kết nối được với Hà Nội và tỉnh Ninh Bình tổ chức hội nghị xúc tiến điểm đến du lịch liên vùng Ninh Bình-Hà Nội với các tỉnh Tây Nguyên, hay hội thảo phát triển bền vững du lịch văn hóa và du lịch sinh thái vùng Tây Nguyên.
Ngoài ra, còn có buổi tọa đàm giữa Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với doanh nghiệp, nhóm trẻ khởi nghiệp tỉnh Gia Lai về chủ đề xây dựng vùng nguyên liệu cà phê và du lịch nông nghiệp, qua đó giúp thanh niên nhận thức đúng đắn hơn về khởi nghiệp du lịch trong giai đoạn hiện nay. Các hoạt động đã góp phần quảng bá cho du lịch Gia Lai, thu hút du khách. Đây cũng là chuỗi sự kiện có sự đột phá về lượng khách đến trong những năm qua.