Gà nướng cơm lam, lá mì cà đắng, thịt bê nướng bóp mật đắng… không còn xa lạ với du khách khi đến Pleiku (tỉnh Gia Lai). Hơn chục năm qua, các món ăn của người địa phương đã được chính những đầu bếp Jrai, Bahnar chế biến, tạo nên nét văn hóa ẩm thực độc đáo cho phố núi Pleiku.
Không ai còn nhớ những món ăn bản địa của người Jrai, Bahnar có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, trải qua thời gian, những món ăn ấy được chính người dân địa phương gìn giữ và tạo thành nét văn hóa ẩm thực đặc sắc. Không chỉ phục vụ người dân trong tỉnh, những quán ăn đặc sản mang đậm hương vị truyền thống này còn là điểm đến hấp dẫn du khách. Quán Ẩm thực Bazan (làng Chuét 1, phường Thắng Lợi) là một trong số đó.
Kỹ thuật nướng “sa lửa” giúp da gà giòn mà thịt bên trong không bị khô. Ảnh: Vũ Thảo
Nói về ý tưởng mở quán, anh Ksor Thức kể: Qua nhiều năm lưu diễn cũng như tiếp xúc với du khách, anh nhận thấy họ rất tò mò, háo hức khi được thưởng thức những món ăn của người bản địa. Năm 2012, anh bắt tay xây dựng quán ngay trên mảnh đất của gia đình. Lúc này, ở Pleiku đã có một vài quán. “Là người đi sau nên tôi luôn trăn trở phải làm cách nào đó để thu hút khách. Đã là quán ăn mang đậm chất của người Jrai thì phải theo lối kiến trúc bản địa, món ăn phải đặc trưng. Thời gian đầu, món chủ đạo của quán là gà nướng cơm lam, sau đó, tôi bổ sung thêm nhiều món truyền thống trong các dịp lễ hội của buôn làng để làm phong phú thêm thực đơn như: lòng gà cà đắng đùm lá chuối, lá mì xào ba chỉ, bò nướng trộn mật, lẩu cá lóc lá é…” – anh Thức chia sẻ.
Dành thời gian đi tham quan, tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, hầu hết các quán được thiết kế theo kiểu kiến trúc truyền thống, tái hiện nếp sống và không gian làng của người dân tộc thiểu số như: cây nêu, nhà rông, nhà sàn, gác bếp, tượng gỗ, nhạc cụ, dàn chiêng… Tất cả tạo nên điểm nhấn rất riêng mà chỉ có những quán mang “hơi thở” của làng mới có được. Nhiều quán còn hút khách bởi tài nghệ, danh tiếng của chủ nhân, đơn cử như quán Ksor Hnao (làng Kép, phường Đống Đa).
Nghệ nhân Ksor Hnao cho hay: Ban đầu, ông dựng một vài nhà sàn nhỏ trong khuôn viên sân vườn. Sau một thời gian, thấy lượng khách ổn định, ông mở rộng diện tích kinh doanh lên hơn 800 m2, có thể phục vụ cùng lúc 300 khách. “Ngày trước, tôi hay đi biểu diễn nên quen biết nhiều người. Do vậy, khi họ lên Gia Lai thường ghé về nhà tôi chơi, chiêm ngắm những tượng gỗ do tôi chế tác, có người còn lưu lại vài ngày. Khi được thưởng thức các món ăn do gia đình tôi nấu, nhiều người khen ngợi và góp ý nên mở quán để quảng bá văn hóa ẩm thực của người địa phương. Đến năm 2017, tôi mở quán. Từ vài món cơ bản ban đầu, đến nay, thực đơn của quán có khoảng 50 món, trong đó, hầu hết mang đặc trưng của người Jrai” – nghệ nhân Ksor Hnao kể.
Không phải là quán đầu tiên đưa các món ăn truyền thống của người Jrai đến với thực khách, nhưng Jrai Food (đường Trần Quang Khải, phường Diên Hồng) cũng đã trở thành cái tên quen thuộc trong làng ẩm thực Phố núi. Người thổi hồn vào các món ăn của Jrai Food là chị Ksor HKhal – chủ quán và là người trực tiếp đứng bếp. Chị tâm sự: “Cơm lam gà nướng hiện đã là món ăn quen thuộc tại Phố núi. Vì vậy, để thực khách nhớ đến quán thì phải tạo được hương vị đặc biệt, khó quên. Đối với cơm lam, phải nấu hạt nếp rẫy do chính người Jrai trồng, ống nứa dùng nấu cơm phải là tươi, loại thân mỏng. Với món gà nướng, chọn gà thả vườn tầm 1,2-1,4 kg chắc thịt, tẩm ướp theo công thức gia truyền và phải có kỹ thuật nướng “sa lửa” để đảm bảo da gà giòn mà thịt bên trong không bị khô. Ngoài ra, món gà ngon hơn nhờ gia vị chấm đi kèm là muối lá é. Trong chế biến, tôi quan niệm là giữ nguyên hương vị truyền thống của người Jrai nhưng có gia giảm gia vị để phù hợp khẩu vị của thực khách”.
Ngoài phục vụ thực khách tại Phố núi, mỗi năm, Jrai Food còn tham gia các liên hoan, ngày hội ẩm thực tại các tỉnh, thành trong cả nước. “Tại Liên hoan ẩm thực toàn quốc do Tổng cục Du lịch tổ chức ở TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) vào tháng 10/2019, gian hàng cơm lam gà nướng của Jrai Food đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của khách và đạt giải nhì” – chị HKhal phấn khởi nói.
Góp phần quảng bá văn hóa truyền thống
Anh Nguyễn Văn Lục – một du khách đến từ Hà Nội-bày tỏ sự thích thú khi nhắc đến Pleiku: “Có một điểm rất hay đó là những ngôi làng vùng ven Pleiku vẫn giữ được nét đặc trưng của mình. Đặc biệt, Pleiku có nhiều quán ăn của người Jrai ngay tại làng, tạo cho du khách thêm nhiều hứng thú khi đến đây”.
Ẩm thực Bazan đang là điểm đến hấp dẫn thu hút du khách khi đến Pleiku. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Theo anh Ksor Thức thì: “Để tạo điểm nhấn thu hút khách, quán thường xuyên tổ chức trình diễn cồng chiêng, múa xoang, biểu diễn đàn t’rưng, guitar, hát mộc… Qua đó tạo nên nét riêng, khiến du khách lưu nhớ”. Còn với quán Ksor Hnao, đa phần khách đến đều mến mộ tài năng của nghệ nhân tài hoa. Chị Ksor Jưn – con gái nghệ nhân Ksor Hnao – tâm sự: “Vào dịp cuối tuần, quán có phục vụ cồng chiêng và các loại nhạc cụ truyền thống. Với mong muốn du khách có thêm cơ hội tìm hiểu về bản sắc của đồng bào địa phương, quán xây dựng thêm một khu vừa làm nhà sàn, đốt lửa, múa xoang và dựng nhà rông truyền thống của người Jrai trưng bày những hiện vật xưa cũ. Trong xu thế phát triển du lịch cộng đồng thì việc mình đầu tư nâng cấp quán cũng sẽ góp phần tạo điểm nhấn, thu hút du khách đến địa phương”.
Theo các công ty lữ hành, hiện nay, một số tour du lịch đã lồng ghép các điểm đến ẩm thực Tây Nguyên và được du khách đánh giá cao. Bà Nguyễn Lê Hoàng Anh – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại du lịch sinh thái Gia Lai – cho biết: “Với mong muốn đưa ẩm thực truyền thống giới thiệu cùng du khách, các chủ nhà hàng đã không ngừng học hỏi để kết hợp hài hòa ẩm thực truyền thống với hiện đại, kết hợp giữa ẩm thực và văn nghệ dân gian, tạo điểm khác biệt thu hút du khách. Trong các tour du lịch, Công ty luôn sắp xếp chương trình của du khách có một bữa ăn thưởng thức ẩm thực truyền thống với cơm lam gà nướng, rượu cần và giao lưu văn hóa cồng chiêng”. Theo bà Anh, dù nhiều nơi có món cơm lam gà nướng nhưng đa số du khách vẫn đánh giá cao món cơm lam gà nướng tại phố núi Pleiku. Tuy nhiên, để trở thành điểm đến hút khách, các quán cần kết hợp với Hội Du lịch cộng đồng để được giới thiệu các lớp tập huấn kỹ năng phát triển nghề bếp truyền thống. Ngoài ra, chọn lọc một số món ăn tiêu biểu làm phong phú hơn thực đơn, đồng thời phát triển thêm một số món mới.
VŨ THẢO – NHƯ Ý – GLO