Hàng loạt cuộc tìm kiếm được tổ chức với hàng ngàn ngày công, hàng chục ngàn mét vuông đất đá được đào bới nhưng tung tích nấm mộ tập thể năm xưa vẫn chưa phát lộ.
Trận chiến anh hùng
Trưa 24-6-1954 trên quốc lộ 19 (nay thuộc huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) nổ ra trận phục kích chớp nhoáng đoàn xe quân sự Pháp. Trong trận này, Trung đoàn 96 và các đơn vị phối thuộc của Liên khu V đã tiêu diệt Binh đoàn cơ động 100 của Pháp mới điều từ Triều Tiên sang Tây Nguyên (Việt Nam).
Trong căn nhà nhìn ra mặt đường tại thị trấn Đak Pơ, cựu chiến binh Thái Diệp (96 tuổi) còn nhớ như in trận đánh đẫm máu năm ấy. Ngồi nhìn xa xăm ra con đường là chiến trường năm xưa, người cựu binh già xúc động kể trận chiến diễn ra khoảng 5 giờ, từ 14h ngày 24-6 tới sẩm tối. Bộ đội ta mai phục đoàn xe trên các vạt đồi dọc quốc lộ 19, từ khu vực tượng đài chiến thắng Đak Pơ bây giờ đến hết thị trấn.
Trong trận đánh, ông Diệp là lính cối 82 của đại đội 3, tiểu đoàn 40, lãnh nhiệm vụ bắn tiêu diệt bộ binh. Khi đoàn xe quân Pháp lọt vào trận địa bị bắn chặn đầu đuôi dồn ứ dài cả cây số. Tất cả các họng súng trên những điểm cao đồng loạt khạc lửa xuống đoàn quân đối phương đang hoảng loạn.
Bị khóa chặt không còn đường thoát, quân Pháp tập trung hết hỏa lực bắn như mưa lên trận địa. Những vạt lau sậy trên đồi bị súng máy lia đứt thành vệt đều như máy cắt.
Đến sẩm tối tàn cuộc chiến, quân địch tan tác chia từng nhóm nhỏ tìm đường rút chạy, bỏ lại rất nhiều khí giới và xe pháo. Sau trận đánh, 700 quân Pháp chết và bị thương, 1.200 người đầu hàng.
Nhưng trả giá cho chiến thắng này là 147 chiến sĩ Trung đoàn 96 cùng dân công, thanh niên xung phong đã mãi mãi nằm lại trận địa mà nay thời gian đã làm cho mất dấu.
Nơi các anh nằm trong ký ức mơ hồ của đồng đội
Ở tuổi 93, cựu binh Nguyễn Anh Hồi, trú thị xã An Khê (Gia Lai), trào dâng xúc động khi hỏi về nơi chôn cất liệt sĩ. Khai chiến chừng một giờ, ông Hồi bị trúng đạn vào vai và được đưa về bệnh viện dã chiến mổ cấp cứu.
Trạm phẫu thuật nằm trên ngọn đồi thấp, chỉ cách chiến trường chừng hơn một cây số. “Từ bệnh viện tới khu chôn cất liệt sĩ chừng 300 – 400 mét vì không có người khiêng, không đưa đi xa được. Đội phụ trách chôn cất chủ yếu là dân công và du kích đồng bào địa phương, bây giờ chắc không mấy ai còn sống nữa!”, ông Hồi xúc động.
Hồi tưởng ký ức bi tráng, người lính già nhiều đêm trằn trọc, nước mắt chảy dài khi nhớ tới đồng đội. Thương anh em 70 năm nằm giữa núi rừng hoang lạnh không được hương khói!
Còn theo trí nhớ ông Phạm Lộng (93 tuổi), cựu thanh niên xung phong, bãi chôn cất là vùng đất cát sỏi tương đối bằng phẳng giữa thung lũng, rộng khoảng 3 – 4 sào, mọc toàn cây dầu và cây bụi.
“Hồi đó gấp rút hành quân, chôn cất rất vội, các huyệt đào chỉ sâu khoảng nửa mét. Anh em có gì quấn đó, chủ yếu là quấn tăng bạt, vải dù cùng hành trang mấy bộ quần áo cho liệt sĩ. Sau này tìm mãi không thấy, chúng tôi suy nghĩ nhiều lắm. Có khi nào ngày ấy chiến sự phải chôn cất vội vàng, giữa rừng cọp beo thú dữ, súc vật đào phá, xâm phạm thi thể anh em?”, ông Lộng rớm nước mắt.
Hồi đó gấp rút hành quân, chôn cất rất vội, các huyệt đào chỉ sâu khoảng nửa mét. Anh em có gì quấn đó, chủ yếu là quấn tăng bạt, vải dù cùng hành trang mấy bộ quần áo cho liệt sĩ…
Cựu chiến binh Phạm Lộng
Hành trình không mệt mỏi tìm nấm mộ chung
Chắp vá những lời kể rời rạc, chút ký ức mơ hồ và thông tin ít ỏi khiến các cuộc tìm kiếm nhiều lần rơi vào ngõ cụt, nhưng các cơ quan chức năng không bỏ cuộc.
Một ngày giữa tháng 7-2024, hàng chục cán bộ chiến sĩ Đội quy tập hài cốt liệt sĩ (K52, Tỉnh đội Gia Lai) đổ bộ lên vạt đồi thấp tại tổ 2 thị trấn Đak Pơ. Trên vạt đồi đất đỏ cạnh nơi người dân đang tỉa bắp, họ chia nhau vung cuốc đào bới từng ô chữ nhật rồi móc lên toàn đất đỏ và sỏi nhỏ.
Suốt mấy tuần liền, những chiến sĩ trẻ ngày hai buổi đều đặn vác cuốc xẻng lên vạt đồi vung sức đào xuống với hy vọng tìm được chút dấu vết nấm mộ chung, nhưng chẳng có gì ngoài đất và đá.
Trung úy Đào Xuân Thiện quyết định chọn nơi này đào thám sát vì tương đối phù hợp lời kể của các cựu binh. Có người từng tham gia chôn cất các liệt sĩ kể rằng nơi chôn cất là vạt đồi đất đỏ, khi xong nhiệm vụ họ rửa tay dưới con suối nhỏ bên cạnh, cách không xa có hòn đá lớn. Sau khi khảo sát, chỉ khu vực này có đất đỏ và cũng gần hòn đá lớn, phù hợp lời kể lại.
Bên cạnh nhóm tìm kiếm ngoài thực địa, những cán bộ kinh nghiệm của Đội K52 chia nhau tỏa đi các bản làng lân cận nghe ngóng. Một người dân thông tin cách đây vài năm có người đào bới trong khu rẫy cũ phát hiện bộ hài cốt.
Trong khi đó, người khác kể nhiều năm trước đi săn từng gặp những cụ già người Ba Na thời kháng chiến và được mách vạt rừng phía trước tượng đài Đak Pơ là nơi liệt sĩ hy sinh nhiều.
Lần theo thông tin, thượng tá Hoàng Viết Ngọc – chính trị viên Đội K52 – tìm tới nhà chủ đất là ông Đỗ Văn Nguyện (60 tuổi), trú thôn 4, xã An Thành, huyện Đak Pơ. Nghe Tỉnh đội tìm liệt sĩ, ông Nguyện xúc động, nhanh nhẹn dẫn đường băng qua những rẫy mía bạt ngàn tiến vào mảnh đất trồng bạch đàn của gia đình.
Nhiều năm canh tác, ông Nguyện bảo có những cảm nhận rất lạ lùng mỗi khi vào đây. Là người “cứng gan” không tin những chuyện tâm linh, nhưng người đàn ông này bảo chưa bao giờ chợp mắt ngủ được trong những đêm ở lại rẫy. Bởi vậy, ông đồng ý ngay lập tức khi thượng tá Ngọc đề nghị cho đào thám sát khu rẫy.
Ai cũng cầu nguyện các liệt sĩ anh hùng được quy tập về nghĩa trang để anh linh ấm lòng trong hương khói của đồng bào mình.
Xác định hai khu vực
Dẫn chúng tôi ra khu hồ thủy lợi Ktung 4 phía bắc tượng đài chiến thắng Đak Pơ, thượng tá Ngọc cho biết từ năm 2016 chiến sĩ Đội K52 đã đào thám sát rất nhiều vị trí xung quanh hồ. Chỉ tay ra mặt hồ mênh mông nước, thượng tá Ngọc bảo chỉ còn vùng lòng hồ là chưa đào xuống.
Trước khi Tỉnh đội Gia Lai tham gia tìm kiếm, từ năm 2011, UBND huyện Đak Pơ đã tổ chức nhiều hội thảo thu thập thông tin. Qua thông tin từ Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 96 và người dân khu vực, xác định hai khu vực có khả năng chôn cất liệt sĩ. Đó là vùng gần nhà rông làng Kuk Kôn (xã An Thành) và khu vực trạm phẫu phía tây hồ Ktung.
Theo Huyện đội Đak Pơ, từ năm 2016, cơ quan này phối hợp cùng Đội K52 tổ chức đào khảo sát, tìm kiếm nhiều đợt với hàng ngàn ngày công. Tổng cộng, họ đã đào trên khu vực rộng 21.500m2 nhưng hầu như không thu được kết quả gì.
Ngoại trừ đợt tìm kiếm năm 2023 có phát hiện 1 hài cốt liệt sĩ chưa rõ danh tính tại thôn 4 xã An Thành.
Tuoitre.vn
Nguồn:https://tuoitre.vn/70-nam-sau-chien-thang-dak-po-van-dau-dau-tim-mo-147-liet-si-20240727075336029.htm