Chủ nhân giải thưởng VinFuture nhận giải Nobel
Giải Nobel hóa học 2024 với công trình sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để “giải mã” cấu trúc của hầu hết các loại protein được cộng đồng nghiên cứu quan tâm đặc biệt bởi ý nghĩa to lớn của công trình đột phá này. Cấu trúc protein được coi là bài toán “nửa thế kỷ” của cộng đồng khoa học cũng như cả thế giới. Trong đó, nút thắt lớn nhất là dự đoán cấu trúc protein mà không cần thí nghiệm.
Đặc biệt, trong số ba chủ nhân giải Nobel hóa học 2024, hai nhà khoa học là TS Demis Hassabis và TS John Jumper, với công trình đột phá trên, từng được vinh danh tại giải đặc biệt VinFuture dành cho nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới vào năm 2022.
Ngay từ thời điểm đó, hội đồng giải thưởng VinFuture đã đánh giá công trình tiên phong về hệ thống AI giải mã protein AlphaFold 2 của hai nhà khoa học đã tạo nên cuộc cách mạng trong mô hình hóa cấu trúc protein, giúp thúc đẩy những phát triển đột phá trong lĩnh vực y sinh, y tế và nông nghiệp.
Trước đó, hai chủ nhân của giải thưởng VinFuture là GS Kariko và TS Weissman cũng đã đoạt giải Nobel y sinh 2023.
Đánh giá cao ý nghĩa của công trình đã sớm được vinh danh tại giải thưởng VinFuture, GS.TS Chu Hoàng Hà – phó chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam – cho rằng hội đồng giải thưởng VinFuture đã cho thấy tầm nhìn xa, đúng hướng khi nhìn ra những công trình có sức ảnh hưởng lớn tới nhân loại.
“Đây là những công trình không chỉ đóng góp cho sự phát triển của khoa học mà lớn hơn là cho cuộc sống của hàng triệu người”, GS Hà nói.
Theo GS Hà, việc VinFuture có cùng lựa chọn với những giải thưởng Nobel không phải sự trùng hợp ngẫu nhiên mà còn thể hiện tầm nhìn xa, khả năng đón đầu xu hướng của VinFuture. VinFuture đã lựa chọn vinh danh những công trình hướng tới những lĩnh vực có sức tác động lớn như AI, năng lượng xanh, an ninh lương thực, sức khỏe cộng đồng…
Thúc đẩy những nghiên cứu mang tính đột phá
TS Nghiêm Vũ Khải – nguyên thứ trưởng Bộ KH&CN – cho hay việc sớm vinh danh những công trình như AlphaFold 2 là kết quả của định hướng và sứ mệnh đúng đắn, mang tính toàn cầu của VinFuture.
Theo TS Khải, dù ra đời sau nhưng giải thưởng VinFuture đã tập hợp được tinh hoa trí tuệ nhân loại, có tư duy và góc nhìn mới mẻ cùng cách làm đột phá khiến giải thưởng tạo ra được sức ảnh hưởng lớn.
Theo TS Lê Thị Hồng Lan (chuyên gia về công nghệ sinh học), VinFuture là giải thưởng không chỉ tập trung vào các công trình đã có thành tựu rõ ràng mà còn đánh giá tiềm năng phát triển trong tương lai, đặc biệt là phát hiện và vinh danh những công trình bứt phá từ VinFuture. “Việc lựa chọn chính xác của giải thưởng VinFuture không chỉ tạo ra động lực chủ nhân giải thưởng mà còn đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy những nghiên cứu mang tính đột phá”, TS Lan nói.
TS Lan cũng cho rằng VinFuture ngày càng khẳng định vị thế trong giới khoa học toàn cầu, không chỉ trong việc ghi nhận những thành tựu khoa học mà còn là cầu nối giữa các nhà nghiên cứu và những cơ hội mới, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của khoa học và công nghệ trong tương lai.
Trong khi đó, GS Richard Henry Friend – chủ tịch Hội đồng giải thưởng VinFuture – cho hay mức độ bao quát sâu rộng trên hầu hết lĩnh vực khoa học công nghệ của giải thưởng VinFuture đã được minh chứng rõ nét qua những công trình được trao giải và các chủ nhân giải thưởng của ba mùa trước.
“Những lĩnh vực được vinh danh đều khẳng định tính thiết yếu với cuộc sống nhân loại như nông nghiệp, y tế, khoa học môi trường, công nghệ thông tin toàn cầu, hệ thống năng lượng tái tạo – gồm pin mặt trời và pin Lithium-ion. Chúng tôi vinh dự được hàng nghìn nhà khoa học trên thế giới chấp thuận trở thành đối tác đề cử cho giải thưởng VinFuture”, ông nói.
Nhiều chủ nhân của giải thưởng VinFuture tiếp tục được vinh danh ở những giải thưởng quốc tế danh giá, đặc biệt là giải Nobel, đã cho thấy giải thưởng khoa học và công nghệ quốc tế do người Việt khởi xướng tạo ra ảnh hưởng ngày càng lớn đối với cộng đồng khoa học và nhân loại.
Số lượng hồ sơ đề cử đạt kỷ lục
Giải thưởng VinFuture là hoạt động trung tâm của Quỹ VinFuture, một tổ chức phi lợi nhuận được đồng sáng lập vào ngày 20-12-2020 bởi tỉ phú Phạm Nhật Vượng – nhà sáng lập Tập đoàn Vingroup, cùng với phu nhân là bà Phạm Thu Hương.
Giải thưởng được thành lập nhằm ghi nhận những nhà phát minh và nhà nghiên cứu xuất sắc đến từ các trường, viện nghiên cứu toàn cầu, phòng thí nghiệm và tập đoàn công nghiệp công nghệ để tôn vinh những nghiên cứu khoa học đột phá và đổi mới công nghệ, tạo ra sự thay đổi có ý nghĩa trong cuộc sống hằng ngày của hàng triệu người.
Năm 2024, giải thưởng VinFuture nhận được 1.469 hồ sơ đề cử, tăng gần 8 lần so với mùa giải đầu tiên. Đặc biệt, gần 15% đối tác đề cử trong mùa 4 này là các tác giả thuộc nhóm top 2% các nhà nghiên cứu hàng đầu được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới.
Các đề cử tiếp tục bao phủ đa dạng nhiều lĩnh vực thiết yếu như y tế và chăm sóc sức khỏe (chiếm 36,3%), năng lượng bền vững (24,6%), môi trường và biến đổi khí hậu (15,2%), ứng dụng AI trong đa ngành (13,8%) và nông nghiệp (10,1%). Số lượng các nhà khoa học quốc tế trở thành đối tác đề cử chính thức của giải thưởng VinFuture mùa 4 cũng tăng mạnh với tổng cộng 9.101 người, đây là mức tăng hơn 70% so với 5.264 đối tác của mùa giải thứ 3.
TS Lê Thái Hà – giám đốc điều hành Quỹ VinFuture – cho biết đa số các công trình đề cử là kết quả của những dự án hợp tác xuyên biên giới và đa ngành, vượt ra khỏi những khuôn khổ giới hạn. “VinFuture mong muốn thông qua việc tôn vinh các công trình đề cử xứng đáng sẽ mang đến những tác động tích cực, góp phần thúc đẩy những sáng kiến khoa học công nghệ đột phá trên khắp thế giới”, TS Hà nói.
Lễ trao giải VinFuture năm 2024 dự kiến tổ chức vào đầu tháng 12 tại Hà Nội.
Nguồn: https://tuoitre.vn/giai-thuong-vinfuture-voi-tam-nhin-toan-cau-20241012093019281.htm