Với những nghiên cứu tiềm năng trong lĩnh vực khoa học vật liệu và khoa học sự sống, 3 nhà khoa học trẻ là nữ của Việt Nam đã được trao Giải thưởng khoa học L”Oréal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học.
3 nhà khoa học nữ của Việt Nam được trao giải thưởng L’Oréal – UNESCO năm 2023. (Nguồn: BTC) |
Vừa qua, chương trình Giải thưởng Khoa học L’Oréal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học (For Women in Science) đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2023 cho TS.Trần Thị Kim Chi; PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài; PGS.TS Nguyễn Thị Ái Nhung. Đây là 3 nhà khoa học nữ Việt Nam có các đề án nghiên cứu tiềm năng trong lĩnh vực khoa học vật liệu và khoa học sự sống.
Tại buổi lễ, Hội đồng Khoa học quốc gia đã công bố và trao giải cho 3 nhà khoa học trẻ xuất sắc trong 2 lĩnh vực khoa học vật liệu và khoa học sự sống, với giá trị 150 triệu đồng cho mỗi ứng viên đạt giải.
3 nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2023 được vinh danh gồm: TS. Trần Thị Kim Chi (Trưởng phòng Hiển vi điện tử, Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam); PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài (Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM); PGS.TS Nguyễn Thị Ái Nhung (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao công nghệ, Viện Nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; Trưởng Bộ môn Hóa lý, Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế).
TS. Trần Thị Kim Chi là tác giả của 52 bài báo quốc tế, 23 bài báo trong nước và chủ trì 8 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở và quốc gia với hướng nghiên cứu trọng tâm trong lĩnh vực quang – điện tử, và gần đây là nghiên cứu chế tạo cửa sổ điện sắc kết hợp với lưu trữ năng lượng.
TS. Trần Thị Kim Chi đã nghiên cứu tìm hiểu tính chất của thế hệ pin mới không gây hại cho môi trường, chi phí sản xuất thấp, để thay thế cho các loại pin hiện hành. Nghiên cứu này khi đưa ra ứng dụng sẽ tránh được việc khai thác mỏ gây ô nhiễm môi trường của các kim loại chuyển tiếp độc hại trong pin đang sử dụng hiện nay.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài là tác giả và đồng tác giả của 3 chương sách và 72 bài báo với 25 bài báo ISI/Scopus trong lĩnh vực nghiên cứu hệ protein (proteomics) và kháng thuốc.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài đã nghiên cứu về các giải pháp giúp giảm tình trạng kháng kháng sinh và tăng hiệu quả điều trị. Nghiên cứu này sẽ áp dụng kỹ thuật PCR giọt kỹ thuật số là công nghệ khuếch đại acid nucleic mới được phát triển gần đây. Đây là công nghệ có độ nhạy, độ chính xác, độ lái tập cao, khả năng định lượng vi sinh ngay cả ở nồng độ rất thấp và khả năng hoạt động tốt với các mẫu bệnh phẩm.
Nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài hướng đến việc phát triển các xét nghiệm mới để phát hiện nhanh sự hiện diện của các gen kháng kháng sinh ngay trên mẫu lâm sàng, hỗ trợ tốt hơn cho các y bác sĩ trong chẩn đoán kháng thuốc và gợi ý sử dụng thuốc. Từ đó hỗ trợ quá trình điều trị, giảm sự phát triển và lây lan của tính kháng thuốc, đóng góp quan trọng cho việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
PGS.TS Nguyễn Thị Ái Nhung đã công bố 37 công trình quốc tế, trong đó có 27 công trình đứng tên đầu, là đồng tác giả của 3 sách chuyên ngành, chủ nhiệm 4 đề tài nghiên cứu khoa học.
PGS.TS Nguyễn Thị Ái Nhung đã nghiên cứu để tìm ra các hợp chất tự nhiên có tiềm năng kháng khuẩn, ức chế virus, đóng vai trò là kháng sinh tự nhiên có khả năng thay thế thuốc hiện hành.
Mục tiêu của nghiên cứu là sàng lọc các hợp chất tự nhiên từ một số cây dược liệu mới và đặc hữu tại Việt Nam như gừng đen, trứng nhện, tỏi đá Phong Điền, bồ công anh, nấm dược liệu… và khảo sát chi tiết cấu trúc, tính chất hóa học, tính chất dược lý và hoạt tính sinh học của hợp chất tự nhiên. Từ đó đánh giá khả năng ức chế vi khuẩn và hội chứng bệnh (Alzheimer, tiểu đường…) của các hợp chất tự nhiên và so sánh với thuốc đối chứng.
Kết quả nghiên cứu của đề tài đã hướng đến việc xây dựng bộ dữ liệu về cấu trúc, tính chất của hợp chất tự nhiên tiềm năng trong ức chế vi khuẩn và một số hội chứng bệnh, làm cơ sở khoa học đáng tin cậy cho các nghiên cứu chuyên sâu về dược chất thiên nhiên và hóa dược để bào chế thuốc có nguồn gốc tự nhiên, ứng dụng trong phòng và hỗ trợ điều trị bệnh, giúp nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Từ năm 2009, Giải thưởng khoa học L’Oréal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học đã được giới thiệu đến Việt Nam, nhằm hỗ trợ, khuyến khích việc nâng cao kiến thức khoa học, sự sáng tạo và đam mê từ những nhà khoa học nữ trên toàn thế giới. Trong 14 năm qua, giải thưởng này đã vinh danh 38 nhà khoa học nữ xuất sắc của Việt Nam, qua những nghiên cứu được đánh giá là có ý nghĩa khoa học quan trọng, góp phần cải thiện và thay đổi cuộc sống của cộng đồng và thể hiện niềm đam mê của họ với nghiên cứu khoa học. Các nhà khoa học nữ xuất sắc của Việt Nam đã được đề cử cho các giải thưởng quốc tế và đã có 3 nhà khoa học đoạt giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng quốc tế trong năm 2015, 2018 và 2022. |