Ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp thiết
Với tổng kinh phí dự kiến cho giai đoạn 1 (2021-2025), Chương trình được bố trí từ ngân sách nhà nước là gần 115 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất về nguồn lực cho các chương trình MTQG để thực hiện 10 dự án có tính chất khái quát nhất từ trước tới nay trong lĩnh vực côn tác dân tộc do 23 Bộ, ngành cùng quản lý, hướng dẫn tổ chức thực hiện.
Các nội dung của Chương trình mang tính chất tổng thể, bao phủ nhiều mặt của đời sống kinh tế – xã hội với kỳ vọng ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất hiện nay của đồng bào DTTS như: đất ở, nhà ở, nước sạch, đất sản xuất, dịch vụ xã hội cơ bản, cơ sở hạ tầng thiết yếu, giáo dục, đào tạo nghề… Đồng thời hướng tới những vấn đề mang tính chiến lược trong phát triển bền vững đối với vùng đồng bào DTTS&MN như: phát triển nguồn nhân lực, bình đẳng giới, thông tin tuyên truyền, đào tạo, tuyển dụng và sử dụng cán bộ…
Sau 3 năm triển khai Chương trình, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, sự nỗ lực của Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, địa phương đã chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Các nguồn lực, chính sách của Chương trình đã và đang tập trung đầu tư phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân dinh như kết nối đường giao thông, các công trình tưới tiêu phục vụ sản xuất, các công trình tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, sinh hoạt văn hóa… tập trung vào những địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS&MN. Đến nay, các địa phương đã hoàn thành việc phân bổ nguồn vốn. Tính đến ngày 31/5/2023, kết quả giải ngân nguồn vốn được giao giai đoạn 2021-2023 thực hiện Chương trình là hơn 7.800 tỷ đồng, đạt 18,54%. Một số tỉnh đạt tỉ lệ giải ngân cao so với bình quân của cả nước là: Hà Nội, Hậu Giang, Quảng Ninh, Yên Bái, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Quảng Ngãi…
Một số chỉ tiêu ước đến 31/12/2023 hoàn thành, vượt mục tiêu kế hoạch giao: Tỉ lệ giảm nghèo vùng đồng bào DTTS bình quân đạt 3,40% (đạt so với mức trên 3% mục tiêu kế hoạch giao); tỉ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; tỉ lệ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỉ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề; tỉ lệ học sinh trong độ tuổi học tiểu học, THCS, THPT đến trường, người từ 15 tuổi trở lên đọc thông viết thạo tiếng phổ thông; tỉ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; thôn có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng; tỉ lệ phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự hỗ trợ của nhân viên y tế.
Tiếp tục gỡ vướng
Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, trong quá trình triển khai Chương trình còn nhiều vướng mắc ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân nguồn vốn. Nguyên nhân được cho là việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện của một số bộ, ngành trung ương còn thiếu, chưa kịp thời, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện các nội dung, dự án, tiểu dự án thành phần của chương trình và tiến độ giải ngân vốn.
Băn khoăn vấn đề này, phát biểu tại Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình, ông Nguyễn Tuấn Thanh – Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định cho biết: Chương trình thực sự là động lực thúc đẩy vùng đồng bào DTTS và miền núi nhưng đây là chương trình mới, địa bàn rộng liên quan đến nhiều cấp ngành nên tại tỉnh Bình Định thời gian qua, công tác triển khai còn lúng túng do có nhiều quy định, văn bản chưa rõ ràng.
Bên cạnh đó, nguồn vốn giao cho các địa phương thực hiện được phân bổ đến từng dự án, do vậy các địa phương không chủ động trong công tác ưu tiên nguồn lực cho các dự án có nhu cầu ưu tiên bổ sung nguồn vốn để thực hiện. Đặc biệt, một số nội dung chính sách mức đầu tư hỗ trợ từ Trung ương còn thấp khó có khả năng thực hiện (như mức hỗ trợ cũng hoá đường liên xã 1,6 tỷ đồng/km; hoặc mức hỗ trợ đất sản xuất là 22,5 triệu đồng/hộ…
Theo lãnh đạo tỉnh Đăk Nông, hiện nay, các Tiểu dự án thuộc Dự án thành phần chưa có văn bản quy định, nội dung, đối tượng, định mức, hình thức hỗ trợ, Bộ tài liệu chưa được ban hành… thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ, ngành trung ương. Do vậy chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện và giải ngân nguồn vốn đã phân bổ. Hơn nữa, với đặc thù ở các tỉnh Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng, các hộ khó khăn về nhà ở thường sinh sống trực tiếp trên đất nông nghiệp tại các nương, rẫy, chưa được quy hoạch điểm dân cư nông thôn, với mức hỗ trợ của Chương trình cũng rất khó khăn để giải quyết đất ở tại điểm dân cư theo quy hoạch, dẫn đến gặp khó khăn trong việc thực hiện; vì vậy, đề nghị Ủy ban Dân tộc và Bộ, ngành Trung ương có cơ chế đặc thù thực hiện hỗ trợ nhà ở xây dựng trên đất nông nghiệp; Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm…
Ông Trần Việt Trường – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ kiến nghị: Trong giai đoạn tiếp theo, Ủy ban Dân tộc cần tham mưu Chính phủ cho phép các địa phương triển khai thực hiện Chương trình bằng ngân sách địa phương như Cần Thơ được mở rộng địa bàn thực hiện trên phạm vi toàn thành phố để đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn đều được hưởng lợi. Bởi vì có những Dự án, Tiểu dự án về lĩnh vực giáo dục, y tế, đảo tạo nghề… nếu chỉ thực hiện tại vùng dân tộc thiểu số (6 đơn vị hành chính cấp xã như Cần Thơ) thì không triển khai được do ít đối tượng, đồng thời các địa phương khác có đối tượng có nhu cầu thì lại không được thụ hưởng do không nằm trong vùng dân tộc thiểu số.
Nhìn từ thực tế triển khai thực hiện chương trình tại cơ sở và qua sơ kết 03 năm triển khai thực Chương trình, Ủy ban Dân tộc đã nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cho biết: Hiện nay, cơ bản tất cả các nội dung đã hoàn thành, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 38 sửa đổi Nghị định 27, tạo điều kiện thuận lợi để điều chỉnh bổ sung một số văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình.