Nhiều câu hỏi của cử tri chưa rõ tiến độ giải quyết
Tham gia phiên giải trình của Thường trực HĐND TP Hà Nội về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri, chiều 14/6, Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP Hồ Vân Nga cho biết: qua rà soát việc trả lời kiến nghị của cử tri của UBND TP cho thấy, trong lĩnh vực kinh tế ngân sách còn 300 kiến nghị chưa có kết quả cụ thể về thời hạn giải quyết, chủ yếu thuộc địa bàn quận, huyện. Trong đó có 50 câu trả lời chưa rõ nội dung cử tri hỏi; 90 câu giải quyết chưa kịp thời; 127 câu chưa rõ tiến độ giải quyết…
Đại biểu Hồ Vân Nga cũng nêu một số kiến nghị, các sở, ngành còn trả lời chưa thỏa đáng, dẫn chứng là kiến nghị của các hộ dân nhà chung cư G4 phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy), cử tri ở chung cư CT6 và 16B Nguyễn Thái Học (quận Hà Đông), hay cư dân khu nhà HH Linh Đàm (Hoàng Mai) về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bảo đảm quyền lợi của người dân khi chủ đầu tư vi phạm…
“Chủ đầu tư vi phạm đã có kết quả thanh tra, kiểm tra nhưng khi các chủ đầu tư không có khả năng thực hiện kết luận thanh tra, Sở TN&MT sẽ làm gì để trả lời, giải quyết dứt điểm kiến nghị của cử tri?”, hoặc “Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng Hòa Lạc từ lâu nhưng chủ đầu tư vẫn nợ dân tiền giải phóng mặt bằng, tiền tạm cư thì bao giờ mới giải quyết xong?” – đại biểu Hồ Vân Nga đặt câu hỏi?.
Đại biểu cũng đề nghị Sở TN&MT, Tài chính quan tâm đến kiến nghị của cử tri liên quan đến khu đất của Công ty Kỹ thuật viễn thông ở 404 và 418 phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng. Đây là công ty Nhà nước trực thuộc TP có vi phạm, theo hợp đồng thuê đất của TP đến năm 2006 công ty không được thuê đất nữa nhưng đến nay công ty không ký được hợp đồng thuê đất mới kéo dài. Đến nay tiền nợ thuê đất của công ty đã lên tới 65 tỷ đồng. Cử tri đề nghị TP xem xét thu hồi các điểm đất này để dành đất xây dựng trường học tại khu vực trên, giải quyết tình trạng thiếu trường, lớp học trên địa bàn.
Toàn TP còn 206 dự án sai phạm, vướng mắc về quy hoạch
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Giám đốc Sở TN&MT Lê Thanh Nam cho biết, liên quan đến dự án ở phường Trung Hòa sai phạm của chủ đầu tư về xây dựng sai mật độ dân số, chuyển đổi công năng.
Đến nay Sở TN&MT đã tiếp nhận và giải quyết cho toàn bộ các dự án trên địa bàn TP liên quan đến cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà với tổng số 777 dự án nhà chung cư. Trong đó có 571 khu nhà ở và chung cư đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận, chủ đầu tư thực hiện đúng; còn 206 dự án có sai phạm, vướng mắc về quy hoạch hoặc các vi phạm khác như chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý chuyển đổi mục đích sử dụng đất…
Qua tổng hợp 206 dự án có vướng mắc liên quan đến xây dựng sai so với thiết kế, tăng số tầng, chia nhỏ căn hộ, xây sai quy hoạch; chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính; chuyển nhượng dự án theo hình thức công ty mẹ cho công ty con. Sở TN&MT đã triển khai tháo gỡ và báo cáo UBND TP cấp trước với 33 nghìn căn hộ, với diện tích xây đúng quy hoạch và các nội dung khác; còn các diện tích vi phạm đang xử lý. Do còn một số khó khăn, vướng mắc về quy định nên Sở TN&MT đã báo cáo Thanh tra Chính phủ để xin ý kiến Bộ chính trị hướng xử lý để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.
Đối với dự án Mở rộng và hoàn thiện đường Láng – Hòa Lạc, Giám đốc Sở TN&MT thực tế có một số hộ khi bàn giao đất sau đó phương án sai, Thanh tra Chính phủ đã xem xét, Thanh tra Bộ TN&MT cũng xem xét quá trình triển khai của chủ đầu tư. Sở TN&MT sẽ có kết luận sớm nhất nội dung này để bảo đảm yêu cầu chủ đầu tư thực hiện các nội dung nhằm tháo gỡ tồn đọng.
Với kiến nghị của cử tri liên quan đến khu đất của Công ty Kỹ thuật viễn thông, Giám đốc Sở TN&MT cho rằng đây là nội dung khó và phức tạp, liên quan đến quá trình triển khai thực hiện sắp xếp đổi mới doanh nghiệp Nhà nước. Công ty Kỹ thuật viễn thông sử dụng khoảng 7.000m2 ở 2 lô đất số 404 và 418 đã cho nhiều tổ chức, cá nhân thuê. Kết luận thanh tra cho thấy, Sở Tài chính đã yêu cầu công ty thực hiện thủ tục phá sản do không hoạt động nhiều năm; Tòa án Nhân dân quận Hai Bà Trưng đã tiếp nhận hồ sơ.
Làm rõ thêm nội dung liên quan đến Công ty Kỹ thuật viễn thông, Giám đốc sở Tài Chính Nguyễn Xuân Lưu cho biết, từ năm 2013 công ty đã hoạt động kém hiệu quả, khi đó trong đề án của TP chính doanh nghiệp cũng đề nghị phá sản. Qua quá trình xem xét thì đến năm 2022 đề án đã được phê duyệt. Theo Luật Phá sản thì doanh nghiệp muốn phá sản phải nộp hồ sơ ra Tòa án, trực tiếp là Tòa án Nhân dân quận Hai Bà Trưng. Năm 2022 Tòa án Nhân dân quận Hai bà Trưng đã công bố phí doanh nghiệp tạm nộp là 652 triệu đồng nhưng doanh nghiệp không có tiền để nộp. Với trách nhiệm quản lý vốn, tài sản của doanh nghiệp, Sở Tài chính đã đề nghị tòa án cho doanh nghiệp nộp tạm số tiền 250 triệu đồng, đến nay doanh nghiệp đã nộp xong số tiền trên.
“Hiện Toà án Nhân dân quận Hai Bà Trưng đang thụ lý, Sở Tài chính đang đôn đốc để doanh nghiệp hoàn thiện phá sản. Sở TN&MT đã có giấy mời các cơ quan liên quan tới 19/6 này sẽ họp để giải quyết các vấn đề thanh tra. Còn vấn đề giải quyết nghĩa vụ của doanh nghiệp phá sản buộc phải đợi khi tòa án tuyên bố xong, chúng tôi hi vọng trong năm 2024 sẽ giải quyết tổng thể” – Giám đốc Sở Tài chính thông tin.
Liên quan đến đề xuất của cử tri về chuyển mục đích sử dụng đất sang xây dựng trường học, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, sắp tới sở cũng mời UBND quận Hai Bà Trưng cùng với Sở TN&MT chủ trì thống nhất giải quyết các nhóm nội dung: xử lý việc theo kết luận thanh tra của Sở TN&MT; tuyên bố phá sản; đề xuất giải pháp xử lý theo nguyện vọng của cử tri quận Hai Bà Trưng.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/giai-quyet-ro-rang-hon-kien-nghi-cua-cu-tri-trong-linh-vuc-kinh-te.html