(LĐXH) – Theo số liệu thống kê, cả nước có khoảng 5.400 làng nghề. Hoạt động sản xuất tại các làng nghề tạo ra khối lượng lớn rác thải mỗi ngày gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Việc xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề gặp rất nhiều khó khăn nhưng nếu chính quyền quyết tâm, có sự đồng thuận của người dân thì vẫn có thể giải quyết tận gốc.
4 trở ngại lớn để giải bài toán ô nhiễm môi trường làng nghề
Dù chính sách, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề cơ bản đầy đủ, song tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề đến nay vẫn chưa được giải quyết, gây ra nhiều hệ lụy.
Lý giải về vấn đề này, ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chỉ ra 4 trở ngại lớn đã và đang gây khó cho việc giải bài toán ô nhiễm môi trường làng nghề hiện nay. Thứ nhất, nguồn lực chính để triển khai công tác bảo vệ môi trường làng nghề vẫn trông chờ vào ngân sách, trong khi đó nguồn lực này rất hạn chế.
Thứ hai, công nghệ xử lý để lựa chọn được công nghệ phù hợp cho tất cả các ngành nghề không có, bởi chất thải phát sinh từ các làng nghề rất khác nhau.
Thứ ba, mặt bằng sản xuất, khu vực để sản xuất của các hộ gia đình trong làng nghề rất nhỏ hẹp, thậm chí là thiếu, chưa nói tới mặt bằng để xây dựng và vận hành hệ thống xử lý môi trường.
Một vấn đề nữa là tâm lý ỷ lại của người dân làng nghề vào sự hỗ trợ của Nhà nước khiến bài toán ô nhiễm môi trường làng nghề càng khó giải.
Đồng tình với quan điểm trên, GS.TS Đặng Thị Kim Chi, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, qua thực tế nghiên cứu, ô nhiễm môi trường của làng nghề tương đối phổ biến, ở trong tất cả các lĩnh vực sản xuất.
Không phải người dân không biết về sự nguy hại từ quá trình xử lý môi trường thô sơ trong các làng nghề hiện nay nhưng chấp nhận đánh đổi vì vấn đề kinh tế. Tại các làng nghề, nhiều tỷ phú đã xuất hiện nhưng cuộc sống và chất lượng môi trường ở khu vực này liên tục đi xuống và ngày càng trầm trọng hơn.
Để giải quyết ô nhiễm môi trường làng nghề, ông Tạ Đình Thi cho rằng, cần huy động, đa dạng hóa, xã hội hóa các nguồn lực và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề.
Cùng với đó, tổ chức tốt công tác quy hoạch, bao gồm quy hoạch khu sản xuất, khu xử lý môi trường và phải được sự đồng thuận của người dân. Nhà nước cùng với hộ gia đình trong các làng nghề nghiên cứu mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp theo hướng thân thiện môi trường, theo kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
“Một số loại hình làng nghề quá gây ô nhiễm cũng cần kiên quyết giải quyết và xử lý chứ không để tình trạng như hiện nay. Ý thức cộng đồng, trách nhiệm xã hội đối với môi trường làng nghề cũng đặc biệt cần cải thiện, đây chính là động lực cũng là giải pháp quan trọng giúp giải bài toán ô nhiễm môi trường làng nghề hiện nay”, ông Thi nhấn mạnh.
Kinh nghiệm từ Bắc Ninh
Từ lâu, làng nghề sản xuất giấy Phong Khê, phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh được biết đến là làng nghề ô nhiễm bậc nhất Việt Nam. Hoạt động tại làng nghề này phát sinh ra một lượng lớn chất thải rắn, khí thải, nước thải…
Phần nhiều trong số đó không được xử lý đúng quy định mà thải trực tiếp ra môi trường khiến cho môi trường sống khu vực làng nghề cũng như những vùng lân cận rơi vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Sức khỏe và đời sống của người dân bị ảnh hưởng.
Đa số các cơ sở sản xuất giấy đều sử dụng máy móc, công nghệ lạc hậu, thải loại của một số nhà máy trong và ngoài nước, dẫn đến hiệu quả, năng suất sản xuất thấp và gây ô nhiễm môi trường (nước, đất, không khí, tiếng ồn…).
Nguồn nước thải và khí thải trong hoạt động sản xuất tại làng nghề giấy Phong Khê được xác định là nguyên nhân chính gây ô nhiễm cho khu vực, sông Ngũ Huyện Khê (đoạn qua thành phố Bắc Ninh) ô nhiễm nặng, ảnh hưởng đến chất lượng nước sông Cầu, gây ra nhiều hệ lụy về môi trường từ nhiều năm.
Với quan điểm không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, tỉnh Bắc Ninh bằng các giải pháp quyết liệt đã yêu cầu xử lý nghiêm bằng hình thức cao nhất là đóng cửa các cơ sở gây ô nhiễm.
Trước đó, với sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh cùng sự chỉ đạo của các cơ quan chức năng TP Bắc Ninh, trong tháng 10 và 11/2024, toàn bộ 195 cơ sở sản xuất, kinh doanh giấy nằm trong khu dân cư tại phường Phong Khê đã xin tự dừng hoạt động.
Như vậy, TP Bắc Ninh về cơ bản đã thực hiện thành công lộ trình đóng cửa, chuyển đổi, di dời các cơ sở sản xuất giấy trong khu dân tại Phong Khê.
Mới đây, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có công văn về việc tiếp tục tăng cường xử lý, tiến tới xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường tại phường Phong Khê, cụm công nghiệp Phú Lâm (xã Văn Môn, Yên Phong).
Bên cạnh việc vận động người dân di dời nhà xưởng, chuyển đổi ngành nghề, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ sở, hộ gia đình, cá nhân di dời đến khu vực được phép hoạt động, chuyển đổi ngành nghề tại phường Phong Khê (TP Bắc Ninh), Cụm công nghiệp Phú Lâm (Tiên Du), xã Văn Môn (Yên Phong).
Hiện nay, UBND TP Bắc Ninh đang đề xuất UBND tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ không quá 200 triệu đồng/1 hộ di dời tại làng nghề Phong Khê; đồng thời giới thiệu địa điểm tại các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Bắc Kạn, Lào Cai đón nhận các cơ sở, doanh nghiệp có nhu cầu tiếp tục sản xuất.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn khẳng định, quan điểm của tỉnh Bắc Ninh là “không để ô nhiễm môi trường trở thành nỗi đau kéo dài”.
Chủ tịch tỉnh yêu cầu huyện Yên Phong tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, không để tái diễn tình trạng vi phạm gây ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, UBND tỉnh sẽ có những cơ chế chính sách hỗ trợ để tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Khánh Vân
Báo Lao động và Xã hội số 147
Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/xoa-doi-giam-ngheo/giai-quyet-o-nhiem-lang-nghe-kho-nhung-quyet-tam-se-lam-duoc-20241206113000756.htm