Cao tốc qua Bà Rịa – Vũng Tàu thành hình
Ngày 21/6, đoàn công tác của Bộ GTVT đã có buổi kiểm tra thực địa, làm việc với các địa phương, đơn vị liên quan về công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, tiến độ thi công cả ba dự án thành phần của cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.
Trong ba dự án thành phần, chỉ có dự án thành phần 3 đoạn qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cơ bản đủ mặt bằng nên thi công thuận lợi.
Đoàn công tác đánh giá cao tốc qua địa phương này đã thành hình, nối dài về phía biển. Hầu hết các đoạn đều đã được đắp thành đường, nhiều vị trí được cấp phối đá dăm.
Báo cáo với đoàn công tác, đại diện Ban QLDA công trình giao thông khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải cho biết, công trường đang thi công phần đường, cầu, hầm chui, đường công vụ, đúc dầm… Lũy kế giá trị thi công dự án đến nay đạt trên 30%.
Bà Rịa – Vũng Tàu cũng chủ động nguồn vật liệu dùng cho dự án. Địa phương cho phép liên danh nhà thầu khai thác đất đắp tại mỏ ở xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức và khai thác đá tại Lô IIB xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ.
Nhà thầu đã hoàn tất các thủ tục theo quy định và đang khai thác vật liệu thi công dự án.
Về bãi đổ thải, UBND tỉnh đã chấp thuận hai bãi đổ thải cho dự án tại thôn Tân Ninh, xã Châu Pha và ấp 3, xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ.
Địa phương cũng bàn giao mặt bằng hai bãi đổ thải tại các khu vực trên cho đơn vị thi công. Về mặt bằng cũng đã giải phóng hoàn tất 100% diện tích thu hồi.
Khó khăn về mặt bằng, đất đắp, đổ thải
Trái ngược với dự án qua địa bàn Bà Rịa – Vũng Tàu, đoạn qua Đồng Nai còn gặp vướng mắc về mặt bằng, vật liệu, vị trí đổ thải.
Tại dự án thành phần 1, ông Nguyễn Linh, Phó ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông Đồng Nai cho biết, đến nay mới cơ bản hoàn tất kiểm đếm đất đai, đang xác minh nguồn gốc đất.
“Mặt bằng giao chậm, đứt quãng, một số vị trí chỉ có đất giao thông, sông suối nên khó triển khai các gói thầu xây lắp. Tổng lũy kế xây lắp mới đạt khoảng 3,6%”, ông Linh nói.
Trong đó, gói thầu số 18 – thi công đoạn Km 0+000 – Km 6+200 qua thành phố Biên Hòa chưa triển khai ngoài hiện trường. Công nhân chỉ tập trung làm cấu kiện đúc sẵn trên bãi đúc. Tổng giá trị tích lũy chỉ đạt 0,21%.
Gói thầu xây lắp số 21 – thi công phân đoạn Km 6+200 – Km 16+000 qua huyện Long Thành mặt bằng bàn giao 3,8km liền khoảnh nên nhà thầu triển khai 5 mũi thi công, giá trị tích lũy 6,16 %.
Ở vị trí của Công ty CP Lizen thi công, đơn vị này đang triển khai 4 mũi để làm đường tuyến chính, đường gom, thoát nước ngang, cống chui, cọc. Huy động hàng chục xe máy, thiết bị, nhân sự để cùng thi công.
Vị trí của Công ty CP Hải Đăng nhà thầu bố trí hai mũi thi công gồm thi công hạng mục thoát nước, đường giao thông tuyến chính, đường gom. Huy động xe máy thiết bị 10 xe, nhân công 20 người.
Đoạn do Công ty CP Xây lắp 368 triển khai, nhà thầu đang xây dựng mố, trụ cầu vượt ngang và thi công đúc dầm Super T (25 dầm), đạt 75% khối lượng cầu vượt ngang Km 11+183.
Phần việc của Tổng công ty Xây dựng số 1-CC1 chủ yếu tập trung cho nền đường và hệ thống thoát nước.
“Khó khăn chính của dự án là mặt bằng, vật liệu, vị trí đổ thải. Vì vậy chúng tôi mong các đơn vị liên quan sớm giao mặt bằng, hoàn tất các thủ tục liên quan để thuận lợi trong khai thác vật liệu từ các mỏ, phục vụ dự án. Gỡ được các khó khăn về mặt bằng, vật liệu, vị trí đổ thải thì việc thi công sẽ thuận lợi hơn để đảm bảo tiến độ”, ông Linh nói.
Đại diện nhà thầu Lizen cũng mong muốn địa phương, các đơn vị chức năng sớm bàn giao mặt bằng, có phương án hỗ trợ về thủ tục… để có đất đắp, phục vụ thi công dự án.
Đối với dự án thành phần 2, ông Nguyễn Ngọc Hà, Giám đốc Ban QLDA thành phần 2 cho biết địa phương đã giao được hơn 54ha đất.
Trên công trường các nhà thầu đã triển khai 34 mũi thi công với 375 nhân sự, 85 đầu máy thiết bị. Ngoài ra còn huy động 5 bộ giá long môn, 1 trạm trộn bê tông xi măng. Sản lượng đến nay đạt 10,23% giá trị hợp đồng.
“Chiều dài mặt bằng không liên tục, không liền khoảnh nên thi công chưa thuận lợi. Một số vị trí quan trọng cần phải xử lý đất yếu với tổng thời gian thi công, chờ lún khoảng 600 ngày. Vì vậy việc chậm giao mặt bằng sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ chung hoàn thành dự án”, ông Hà cho hay.
Để đẩy nhanh thi công, Ban QLDA thành phần 2 đề nghị địa phương sớm giải phóng mặt bằng. Đẩy nhanh xây dựng các khu tái định cư, nghiên cứu phương án bố trí tạm cư, cho người dân bốc thăm đất tái định cư…
“Đối với các mỏ vật liệu thương mại đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận cho phép sử dụng tầng phủ của các mỏ đá để phục vụ nhu cầu cấp thiết. Đối với các vị trí đã đề xuất xin khai thác theo cơ chế đặc thù gồm khu vực nhà ga T3 sân bay Long Thành, Ban đề nghị địa phương phối hợp kiến nghị sử dụng nguồn đất để làm cao tốc.
Kiến nghị Bộ GTVT sớm có ý kiến để tháo gỡ vướng mắc về thủ tục khai thác vật liệu theo cơ chế đặc thù đối với mỏ Phước Bình. Chúng tôi mong muốn địa phương xem xét, chấp thuận về các vị trí đổ thải cho dự án để các nhà thầu thuận lợi hơn trong thi công”, ông Hà cho hay.
Tìm hướng tháo gỡ khó khăn
Trước những khó khăn, vướng mắc về vật liệu, vị trí đổ thải, đại diện Sở Tài nguyên – Môi trường Đồng Nai thông tin, các đơn vị cần có những báo cáo cụ thể, phối hợp chặt chẽ và chờ hướng dẫn từ trên.
Về đổ thải, Sở cũng sẽ ghi nhận các đề xuất từ các Ban QLDA, nhà thầu để tham mưu cho UBND tỉnh Đồng Nai có phương án xử lý.
Ông Lê Đình Thọ, Tổ trưởng Tổ cố vấn Bộ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh, các khó khăn, vướng mắc của dự án này đều đã cũ nên cần tận dụng kinh nghiệm từ các dự án khác để xử lý.
“Việc nào dễ, thuận lợi, đúng thẩm quyền thì tìm cách giải quyết sớm. Vướng mắc ở đâu, tháo gỡ ở đó và thống nhất vai trò của chủ đầu tư, nhà thầu, địa phương. Qua ghi nhận xác định Đồng Nai đã có tinh thần giải phóng mặt bằng nhưng các bên cần phối hợp chặt chẽ hơn”, ông Thọ nói.
Còn về dự án, mặt bằng, vật liệu, đổ thải được xác định rất quan trọng và phải làm lần lượt từng khâu để đảm bảo tiến độ dự án. Vì dự án phải có mặt bằng, khi bóc tách phải có nơi đổ thải và sau đó phải có vật liệu san lấp cũng không xong.
Tại buổi kiểm tra, làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn ghi nhận thời gian qua Đồng Nai đã nỗ lực trong giải phóng mặt bằng nhưng kết quả vẫn chậm.
“Đề nghị các Ban QLDA và địa phương phối hợp hỗ trợ lẫn nhau để đẩy nhanh các công việc. Bộ GTVT sẽ cùng đồng hành với địa phương để tháo gỡ các khó khăn. Đặc biệt đề nghị địa phương đẩy nhanh bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư”, Thứ trưởng Tuấn nói.
Cũng theo Thứ trưởng Tuấn, về mỏ vật liệu, các đơn vị chức năng cần hướng dẫn thủ tục pháp lý để sớm có đất phục vụ dự án. Về bãi đổ thải cũng nên xem xét vị trí gần dự án, bám sát thực tế và thỏa thuận với các xã. Các đơn vị chủ động bố trí vốn giải phóng mặt bằng và khái toán lại.
Còn ông Võ Văn Phi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, hết tháng 6 sẽ hoàn thành thẩm định, phê duyệt đất đai trên 90%. Những trường hợp vướng mắc khó khăn hơn sẽ hoàn thành giữa tháng 7. Sau đó sẽ chi trả đồng loạt cho người dân và dứt điểm xong giải phóng mặt bằng.
“Về tái định cư cũng khá thuận lợi vì đang có sẵn 150 lô tái định cư ở Trảng Bom và khu tái định cư Long Đức cũng đã rà soát, đang cho bốc thăm nhận đất. Riêng Long Phước khoảng 60 ngày nữa cũng có thể giao đất, cho bốc thăm. Người dân có thể tạm cư chờ xây dựng nhà cửa và giao mặt bằng. Tiếp nhận mặt bằng đến đâu sẽ san ủi, làm sạch đến đó”, ông Phi cho hay.
Cũng theo ông Phi, tỉnh Đồng Nai cũng sẽ xin ý kiến Bộ Tài nguyên – Môi trường về các mỏ và mong sớm có hồi đáp để triển khai.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/giai-quyet-mat-bang-vat-lieu-de-day-nhanh-tien-do-cao-toc-qua-dong-nai-19224062118584388.htm