Từ kỳ họp thường lệ cuối năm 2022 của HĐND tỉnh đến nay, tuy phải tập trung cao vào nhiều công việc quan trọng, song việc giải quyết kiến nghị của cử tri tiếp tục được HĐND, UBND tỉnh, các cơ quan quản lý Nhà nước quan tâm, thể hiện rõ trách nhiệm đối với cử tri và nhân dân trong tỉnh. Nhiều ý kiến, kiến nghị, phản ánh của cử tri đã được làm rõ và giải quyết kịp thời, từng bước củng cố niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền địa phương.
Cử tri phường Cửa Bắc (thành phố Nam Định) phát biểu kiến nghị với đại biểu HĐND tỉnh tại hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thường lệ giữa năm 2023, HĐND tỉnh khóa XIX. |
Với tinh thần hướng về cơ sở, trọng dân, gần dân, sát dân nên các hội nghị tiếp xúc cử tri ngày càng chất lượng, thu hút đông đảo người dân tham gia, thẳng thắn trao đổi, đề xuất mọi vấn đề từ những quan tâm, trăn trở vì sự phát triển của tỉnh, địa phương, những nội dung cần được các cơ quan, ban, ngành hỗ trợ, giải đáp đến những bức xúc phát sinh trong cuộc sống. Ngay sau các đợt tiếp xúc, các đại biểu đã phản ánh những ý kiến, kiến nghị của cử tri tới HĐND, UBND tỉnh và cơ quan chức năng, người có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của cử tri.
Đặc biệt, với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và nhân dân, trước mỗi kỳ họp thường lệ, Thường trực HĐND tỉnh còn tổ chức phiên họp giám sát kết quả thực hiện các nội dung kiến nghị cử tri, trả lời chất vấn, kiến nghị sau giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh. Tại phiên họp, lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành, các huyện, thành phố đã giải đáp các kiến nghị của cử tri, nội dung trả lời chất vấn, kiến nghị sau giám sát. Đồng thời cũng nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, xác định giải pháp và lộ trình thực hiện, thời hạn hoàn thành để cử tri hiểu và đồng thuận, ủng hộ các giải pháp của các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương. Nhờ vậy, các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống người dân được giải quyết tận gốc đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Đơn cử như kiến nghị của cử tri về việc khám, chữa bệnh cho những người có bảo hiểm y tế (BHYT) trong thời gian qua chưa được đảm bảo do thiếu thuốc, vật tư y tế, người dân phải tự mua vật tư y tế và thuốc điều trị. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành Y tế và các cơ quan liên quan sớm giải quyết vấn đề này để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT cũng là để vận động người dân tham gia mua BHYT có hiệu quả. Để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Y tế đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh xây dựng nhu cầu thuốc phù hợp nhu cầu điều trị để gửi Trung tâm đấu thầu thuốc quốc gia. Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tổ chức đấu thầu thuốc tập trung tại địa phương phù hợp với tình hình thực tế tại tỉnh; chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh chủ động mua sắm theo quy định, đặc biệt đối với các loại thuốc chưa có kết quả đấu thầu tập trung (cấp quốc gia, địa phương, đàm phán giá). Chủ động điều tiết số lượng thuốc trúng thầu giữa các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh. Đến nay tình trạng thiếu thuốc trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được khắc phục chỉ còn một số cơ sở khám, chữa bệnh thiếu vật tư y tế, hóa chất… do đang trong quá trình tổ chức chọn nhà thầu cung cấp.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, cử tri đề nghị UBND tỉnh có cơ chế, chính sách khắc phục tình trạng nông dân bỏ ruộng hoang như hiện nay. Về vấn đề này, UBND tỉnh đã ban hành và tổ chức thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ tối đa cho người dân theo quy định gồm: Cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tích tụ ruộng đất để liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị (Nghị định số 57/2018/NĐ-CP); hỗ trợ hộ nông dân mua máy móc để cơ giới hóa các khâu gieo cấy lúa, thu hoạch, sơ chế nông sản (Quyết định số 21/QĐ-UBND ngày 23-6-2020 về việc ban hành quy định hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề trên địa bàn tỉnh Nam Định). Bên cạnh đó, ưu tiên nguồn kinh phí hỗ trợ đất trồng lúa hàng năm để cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi nội đồng, đảm bảo yêu cầu canh tác; ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa cho các huyện, thành phố; tạo điều kiện cho việc chuyển đổi đất trồng lúa sang cây trồng khác để tăng hiệu quả sử dụng đất… Đối với diện tích đất nhỏ lẻ, xen kẹt không còn đủ điều kiện sản xuất, các địa phương tổ chức khảo sát, thống kê, lập phương án tối ưu chuyển đổi mục đích sử dụng đất, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định. Đặc biệt, nhóm vấn đề kiến nghị cần phải huy động nguồn lực lớn mới có thể thực hiện nhưng cũng đã được UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết kịp thời để phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh và phòng, chống lụt bão cũng như bảo vệ an toàn tuyến đường giao thông. Đơn cử như: Đầu tư kinh phí kè tuyến sông WB11 – Nguyễn Văn Bé xã Giao Lạc (Giao Thủy); cải tạo nâng cấp mặt tuyến đê từ xã Trực Chính (Trực Ninh) đến cống Mỏ Cò thuộc địa phận xã Phương Định(Trực Ninh); sớm có kế hoạch để mở rộng mặt đê hữu sông Đào đoạn thành phố Nam Định về xã Tân Thành (Vụ Bản); bố trí kinh phí xây kè tuyến kênh Tàu 1 đoạn từ cầu UBND xã Xuân Hòa (Xuân Trường) đi cầu Cái Muối ra cống Tàu; đầu tư kinh phí cải tạo, nâng cấp cống Kẹo thuộc đê tả sông Ninh Cơ trên địa bàn xã Xuân Ninh (Xuân Trường); hỗ trợ kinh phí để tu sửa đoạn bờ đê sông Đáy đoạn qua xã Yên Phong (Ý Yên) bị xói lở; đầu tư kinh phí để tu sửa tuyến kè An Quang trên địa bàn xã Yên Phúc (Ý Yên); hỗ trợ kinh phí tu sửa chống sạt lở của bối Yên Trị đoạn từ Vĩnh Trị đến Ngọc Chấn chiều dài hơn 1km đối diện với cảng Long Sơn tỉnh Ninh Bình; quan tâm, hỗ trợ kinh phí để tu sửa, cứng hóa một số công trình trên địa bàn huyện Ý Yên (hai bờ sông Chanh đoạn từ sông Chanh ra sông Đào, thuộc hai xã Yên Phúc và Yên Lộc; bờ bao sản xuất thôn Trung Đồng xã Yên Bằng; bờ bao sản xuất xã Yên Phương)… Hiện nay những công trình này đều đang triển khai các thủ tục thi công, đang được thi công và có công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng.
Từ kỳ họp thường lệ cuối năm 2022 đến nay, toàn tỉnh có 71/71 kiến nghị đã được trả lời. Chất lượng giải quyết đối với các kiến nghị của cử tri tiếp tục được nâng lên. Nhiều kiến nghị đã được UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn giải quyết dứt điểm. Đa số nội dung kiến nghị chưa thể giải quyết xong do đang trong quá trình thực hiện theo kế hoạch hoặc gặp những khó khăn, vướng mắc khách quan. Những kiến nghị cần nguồn lực lớn để thực hiện, vượt quá khả năng đáp ứng của ngân sách tỉnh, hoặc không thể thực hiện do khách quan, UBND tỉnh đã trả lời, giải thích rõ để cử tri hiểu và đồng thuận, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện tối đa trách nhiệm của mình, có giải pháp xử lý tạm thời hoặc giải pháp thay thế và xây dựng kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện trong thời gian tới. Những kiến nghị chưa thể thực hiện do không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, hoặc liên quan đến thẩm quyền của các cơ quan Trung ương, UBND tỉnh đã báo cáo, đề nghị Trung ương xem xét, giải quyết và thông tin đầy đủ tới cử tri để cử tri hiểu và đồng thuận.
Việc lắng nghe, trả lời và giải quyết kịp thời, thấu đáo các ý kiến, kiến nghị của cử tri góp phần giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm trên địa bàn tỉnh, tạo sự đồng thuận và củng cố niềm tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị./.
Bài và ảnh: Văn Trọng